Thứ sáu, 26/04/2024 | 07:23
RSS

Liên tiếp các trường hợp là trẻ nhỏ nhập viện cấp cứu do đuối nước

Thứ sáu, 29/07/2022, 15:02 (GMT+7)

Chỉ từ đầu hè đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận điều trị cho gần 10 trẻ đuối nước. Trong đó có những trẻ tổn thương phổi nặng, suy đa tạng phải lọc máu, thậm chí tử vong.

Thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, chỉ từ đầu hè đến nay, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa của bệnh viện này đã tiếp nhận điều trị cho gần 10 trẻ đuối nước, trong đó có những trẻ tổn thương phổi nặng, suy đa tạng phải lọc máu, thậm chí có trẻ đã tử vong.

Điển hình là trường hợp bé trai V.A. (12 tuổi, quê Hải Dương) nhập viện do bị rơi xuống nước khi đang chơi ở ao cá. Bệnh nhi được đưa lên bờ với biểu hiện tím tái. Sau khi sơ cứu, gia đình đưa bệnh nhi đến bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu. Bé trai được đặt ống nội khí quản, dùng thuốc vận mạch, rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.

Thời điểm được chuyển đến bệnh viện, bệnh nhi đã suy tuần hoàn, suy hô hấp nặng, SpO2 chỉ còn 67% (trong khi bình thường phải trên 96%), chảy máu nhiều qua ống nội khí quản. Dù đã được hồi sức tích cực tức thì như thở máy, duy trì thuốc vận mạch liều cao, lọc máu, tiêm kháng sinh và điều trị chống phù não nhưng tiên lượng của bệnh nhi vẫn rất nặng. Hiện bệnh nhi vẫn đang hôn mê trên giường bệnh.

Liên tiếp các trường hợp là trẻ nhỏ nhập viện cấp cứu do đuối nước

Ảnh minh họa

Một trường khác là bệnh nhi N.B. (Hà Nội). Bố bệnh nhi cho biết, khi đang đi chơi cùng gia đình thì bệnh nhi bị trượt chân ngã xuống bể bơi, chỉ sau vài phút không thấy con, gia đình tá hoả đi tìm thì thấy bệnh nhi đang nằm úp mặt xuống đáy bể. Bệnh nhi được đưa lên bờ trong tình trạng bất tỉnh, tím tái.

Gia đình và nhân viên cứu hộ đã nhanh chóng tiến hành cấp cứu tại chỗ cho bệnh nhi. Rất may mắn, sau gần 1 tuần được các bác sĩ điều trị tích cực, sức khỏe của bệnh nhi đã dần ổn định, chuẩn bị được ra viện.

PGS.TS Tạ Anh Tuấn – Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đuối nước là tai nạn thường gặp ở trẻ em. Trẻ bị đuối nước có thể ngạt thở, dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Phần lớn trẻ bị đuối nước tử vong hoặc có các biến chứng nặng như suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thương não do thiếu oxy kéo dài là do không được cấp cứu hoặc cấp cứu không đúng cách. Để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy đến với trẻ em do đuối nước, PGS.TS Tạ Anh Tuấn khuyến cáo nhà trường và gia đình nên có các chương trình dạy kỹ năng sống cho trẻ đặc biệt là dạy bơi cho trẻ. Khi cho trẻ đến các bể bơi cần giám sát trẻ cẩn thận, đặc biệt ở các bể bơi hiện nay thiết kế có các độ sâu khác nhau, khi tắm trẻ mải nghịch sẽ bị hụt chân vào khu vực nước sâu gây đuối nước.

Bên cạnh đó, không để trẻ đi bơi một mình mà không có người lớn biết bơi đi kèm để giám sát trẻ, không nên đi bơi khi trời tối hoặc ăn uống khi đi bơi vì dễ gây sặc. Đặc biệt, cần tuân thủ các biển chỉ dẫn nguy hiểm và các nội quy ở bể bơi, bãi tắm.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại