Thứ sáu, 22/11/2024 | 07:38
RSS

Rải tiền lẻ, xoa vào tượng Phật là xúc phạm tôn giáo, bất kính với đức Phật

Thứ năm, 09/02/2017, 06:41 (GMT+7)

"Theo tôi đó là những điều không đúng đắn với tinh thần đạo Phật, sai hoàn toàn. Đức Phật có nhận cúng dàng nhưng cúng dàng với mục đích hoằng pháp, tu học, độ sanh..", sư thầy Pháp Minh nói.

Rải tiền lẻ tràn lan bất kính với đức Phật

Hiện nay, nhiều người dân đi lễ chùa có thói quen rải tiền lẻ ở trên bàn thờ, kẽ tay chân của tượng Phật, hoặc xoa vào đầu rùa, bệ Phật…nhiều khi rất phản cảm. Để giúp độc giả có cách nhìn nhận đúng hơn khi đến lễ nơi cửa Phật, PV Đời Sống Plus đã có buổi trò chuyện với sư thầy, Đại đức Thích Pháp Minh (trụ trì chùa Ích Minh, Bắc Giang).

Xin thầy cho biết việc người dân lên chùa dùng tiền thật rải tràn lan ở ban thờ, gốc cây, giếng nước…với mục đích cầu lộc, công danh, sự nghiệp và may mắn có đúng với tinh thần đạo Phật không?

Theo tôi đó là những điều không đúng đắn với tinh thần đạo Phật, sai hoàn toàn. Đức Phật có nhận cúng dàng nhưng cúng dàng với mục đích hoằng pháp, tu học, độ sanh chứ không phải là mình đem tiền rồi nhét vào pho tượng xin cầu lộc, cầu tài.

Rải tiền lẻ, xoa tượng phật 1

Rải tiền lẻ, xoa vào tượng Phật là xúc phạm tôn giáo, bất kính với đức Phật. Ảnh Internet

Đức Phật đã nói là ngài không hứa ban phước cho ai hay xuống họa cho người nào cả. Phước hay họa là do chính mình. Mình làm thiện, làm lành thì mình có phước, mình gieo nhân ác thì mình phải chịu cái họa.

Cho nên khi mình đến cầu cúng đức Phật, tốt nhất là mình cúng dàng bằng cái tâm, cái tâm thanh tịnh đó mới là điều tốt nhất. Chứ không phải cứ đem tiền, đem lễ đến là có phúc còn tay trắng đến là không có gì, điều này không phải.

Việc nhét tiền lên bàn thờ, vào tay, chân hay bất kỳ vị trí nào trên tượng Phật thì sao thưa thầy?

Thẩm Mỹ của người nhìn vào, người không theo đạo Phật họ sẽ nghĩ rằng hóa ra đạo Phật là đạo của tiền vàng, đạo của vật chất! Không những thế còn ảnh hưởng đến thẩm mỹ, có khi bị bào mòn tượng, bị bong tróc sơn.

Nhiều người đi lên chùa Bái Đính, cầm tiền xoa nhẵn bóng đen cả tay tượng bằng đá, cái này không tốt, ảnh hưởng đến thẩm mỹ, trông pho tượng bị lem nhem, chỗ thì màu sơn đen, chỗ thì  đen bóng, chỗ thì lại xám xám.

Bên cạnh đó còn có những kẻ gian họ thấy tiền liền đến lấy trộm tạo nên tội trộm cắp trước cửa chùa. Theo tôi thì người dân không nên nhét tiền lên bài thờ, Thánh tượng hoặc tay chân của tượng Phật.

Có phải cứ mang lễ lớn, giá trị hay rải tiền lẻ ở khắp nơi là tâm linh không thưa thầy?

Việc làm này không thể hiện tâm linh mà đó chính là sự không hiểu biết của người dân, thể hiện tinh thần mê tín của mình chứ không phải tâm linh. Đạo Phật là đạo chánh tín (tức là đem niềm tin chân chính hãy hiểu biết, hãy thực thể rồi mới có lòng tin).

Rải tiền lẻ, xoa tượng phật 2

Nhét tiền lẻ vào tượng thể hiện sự mê tín chứ không phải tâm linh. Ảnh Dân Trí

Việc mà mình đem lễ vật tới cửa Phật mà mình không biết để làm gì, không hiểu tại sao lại thế, không biết cái này sẽ đi về đâu thì đấy là người không hay, không hiểu, không biết mà chỉ tăng thêm cái mê muội, mê tín trong lòng mình.

