Các cuộc đàm phán Nga-Mỹ đang diễn ra mang lại hy vọng chấm dứt cuộc chiến đẫm máu đã kéo dài gần 3 năm qua ở Ukraine. Ảnh Getty
Tại cuộc họp báo của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhắc đến Ukraine, ông Fu tuyên bố rằng, vấn đề này sắp đạt đến "thời khắc quan trọng để đàm phán giải quyết".
"Trung Quốc hoan nghênh mọi nỗ lực hướng tới hòa bình, bao gồm cả thỏa thuận gần đây giữa Mỹ và Nga về việc bắt đầu các cuộc đàm phán để chấm dứt chiến tranh. Đồng thời, Trung Quốc hy vọng tất cả các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ tham gia vào quá trình đàm phán hòa bình và đạt được một thỏa thuận hòa bình công bằng, lâu dài, ràng buộc mà tất cả các bên đều chấp nhận được", ông Fu nói.
Phát biểu của ông Fu được đưa ra khi các quan chức cấp cao của Mỹ và Nga gặp nhau vào thứ Ba 18/2 tại Saudi Arabia để đàm phán một thỏa thuận nhằm chấm dứt cuộc chiến ở Ukraine đã kéo dài gần 3 năm.
Ông Fu rõ ràng nhắc lại tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Hội nghị An ninh Munich tuần trước rằng, tất cả các bên liên quan trong cuộc chiến nên tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào, bao gồm cả Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm thứ Hai tuyên bố, đất nước ông không được mời tham dự đàm phán hòa bình và sẽ không chấp nhận kết quả nếu Kiev không được tham gia.
Khi được hỏi về vai trò của Trung Quốc, ông Zelensky nhấn mạnh, Bắc Kinh có khả năng tham gia các cuộc đàm phán hòa bình như vậy.
"Điều quan trọng đối với chúng tôi là phải thu hút Trung Quốc và sử dụng ảnh hưởng của họ để gây sức ép với (Tổng thống Nga Vladimir) Putin để chấm dứt chiến tranh", ông Zelensky nhấn mạnh.
Trong khi đó, các nước châu Âu đã bị sốc trước động thái đột ngột của ông Trump nhằm thúc đẩy đàm phán trực tiếp với Moscow - bỏ qua EU. Điều này đánh dấu sự thay đổi hoàn toàn so với các chính sách trước đây của Washington về việc cô lập Nga.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp tại Paris vào thứ Hai 17/2 để thảo luận về cách ứng phó với sự thay đổi chính sách mạnh mẽ của chính quyền Trump đối với Ukraine trong bối cảnh liên minh xuyên Đại Tây Dương ngày càng rạn nứt. Tuy nhiên, hội nghị kết thúc với phần lớn sự chia rẽ của các nhà lãnh đạo châu Âu.
Trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc, ông Fu cho biết EU cần phải nỗ lực để mang lại hòa bình trong một cuộc xung đột đang diễn ra trên đất châu Âu.
"Chúng tôi hy vọng các bên sẽ cùng nhau giải quyết nguyên nhân của cuộc khủng hoảng thông qua đàm phán và tìm ra một khuôn khổ an ninh cân bằng, hiệu quả và bền vững cho sự ổn định lâu dài trong khu vực", ông Fu nói.
Vị quan chức Trung Quốc cũng tái khẳng định vai trò của Trung Quốc trong tiến trình hòa bình.
"Trung Quốc không tạo ra cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng không phải là một bên trong cuộc khủng hoảng, nhưng Trung Quốc không mặc kệ hay lợi dụng nó. Ngay từ ngày đầu khi cuộc khủng hoảng nổ ra, Trung Quốc đã kêu gọi một giải pháp chính trị thông qua đối thoại và tham vấn", ông Fu tuyên bố và mô tả thêm rằng đề xuất hòa bình bốn điểm mà Trung Quốc từng đề xuất là "khách quan, công bằng, hợp lý và thực tế, phản ánh sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế".