Thứ sáu, 19/04/2024 | 22:12
RSS

Vì sao việc phóng sinh cá chim trắng ra sông Hồng lại ầm ĩ đến thế?

Thứ sáu, 10/02/2017, 14:59 (GMT+7)

Sự việc phóng sinh cá chim trắng ra sông Hồng đã làm bùng nổ nhiều ý kiến tranh cãi gay gắt về mức độ ảnh hưởng của loài cá có họ với cá hổ Nam Mỹ này tới môi trường sinh thái.

Thời gian gần đây, việc một nhà chùa tổ chức phóng sinh hàng tấn cá, trong đó có cá chim trắng xuống sông Hồng (đoạn qua cửa đình Bát Trang, huyện Gia Lâm, Hà Nội) vào sáng 5/2 đang gây xôn xao dư luận. Nhiều ý kiến tranh cãi gay gắt đã nổ ra xung quanh câu hỏi liệu phóng sinh cá chim trắng có gây hại đến môi trường sinh thái hay không?

phóng sinh cá chim trắng 1 

Việc người dân phóng sinh cá chim trắng ra sông Hồng gây nhiều tranh cãi. Ảnh VietNamNet

Trên thực tế từ năm 2001, Bộ Thủy sản đã đưa cá chim trắng nước ngọt vào danh mục giống thủy sản nước ngọt, được phép nhập khẩu thông thường. Qua 16 năm nuôi thả, nhiều người khẳng định cá chim trắng nước ngọt ở Việt Nam không hề gây hại cho môi trường sinh thái như một số ý kiến lo ngại.

Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Lâm - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giống thủy sản Hà Nội cho biết, cá chim trắng vốn là loài thủy sản ngoại lai được đưa về Việt Nam hàng chục năm nay. Theo ông Lâm, cá chim trắng là loài thủy sản ngoại lai song không hề nguy hiểm như cá hổ Nam Mỹ

Đồng quan điểm với ý kiến trên, ông Hoàng Tiến Minh – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội cũng cho biết, cá chim trắng không phải là loài cá dữ như cá hổ Nam Mỹ và được nuôi thương mại ở Việt Nam từ lâu. Chuyên gia thủy sản Mai Đình Yên cũng cho rằng, chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh, cá chim trắng gây hại cho môi trường sinh thái.

Kênh VTC14 khẳng định cá chim trắng là loài gây hại hết sức nguy hiểm

Dù vậy trong quá trình nuôi thả, những người nuôi cá cũng có nhiều nhận xét khác nhau về giống cá này. Có người e ngại vì đây là giống cá dữ, ăn nhiều, ăn tạp, thiên về thức ăn động vật nên cạnh tranh và gây hại cho các loài cá khác. Có người ca ngợi sức chống chịu môi trường nước bẩn và tốc độ lớn nhanh mà cho rằng đây là giống cá tốt.

Được biết, những tranh cãi về  việc cá chim trắng gây hại hay không đã rầm rộ từ năm 2003. Thời điểm đó, Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN&PTNT) đã có báo cáo Chính phủ khẳng định, cá chim trắng không gây hại và dù cùng họ với cá hổ Nam Mỹ nhưng khác loài. 

Tuy nhiên thông tư liên tịch số 27/2013/TTLT-BTNMT-BNNPTNT ngày 26/9/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi rõ, cá hổ (Pygocentrus nattereri) là loài ngoại lai xâm hại và cá chim trắng (Piaractus brachypomus ) là loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó viện trưởng Viện nghiên cứu nuôi trồng Thủy Sản I cho hay, cá chim trắng nước ngọt (cá pacu, tên khoa học Colossoma brachypomum/Piaractus brachypomus) là loài ngoại lai có nguồn gốc Nam Mỹ.

phóng sinh cá chim trắng 3

Một chuyên gia khẳng định cá chim trắng cần nuôi trong môi trường kiểm soát được. Ảnh Internet

Nhiều người hay nhầm nó là cá hổ nhưng không phải. Cá chim trắng không phải là loài bản địa, không nên thả ra môi trường tự nhiên mà phải nuôi trong môi trường kiểm soát được (trong lồng, bè…).
“Việc thả phóng sinh nên thả các loài cá bản địa, của vùng nước đấy. Nếu thả các loài ngoại lai sẽ có tác động xấu tới môi trường, ảnh hưởng đến các loài bản địa và đa dạng sinh học”, ông Trọng cho hay.

Vậy rốt cuộc phóng sinh cá chim trắng có hại tới môi trường sinh thái hay không? Hiện chưa có tài liệu khoa học nào có câu trả lời rõ ràng cho vấn đề này song theo một vài ý kiến, muốn biết cá chim trắng gây hại hay không còn phải xem đến số lượng cá thả, nơi thả và mục đích thả bởi loài cá này thường ăn tôm, ốc, cá nhỏ tại môi trường chúng sinh sống.

 

Tri Thu (t/h)
Theo Đời sống Plus