Theo hãng tin Reuters, ngoài CNOOC còn có 3 công ty khác gồm nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc SMIC, công ty công nghệ xây dựng Trung Quốc và công ty Tư vấn kỹ thuật quốc tế Trung Quốc. Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, tổng cộng đã có 35 công ty Trung Quốc bị Mỹ xác định là công ty của quân đội hoặc có liên quan đến quân đội Trung Quốc.
Theo đó, Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) là nhà khai thác dầu mỏ và khí đốt ngoài khơi lớn nhất của Trung Quốc. Giàn khoan Hải Dương 981 là một trong những tài sản thuộc sở hữu của CNOOC.
Trên danh nghĩa lý thuyết, CNOOC là chủ của giàn khoan Hải Dương 981 (HD981) đã xâm phạm vùng biển Việt Nam năm 2014. Việt Nam đã kịch liệt phản đối việc CNOOC đưa HD981 đến tác nghiệp tại vị trí nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam. Hành động đưa trái phép giàn khoan HD981 của Trung Quốc vào Biển Đông cũng vấp phải sự chỉ trích lớn từ cộng đồng quốc tế.
Các quan chức ngoại giao Mỹ đã nhiều lần mô tả những công ty như CNOOC được Bắc Kinh sử dụng làm công cụ "bắt nạt" các nước trong khu vực, cản trở các hoạt động dầu khí đã có từ lâu của những nước này.
CNOOC là công ty sở hữu giàn khoan HD981
Trước đó, hôm 12/11, Tổng thống Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp cấm doanh nghiệp và cá nhân Mỹ đầu tư vào các công ty bị Bộ Quốc phòng Mỹ xác định là có dính líu quân đội Trung Quốc. Lệnh cấm này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 11/1/2021.
Hãng tin Reuters bình luận việc mở rộng danh sách lần này chắc chắn sẽ vấp phải sự phản đối của Trung Quốc. Hôm 29/11, sau khi tiết lộ CNOOC và SMIC đang trong tầm ngắm của chính quyền Trump, giá cổ phiếu của hai công ty này đã lao dốc trong phiên giao dịch đầu tuần.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, CNOOC và SMIC không trả lời yêu cầu bình luận ngay lập tức. Reuters nhận định động thái lần này có khả năng làm leo thang căng thẳng với Bắc Kinh trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden nhậm chức.