Hiện nay trong dịp đầu năm người dân thường có thói quen đi lễ chùa để cầu bình an và may mắn. Tuy nhiên, những thói quen đi lễ chùa hiện nay đã đúng với tinh thần đạo Phật chưa, để làm rõ vấn đề này, Đời Sống Plus đã có cuộc trò chuyện với sư thầy, Đại đức Thích Pháp Minh (trụ trì chùa Ích Minh, Bắc Giang) nghe sư thầy nói về các quy tắc khi đến nơi cửa Phật
Lên chùa không nên cúng đồ mặn
Khi lên chùa thờ Phật, muốn dâng lễ thì dâng những gì là đúng với đạo Phật, thưa thầy?
Thực ra mình lễ Phật phải xuất phát từ tâm, khi tâm mà thành kính, đấy mới là cái quan trọng nhất, khi đã thành kính rồi thì lúc đó mới sắm sửa các lễ vật sao cho phù hợp.
Sau khi tâm thành kính thì sắm sửa những hiện vật như: Hương hoa, đăng trà, quả, tất cả những gì chay tịnh. Tránh rượu thịt cúng Phật hay tiền vàng hàng mã.
Khi cúng xong người dân có thể cúng dường lại chùa, chùa có sư thì mình cúng dường luôn sư tăng phần lễ Phật đấy để cho có phước.
Lên chùa tuyệt đối không được cúng đồ mặn. Ảnh C.N
Nếu chùa không có sư thì mình đem chia phần đó cho nhân dân phật tử trong chùa đó để mọi người cùng hưởng lộc với mình, đã đem lễ đi cúng thì không nên đem lễ về.
Theo thầy, vào chùa chỉ được cúng lễ chay nhưng thực tế nhiều người vẫn lầm tưởng và đem cả gà, đầu lợn, giò, chả… vào cúng, điều này gây ảnh hưởng như thế nào đến việc thờ Phật thưa thầy?
Thực ra nó không ảnh hưởng gì nhưng đức Phật dậy là không sát sanh trước cửa chùa. Giới đầu tiên của cửa Phật là không sát sanh, đã không sát sanh thì đức Phật không bao giờ thụ nhận những thứ như vậy.
Đi chùa là tâm thành kính thôi, cho nên việc đem thịt, đầu lợn...mang lên cúng chư Phật là không nên sẽ sinh ra ảnh hưởng đến cảnh máu chảy đầu rơi trước cửa thiền môn là điều không tốt. Làm mất đi tính từ bi, tình thương của đức Phật đã dậy trong đạo lý, mất đi vẻ tôn nghiêm của đạo Phật.
Chỉ có tâm mới bày tỏ lòng thành kính khi lên chùa chứ không phải cứ xôi gà, rượu thị là mới thành kính.
Khi đến chùa đặt lễ dâng cúng, sau khi cúng xong người dân có được tự ý hạ lễ không thưa thầy?
Khi lên chùa, việc chùa có sư thì vào bạch lễ các thầy trụ trì trước để xin phép đi lại trong chùa. Sau khi bạch lễ xong thầy sẽ dậy đặt lễ chỗ nọ chỗ kia..
Việc cúng vàng mã cũng không có trong đạo Phật. Ảnh C.N
Đến khi lễ Phật cúng xong thì nên bạch thầy xin đem lễ Phật này cúng thầy hoặc xin thầy chỉ dậy như thế nào cho đúng đắn, cái đó tùy theo các thầy chỉ bảo chứ không nên tự ý làm.
Nếu chùa mà không có sư mình tự đi tới lễ Phật xong nên đến ban hộ tự, xin nhờ các cụ chia lộc cho mọi người. Chùa không có một ai trông nom thì mình hạ lễ xuống đem về phát lộc.
Đốt nhiều vàng mã sẽ mang tội
Xin thầy có thể cho biết trong cách cúng Phật có nên sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ không?
Thực ra, việc cúng vàng mã không có trong đạo Phật, đây là tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng này du nhập từ phương Bắc thời kỳ đất nước ta bị phong kiến.
Việc du nhập tiền vàng mã để cúng đốt cho người đã khuất là tập tục trong tín ngưỡng dân gian, nó không phải là của đạo Phật. Còn đạo Phật khi bước vào Việt Nam bắt gặp tín ngưỡng văn hóa dân gian thì phải hòa quyện chứ không phản nghịch nhau.
Hiên nay, không có điều luật nào cấm cúng vàng mã nhưng đức Phật cũng không bảo là phải mang vàng mã để cúng Phật vì đức Phật vốn sẵn ngài không dùng đồ giả.
Lên chùa chỉ cần tâm thành kính. Ảnh C.N
Vậy tại sao trong chùa vẫn có những lò đốt vàng mã thưa thầy?
Những lò đốt vàng mã trong chùa chỉ là vệ sinh môi trường, giúp cho mọi người tiện hơn.
Vì khi tín ngưỡng dân gian như vậy mà chùa không cho người dân mang vàng mã tới thì họ phản ứng rất là mạnh mẽ và rất khó cho việc hoàng đạo và hoàng pháp.
Nếu chùa cấm không được đốt vàng mà có những người không hiểu lại nghĩ rằng chùa đi ngược với tín ngưỡng dân gian, người dân sẽ không đến chùa nữa.
Khi người dân đã đem vàng mã tới lễ, để không làm mất cảnh quan của chùa, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh cho nên các sư thầy xây lò đốt vàng mã để tiện cho người dân trong việc đốt vàng mã gọn gang, sạch sẽ.
Theo thầy có phải cứ đốt thật nhiều vàng mã tại chùa, phủ, đền sẽ được phù hộ, mang lại nhiều may mắn không?
(Cười lớn), thực ra thì nó không phải như vậy, nói như vậy thì có những người đốt cả tỷ đồng vàng mã được nhiều may mắn sao! Đấy hoàn toàn là sai lầm, nhận thức sai về điều đó.
Có một tích truyền xưa kia, khi một vị vua chết đi muốn đem theo người hầu hạ, trong thời gian đầu vua chúa ác nghiệt của Trung Hoa đã chôn theo cả người sống.
Đốt nhiều vàng mã không những gây ô nhiễm môi trường, tốn kém tiền của mà còn mang tội. Ảnh Internet
Do vậy, giới nhà giàu cũng chôn theo người sống, dần dần thấy hủ tục ghê ghớm quá, họ bắt đầu làm ra hình nhân giả, giống như người thật để chôn theo. Từ đó, hình thành tập tục đốt vàng mã, làm đồ giả để biểu tượng cho đồ thật chứ không phải quan niệm là đốt thật nhiều vàng mã là gặp nhiều may mắn, người dân vẫn đang lầm nhận như vậy là sai.
Đốt vàng mã chỉ làm ô nhiễm môi trường, tốn kém tiền của có khi lại mang tội ấy chứ. Tiền đó đem đi cúng dường hay làm từ thiện còn có ích hơn nhiều.
Xin cảm ơn thầy!