Thứ năm, 25/04/2024 | 18:48
RSS

Liên tiếp 2 bé tử vong do hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ, ngủ thế nào cho an toàn?

Thứ sáu, 21/10/2022, 10:32 (GMT+7)

Tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện liên tiếp tiếp nhận 2 trẻ nhập viện trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim trước khi nhập viện. Hai trẻ được chẩn đoán bị hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ.

Liên tiếp 2 trẻ tử vong vì hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ

Tối 20/10, tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, hai trẻ bị hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ này mới 3 tháng và 6 tháng tuổi, nhập viện trong tình trạng tím tái, ngưng thở, ngừng tim trước khi đến viện. Dù các bác sĩ đã nỗ lực cấp cứu nhưng không qua khỏi. 

Bác sĩ  Đinh Thị Thu Phương, khoa Cấp cứu - Chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương), người trực tiếp nhận 2 bệnh nhi nói trên, cho biết: Trường hợp thứ nhất là một bé trai (6 tháng tuổi) trước đó hoàn toàn khoẻ mạnh, nhập viện ngày 10/10. 

Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ xảy ra không có bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo trước (Ảnh minh họa: researchgate.net)

Người nhà cho biết, buổi trưa, sau khi ăn được cho nằm ngủ một mình trong phòng, khi gia đình phát hiện thì lúc này trẻ đang nằm úp mặt xuống đệm và tím tái. Ngay lập tức trẻ được gia đình đưa đến viện gần nhà cấp cứu ngừng tuần hoàn và trẻ có nhịp tim trở lại và được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Trẻ vào khoa Cấp cứu Chống độc trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Tại đây, các bác sĩ đã tiếp tục hồi sức và làm các xét nghiệm để chẩn đoán và tìm nguyên nhân. Tuy nhiên, tình trạng của bé ngày càng nặng, nguy cơ tử vong, gia đình quyết định xin cho bé về.

Trường hợp thứ hai là một bé gái 3 tháng tuổi, ở Hà Nội cũng vào viện ngày 20/10 trong tình trạng ngừng thở, ngừng tim trước khi đến bệnh viện.

Theo lời kể của gia đình, khoảng 23 giờ đêm ngày 19/10, trẻ được cho ngủ cùng bố mẹ. Đến khoảng 1 giờ 30 phút sáng ngày 20/10, khi mẹ tỉnh dậy phát hiện trẻ trong tình trạng tím tái toàn thân, không thở.

Trong lúc hoảng loạn, gia đình gọi xe cấp cứu đưa trẻ vào Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ phát hiện trẻ đã ngừng thở, ngừng tim, hạ nhiệt độ. Mặc dù được các bác sĩ nỗ lực cấp cứu, nhưng trẻ đã không qua khỏi.

“Sự ra đi bất ngờ của các bé là nỗi đau, nỗi day dứt không nguôi của gia đình, là một hồi chuông cảnh báo đối với các bậc cha mẹ có con nhỏ. Trước đó, khoa Cấp cứu & Chống độc cũng có tiếp nhận một vài trường hợp tương tự như trẻ trên đã xảy ra”– bác sĩ Thu Phương cho biết thêm.

Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ (SIDS- sudden infant death syndrome) là gì?

Theo TS.BS Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu chống độc (Bệnh viện Nhi Trung ương), hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ là cái chết bất ngờ và không tiên lượng được ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ trong khoảng từ 2 tuần tuổi đến 1 năm tuổi. 

Cho trẻ ngủ 1 mình, nằm ngửa, ngậm ti giả là cách hạn chế hội chứng đột tử khi ngủ ở trẻ nhỏ. Ảnh minh họa myhealth.alberta

Hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ hay gặp ở trẻ 2-4 tháng tuổi. Hầu hết hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ đều xảy ra khi trẻ đang ngủ. Hội chứng này xảy ra mà không có bất kỳ dấu hiệu nào cảnh báo trước, khiến đột tử ở trẻ nhỏ trở thành nỗi ám ảnh lớn đối với nhiều gia đình. 

Bên cạnh những nguyên nhân gây tử vong đột ngột: ngạt thở, chảy máu não, viêm cơ tim… nhiều trường hợp không có nguyên nhân rõ ràng.

Theo TS Duy, nguyên nhân gây đột tử ở trẻ nhỏ thường là do trẻ có khuyết tật nghiêm trọng ở hệ hô hấp, tim mạch. Hoặc sự kiểm soát nhịp thở của não bộ chưa phát triển hoàn thiện. Đường thở bị chèn ép khi ngủ trong tư thế nằm sấp, nằm nghiêng – sấp. 

Khi ngủ trên giường có quá nhiều vật dụng hay giường ngủ mềm, ngủ cùng với bố mẹ cũng có thể là tác nhân gây đột tử ở trẻ. Tăng thân nhiệt do nhiệt độ phòng quá nóng hoặc quấn quá nhiều quần áo, chăn to, trẻ ngủ sâu dẫn đến mất kiểm soát nhịp thở.

Các yếu tố nguy cơ của hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ

Theo TS Duy, các yếu tố làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ nhỏ bao gồm: 

- Trẻ trai nhiều hơn trẻ gái 

- Sinh non, cân nặng khi sinh thấp, chậm tăng trưởng.

- Tư thế ngủ nằm sấp, không có núm vú giả.

- Mẹ nhỏ hơn 20 tuổi, sử dụng ma tuý, hút thuốc lá trong thai kỳ và sau sinh.

- Khoảng cách ngắn giữa các lần mang thai.

- Trẻ nằm chung giường với cha mẹ, người chăm sóc.

- Anh chị em ruột bị đột tử.

- Nhiệt độ môi trường thấp hoặc quá cao.

- Cũi, nôi, gối không an toàn, nệm nước, giường mềm.

Các biện pháp đề phòng hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ

Theo TS Duy, tử vong ở trẻ nhỏ do SIDS là vấn đề liên quan đến giấc ngủ, do đó cần nâng cao cảnh giác, tạo môi trường an toàn cho giấc ngủ của trẻ.

Cụ thể cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần:

- Cho trẻ nằm ngửa khi ngủ.

- Thường xuyên quan sát trẻ.

- Sử dụng núm vú giả cho trẻ dưới 1 tuổi giúp mở thông đường thở.

- Để nhiệt độ phòng phù hợp, thông thoáng quần áo.

- Không trùm đầu trẻ.

- Đặt trẻ nằm trên tấm đệm ít bị trũng xuống.

- Không sử dụng gối, đồ chơi nhồi bông, chăn có nhiều lông hoặc quá lớn ở khu vực cũi/giường của trẻ.

- Trẻ sơ sinh, trẻ dưới 6 tháng tuổi cần nằm cũi, giường riêng, bên cạnh giường ngủ của người chăm sóc.

- Không sử dụng miếng đệm phụ trong cũi.

- Tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch để nâng cao sức đề kháng cho trẻ.

- Chăm sóc thai nghén sớm và thường xuyên.

- Nuôi con bằng sữa mẹ.

- Không hút thuốc lá, uống rượu hoặc sử dụng ma tuý trong thai kỳ và thời gian nuôi con nhỏ.

"Khi thấy trẻ có bất cứ dấu hiệu nào bất thường cần cho trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời", TS Duy khuyến cáo.

 

Diệu Linh
Theo báo Dân Việt