Thứ sáu, 26/04/2024 | 04:54
RSS

Tin tức thế giới 14/6: Số ca mắc Covid-19 tại Ai Cập tăng cao kỷ lục

Chủ nhật, 14/06/2020, 07:55 (GMT+7)

Tin tức thế giới 24h nóng nhất, mới nhất ngày hôm nay chủ nhật ngày 14/6/2020. Tin tức an ninh quốc tế nóng nhất trong ngày hôm nay.

Số ca mắc covid-19 tại Ai Cập tăng cao kỷ lục

Tin tức thế giới 14/6, Bộ Y tế và Dân số Ai Cập ngày 13/6 cho biết số ca mắc Covid-19 trong 24 giờ qua là 1.677 trường hợp, trong đó có 62 người tử vong. Đây là ngày thứ hai liên tiếp nước này chứng kiến số ca nhiễm bệnh theo ngày tăng cao kỷ lục.

Đến nay, tổng số người mắc Covid-19 ở Ai Cập là 42.980 trường hợp, trong đó có 1.484 trường hợp tử vong và  11.529 trường hợp đã được chữa khỏi.

Tin tức thế giới 14/6, số ca mắc Covid-19 tại Ai Cập tăng cao kỷ lục

Ai Cập chứng kiến số ca nhiễm bệnh theo ngày tăng cao kỷ lục

Tất cả các trường hợp nhiễm Covid-19 mới đều đang được cách l‎y trong các bệnh viện hoặc tự cách ly tại nhà. Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ mắc Covid-19 cao nhất là Cairo, Giza và Qalyubia. Các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn dịch vẫn được thực hiện chặt chẽ tại tất cả các địa phương. Ai Cập tiến hành xét nghiệm Covid-19 cho 6.000 trường hợp mỗi ngày miễn phí trên toàn quốc.

Theo người phát ngôn của Chính phủ Ai Cập Nader Saad, nước này xem xét đóng cửa các cửa hàng thương mại và quán cà phê vào ban đêm ngay cả sau khi kết thúc cuộc khủng hoảng Covid-19. Đề xuất dựa trên một nghiên cứu của Bộ Nội vụ và các địa phương. Thời gian đóng cửa các cửa hàng này sẽ khác nhau giữa các địa phương. Biện pháp này nếu áp dụng sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử Ai Cập.

Hàng vạn người Pháp xuống đường biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc

Ngày 13/6, tại Pháp, khoảng 20.000 người tiếp tục biểu tình tại các thành phố lớn để phản đối tình trạng phân biệt chủng tộc và bạo lực cảnh sát.

Cụ thể, tại thủ đô Paris, khoảng 15.000 người đã tập trung tại quảng trường Cộng hòa – trung tâm thủ đô Paris bất chấp quy định cấm tụ tập trên 10 người vẫn còn hiệu lực trong bối cảnh tình trạng y tế khẩn cấ.

Cuộc biểu tình tại Paris bắt đầu trong trạng thái ôn hòa nhưng sau đó đã xảy ra đụng độ giữa người biểu tình quá khích và lực lượng cảnh sát. Cảnh sát Paris sau đó đã phong tỏa toàn bộ các ngả đường dẫn vào quảng trường Cộng hòa, khiến cho 15.000 người này bị phong tỏa tại đây trong nhiều giờ.

Tin tức thế giới 14/6, số ca mắc Covid-19 tại Ai Cập tăng cao kỷ lục

Khoảng 20.000 người tiếp tục biểu tình tại các thành phố lớn tại Pháp

Trong khi đó, các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra tại các thành phố lớn như Bordeaux, Lyon, Nantes, Metz, Nancy hay Besançon với quy mô nhỏ hơn, khoảng vài trăm đến dưới 2.000 người.

Các cuộc biểu tình này diễn ra theo lời kêu gọi của gia đình và những người ủng hộ nạn nhân Adama Traoré, một thanh niên da màu tử vong sau khi bị cảnh sát Pháp thẩm vấn hồi tháng 7 năm 2016. Trong khi vụ việc này đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng thì căng thẳng lại bùng lên dưới tác động của sự kiện diễn ra tại Mỹ - cái chết của George Floyd, một người da mầu khác, tử vong khi bị cảnh sát khống chế.

Nepal sửa Hiến pháp, tuyên bố chủ quyền với các khu vực thuộc Ấn Độ

Ngày 13/6, Hạ viện Nepal đã bỏ phiếu thông qua dự luật sửa đổi Hiến pháp, trong đó gồm có một bản đồ hành chính mới công nhận 3 khu vực nằm trong lãnh thổ Ấn Độ là thuộc Nepal.

Trong cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã ra tuyên bố phản đối. New Delhi cho rằng việc Hạ viện Nepal thông qua dự luật sửa đổi Hiến pháp theo đó gộp các phần của lãnh thổ Ấn Độ vào bản đồ hành chính mới của nước này và mở rộng các tuyên bố lãnh thổ hoàn toàn "không dựa trên các chứng cứ lịch sử" và không thể biện hộ.

Tin tức thế giới 14/6, số ca mắc Covid-19 tại Ai Cập tăng cao kỷ lục

Hạ viện Nepal đã bỏ phiếu thông qua dự luật sửa đổi Hiến pháp

Trước đó, ngày 10/6, sau nhiều ngày thảo luận, Hạ viện Nepal nhất trí tiến hành bỏ phiếu về đề xuất sửa đổi Hiến pháp do Chính phủ đệ trình. Nepal cũng đã đề nghị nước láng giềng Ấn Độ tổ chức "đàm phán ngoại giao nhằm giải quyết các vấn đề lãnh thổ" giữa hai nước.

Người phát ngôn bộ Ngoại giao Ấn Độ Anurag Srivastara khẳng định động thái này là vi phạm nhận thức hiện tại về việc tổ chức các cuộc đàm phán về vấn đề biên giới còn tồn tại. Ấn Độ trước đó cũng đã đưa ra quan điểm về vấn đề tranh chấp lãnh thổ và cho biết nước này tôn trọng nền văn minh, văn hóa và quan hệ hữu nghị với Nepal.   

Dự luật sửa đổi Hiến pháp vừa được thông qua đã chính thức hóa bản đồ hành chính mới của Nepal, trong đó công nhận các khu vực Kalapani, Lipulekh và Limpiyadhura thuộc Ấn Độ là một phần lãnh thổ Nepal. Việc thay đổi này được cho là liên quan tới một điều khoản về Quốc huy của Nepal.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN

CÙNG CHUYÊN MỤC

Đã vài năm trôi qua kể từ đại dịch Covid 19, nhưng những nỗi đau mà nó để lại là không hề nhỏ. Điều này khiến người dân tại thành phố Hồ Chí Minh điêu đứng và gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình cảnh này, nhiều đơn vị đã đứng ra tổ chức các chương trình từ hiện, trong đó có OKVIP.