Cùng là người đem lễ đến chùa nhưng có hai trạng thái khác nhau hoàn toàn, một người là tâm thành kính cúng dàng, chư tăng trong chùa. Còn một người lại có cái tâm tới mong cầu công danh, sức khỏe tài lộc, người này thì tăng thêm mê tín.

Theo thầy, thay vì dùng tiền lẻ rải khắp nơi, người dân nếu muốn công đức thì phải làm thế nào cho đúng?

Việc người dân đem tiền nhét vào bát nhang, đặt vào tay Phật hay để lên ban bệ thờ...là hình thức không đúng đắn mà họ nên gom lại bỏ vào hòm công đức của nhà chùa. Hoặc đem số tiền đó cúng dàng cho sư tăng trong chùa để tu học hay đem số tiền đó đi làm từ thiện chứ không nên làm như vậy trông mất thẩm mỹ nơi cửa Phật.

Rải tiền lẻ, xoa tượng phật 3

Khách đi chùa nhét cả tiền lẻ trên chùa Đồng, Yên Tử. Ảnh Minh Cương

Sờ tay vào đầu rùa, Thánh tượng là bất kính với tôn tượng

Bên cạnh viêc rải tiền lẻ, khi đi chùa các phật tử còn vô tư sờ tay vào đầu rùa, lên Thánh tượng, bệ Phật làm đen mòn các pho tượng, vậy việc làm trên có đúng với đạo Phật không?

Cái này là không đúng với đạo Phật hay hiểu cách khác là bất kính, hủy hoại tượng bằng hình thức mê tin của người dân. Do không hay, không hiểu, không biết mà người ta làm như vậy.

Người dân chỉ biết là làm như thế để cầu may, nhưng họ không hiểu tại sao lại may như vậy nên sai lầm lớn. Từ cái tâm mà họ sai trong hình thức.

Cho nên điều đó là điều không đúng với tinh thần đạo Phật, chỉ làm tăng thêm cái mê tín trong dân gian. Đã không hiểu thì càng không hiểu tiếp, đã mê muội lại càng mê muội tiếp. Cứ người này nối người kia truyền tai nhau thông tin, dư luận bất thành văn, thành làn sóng dư luận không hay.

Nếu không đúng thì có hại gì không thưa thầy?

Việc này sẽ tạo thành hai hướng dư luận khác nhau, người mà không hiểu biết và người hiểu biết sinh ra xung đột trong lời nói, dễ cãi nhau.

Người hiểu biết nói không nên làm như vậy, làm vậy không được lợi ích gì mà chỉ làm hư hoại tượng. Còn người mê tín họ sẽ nói đấy là việc của tôi cho nên thành ra hai bên cãi nhau.

Bởi vậy tôi mới nói lên chùa cái tâm phải là tâm chánh tín chứ tâm mê tín gặp dễ cãi nhau, dễ xung đột với nhau lắm! Những việc làm như vậy tạo nên phản cảm bất kính với tôn tượng trong chùa, làm hao mòn tượng pháp, hủy hoại pho tượng.

Rải tiền lẻ, xoa tượng phật 4

Tiền lẻ rải đẩy mặt trống đồng ở Bái Đính. Ảnh Nguyễn Dương

Có nhiều người cho rằng sờ tay vào tượng Phật rồi xoa vào người để được Phật ban phước, trước quan niệm trên, thầy có ý kiến như nào?

Quan điểm đó không đúng một chút nào cả, như tôi đã nói đức Phật không ban phước cho bất cứ ai, không xuống họa cho bất cứ người nào. Cho nên mình cứ xoa như vậy cũng không mang lại phúc lộc gì.

Việc xoa tượng được sẽ cầm được rồi bẻ gẫy cả cổ tượng. Có một số thanh niên thiếu hiểu biết còn sinh ra bất kính, trèo cả lên tượng Phật ngồi chụp ảnh, tạo dáng trên pho tượng.

Do đó, tạo ra hình thức phản cảm, tác động nhẹ thì không sao nhưng tác động mạnh thì cho là xúc phạm tôn giáo, xúc phạm niềm tin vào tôn giáo, đó là tinh thần không đúng đắn.

Cao Nguyên
Theo Đời sống Plus