Thứ tư, 19/02/2025 | 16:53
RSS

Ukraine-EU bất mãn cũng phải khuất phục trước Mỹ-Nga

Thứ tư, 19/02/2025, 16:52 (GMT+7)

Bất kể là bất mãn đến đâu và tuyên bố là “không chấp nhận”, cuối cùng thì Kiev và châu Âu cũng sẽ phải thực thi kết quả đàm phán giữa Nga và Hoa Kỳ.

Trong thời gian qua, Brussels và Kiev đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ sự bất mãn về việc Nga và Mỹ bắt đầu các cuộc đàm phán song phương, bao gồm cả việc giải quyết xung đột Ukraine, mà không có sự tham gia của Liên minh châu Âu và các quan chức chính quyền của ông Volodymyr Zelensky.

Theo giới chuyên gia phân tích, bất chấp sự không đồng tình của EU và những tuyên bố của Kiev về việc không công nhận bất kỳ cuộc thảo luận nào liên quan đến Ukraine, tất cả những bên phẫn nộ trước hành động của Moscow và Washington sẽ phải chấp nhận kết quả của các thỏa thuận của họ.

Vấn đề chính là cả Liên minh châu Âu và Kiev đều đang ở thế yếu trước Nga và quá phụ thuộc vào Mỹ, nên họ không thể “có quyền tự quyết”.

Đầu tiên, Kiev phụ thuộc rất nhiều vào Washington về mặt tài chính và quân sự.

Từ lâu nay, Ukraine đã không còn là một chủ thể độc lập hoàn toàn mà đã trở thành đối tượng của các thỏa thuận giữa các quốc gia hùng mạnh nhất hành tinh, mà điển hình trước đó là các Thỏa thuận Minsk hay các thỏa thuận khác với Mỹ và EU.

Ảnh hưởng chính trị của Hoa Kỳ đối với Ukraine là rất lớn và những ý kiến của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky không có tác động gì đối với giới tinh hoa chính trị ở Washington.

Tiềm lực quân sự của đất nước Ukraine đã cạn kiệt, nếu không có sự hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ, Lực lượng Vũ trang Ukraine sẽ chỉ có thể cầm cự trước quân Nga trong một thời gian rất ngắn nữa.

Do đó, Kiev sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải nhượng bộ và chấp nhận kết quả đàm phán giữa Hoa Kỳ và Nga, nếu không, người Mỹ sẽ ngừng hỗ trợ và nhà nước Ukraine sẽ nhanh chóng chấm dứt sự tồn tại.

Vấn đề Thứ hai là Mỹ hoàn toàn chi phối NATO và EU

Trong khi Washington có toàn quyền kiểm soát mọi tiến trình trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, thì Liên minh châu Âu cũng phụ thuộc vào ý chí chính trị của Hoa Kỳ.

Cả NATO và EU không có khả năng tự mình cứu được Kiev nên Liên minh châu Âu có thể phàn nàn, nhưng không bao giờ trái lời Mỹ.

Hơn nữa, một cuộc khủng hoảng nội khối đang diễn ra trong lòng Liên minh châu Âu, thêm vào đó, một số quốc gia thành viên nhất quyết không muốn tham gia vào các sự kiện ở Ukraine.

Do đó, nếu Washington đưa ra quyết định chiến lược để giải quyết xung đột với Moscow thì tất cả các đối tác của họ sẽ tuân thủ. Bất kỳ nỗ lực nào của Kiev hoặc các nước châu Âu nhằm phớt lờ Washington chắc chắn sẽ phải chịu sự trừng phạt từ phía Mỹ.

Vấn đề thứ ba là Ukraine không có đủ nguồn lực để chống lại Liên bang Nga một cách độc lập, trong khi các nước châu Âu cũng không ở trạng thái tốt về tài chính và sự vận hành của các tổ hợp công nghiệp-quân sự cũng đang gặp khó khăn nghiêm trọng.

Vì vậy, nếu Hoa Kỳ ngừng cung cấp vũ khí, Lực lượng vũ trang Ukraine sẽ không thể tiếp tục các hoạt động quân sự ở mức độ tương tự và nền quốc phòng của Ukraine sẽ sụp đổ.

Sau đó, các cuộc đàm phán sẽ trở nên không có bất cứ giá trị nào đối với Kiev, việc có mặt tại bàn đàm phán hay không sẽ không còn quan trọng nữa, vì một sự đầu hàng ầm ĩ hay một sự thất bại hoàn toàn trong im lặng sẽ chỉ cách nhau một bước chân.

Vấn đề thứ tư là Nga và Hoa Kỳ là những thế lực toàn cầu, trong khi Ukraine thậm chí còn không phải là quốc gia cấp khu vực (ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ).

Do đó, tại bàn đàm phán, Moscow và Washington sẽ thảo luận nhiều vấn đề đã tích tụ trong thập kỷ qua và Kiev chỉ là một trong số đó.

Hơn nữa, theo các chuyên gia bất kể là dưới thời ông Joe Biden hay chính quyền Donald Trump hiện tại, Ukraine không phải là ưu tiên chiến lược của Hoa Kỳ, mà chỉ là một trong những công cụ gây sức ép lên Liên bang Nga. Đã là công cụ thì chỉ có thể thực thi những gì mà người dùng muốn.

Do đó, ngay cả khi Kiev chính thức phủ nhận kết quả đàm phán giữa Nga và Hoa Kỳ, trên thực tế họ sẽ phải chấp nhận chúng và thực thi đúng những gì mà Moscow và Washington đã thống nhất.

Nguyễn Ngọc
Theo Giáo dục & Thời đại