Theo thống kê của Bộ Lao động thương binh và Xã hội, người nghiện ma túy có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Trong 10 năm trở lại đây, Việt Nam có thêm khoảng 10 vạn người nghiện ma tuý. Điều đáng lưu ý, trong số đó, có khoảng 70% số người nghiện dưới 30 tuổi; 5% người sử dụng ma túy ở tuổi chưa thành niên (dưới 18 tuổi), riêng trẻ em dưới 16 tuổi chiếm 50%.
Thực trạng trên đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ ma túy xâm nhập học đường. Với độ tuổi học sinh, sống phụ thuộc vào gia đình, không có thu nhập, việc sử dụng ma túy, nghiện ma túy là con đường ngắn nhất dẫn đến việc phạm tội.
Hiện nay, ma túy đang có nguy cơ xâm nhập vào trường học với nhiều hình thức khác nhau, các thầy cô, phụ huynh rất khó phát hiện. Ma túy biến tướng, giả dạng và trá hình dưới nhiều hình thức khác nhau, khó nhận biết với những tên gọi lại vô cùng hấp dẫn lứa tuổi học sinh như nước vui, trà sữa, nấm ma thuật, tem giấy, bóng cười – funky ball,…
Bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy" ra đời sau 5 năm "thai nghén"
Tuổi Trung học phổ thông là tuổi đang trưởng thành, ham học hỏi nhưng chưa chín chắn, ít kinh nghiệm sống nhưng lại thích thể hiện mình, khám phá cái mới và đó là “kẽ hở” để bọn tội phạm lợi dụng lôi kéo.
Ma túy hiện nay có nhiều chủng loại, từ mẫu mã, hình thức cho đến tên gọi đều rất cuốn hút, rất dễ kích thích tính tò mò của giới trẻ. Nếu thiếu kiến thức, học sinh rất dễ “thử” cho biết rồi nghiện lúc nào không hay.
Ngoài ra, yếu tố “hoàn cảnh gia đình” đối với sự phát triển của một đứa trẻ cũng vô cùng quan trọng. Gia đình là môi trường đầu tiên mà những đứa trẻ sinh sống, nhận thức của chúng bước đầu hình thành từ những hành vi của những người xung quanh, bao gồm cả những hành vi tốt hay không tốt.
Phần lớn các đối tượng vi phạm pháp luật rơi vào hoàn cảnh gia đình éo le như bố mẹ là đối tượng hình sự, rượu chè, cờ bạc, cha mẹ ly hôn, ly thân... Mỗi đứa trẻ đều sinh ra như nhau nhưng phần lớn “những đứa trẻ hư” đều có hoàn cảnh gia đình “sứt sẹo” với “tuổi thơ dữ dội”.
Một khi đứa trẻ thiếu đi sự quan tâm cần thiết, không được giáo dục đến nơi đến chốn, những “mầm non” ấy rất dễ phát triển lệch lạc. Những thống kê đã chỉ ra rằng, rất nhiều “trẻ hư” xuất thân từ những gia đình thường xảy ra bạo lực hoặc việc quản lý, giáo dục trẻ chưa phù hợp, thiếu quan tâm, để trẻ em lang thang kiếm sống hoặc nuông chiều quá mức, để trẻ tiếp xúc với những thành phần xấu của xã hội, bị kẻ xấu lôi kéo vào con đường phạm pháp...
Hoàn cảnh gia đình không tốt, đến tuổi Trung học, các em bắt đầu nhận thức được nhiều thứ xung quanh, các em có tư tưởng tự ti, chán nản, thậm chí buông xuôi rồi giải khuây bằng ma túy.
Khi những bậc làm cha, làm mẹ nhận ra mình quá thờ ơ trong việc chăm sóc, giáo dục con em mình thì hậu quả đau lòng cũng đã xảy ra, trong khi con em họ còn quá non nớt để tự mình vượt qua được cám dỗ và nghĩ đến hậu quả về sau.
Bộ tài liệu do viện PSD biên soạn cũng cấp những kiến thức sâu rộng, tỉ mỉ, cùng những kỹ năng rất cụ thể về phòng, chống ma túy
Hẳn chưa ai có thể quên sự việc đau lòng xảy ra cách đây mấy năm ở Hà Nội. Trong một sự kiện âm nhạc diễn ra tại Công viên nước Hồ Tây đã xảy ra vụ sốc thuốc tập thể nghiêm trọng khiến 7 thanh niên thiệt mạng.
Sau sự việc ấy, ĐBQH, Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội lúc đó là bà Phạm Minh Hiền đã trả lời báo chí: “Tôi chắc chắn một điều rằng, không ai muốn mình trở thành nạn nhân của ma túy. Mở rộng ra khỏi phạm vi của vụ việc, tôi cho rằng, với chất ma túy, chất gây nghiện khi chưa được quản lý và kiểm soát chặt chẽ thì bất kỳ ai cũng trở thành nạn nhân.
Nhưng trước hết vẫn là từ chính ý thức bản thân họ, sự thiếu hiểu biết về tác hại của các chất gây nghiện, quan niệm về lối sống dễ dãi, đua đòi của giới trẻ, tâm sinh lý ở độ tuổi này dễ bị lôi kéo kích động trong khi môi trường xã hội lại có quá nhiều cạm bẫy; sự thiếu quan tâm, quản lý giáo dục từ gia đình”.
Cũng theo bà Hiền: “Yếu tố gia đình ở độ tuổi này thật sự đóng vai trò quan trọng, chúng ta khó mà đòi hỏi xã hội sẽ giáo dục con người có một nhận thức tốt trong khi vai trò gắn kết, dạy dỗ của người thân lại bỏ qua.
Khi con trẻ không tìm thấy những ý nghĩa của tình cảm gia đình, những thú vị trong đời sống tình cảm với người thân thì chúng rất dễ lao ra bên ngoài tìm kiếm những thứ mới mẻ hấp dẫn hơn. Nhưng chúng lại không đủ kỹ năng, nhận thức để nhận định, phân biệt đúng sai, cái nào cần tìm và cái nào cần giữ để giới hạn sự tò mò đến mức phóng khoáng của mình. Gia đình, hơn hết vừa phải đóng vai trò vừa là điểm tựa, vừa là điểm dừng vững chắc cho các bạn trẻ”.
Cuộc chiến chống ma túy còn nhiều cam go, trong khi các đối tượng ngày càng hoạt động tinh vi, thủ đoạn, lực lượng công an mỏng, thanh thiếu niên thiếu tính kiên định, dễ sa ngã. Bởi thế vấn đề cốt lõi chính là sự quan tâm, phối hợp giữa gia đình và xã hội trong việc ngăn ngừa con em mình sử dụng ma túy.
Đề bài trừ tệ nạn ma túy nói chung và tệ nạn ma túy học đường nói riêng, mỗi cá nhân từ phụ huynh, giáo viên và học sinh đều phải được trang bị cho mình một kiến thức vững vàng. Khi đã có kiến thức, chúng ta sẽ có kỹ năng để phòng chống ma túy một cách hiệu quả.
Bộ sách “Kỹ năng phòng, chống ma túy” vừa được Viện Nghiên cứu Tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) phát hành, với những kiến thức sâu rộng, tỉ mỉ, cùng những kỹ năng rất cụ thể về phòng, chống ma túy hy vọng sẽ sớm đẩy lùi tệ nạn này khỏi môi trường học đường và cả xã hội.