Thứ bảy, 20/04/2024 | 14:17
RSS

Ma túy xâm nhập vào học đường, nhiều học sinh mất hết tương lai

Thứ ba, 29/06/2021, 14:03 (GMT+7)

Hiện nay, ma túy đã và đang len lỏi vào môi trường học đường. Nhiều học sinh bị dụ dỗ sử dụng ma túy, trở thành kẻ phạm tội với hành vi tàng trữ, mua bán ma túy.

Học sinh sa ngã vào ma túy

Hiện nay, trên thị trường có hàng trăm loại ma túy đang lưu hành trái phép. Nó không chỉ hủy hoại sức khỏe bản thân người nghiện, làm hao tốn tiền bạc của gia đình mà còn để lại biết bao hệ lụy cho xã hội và giới trẻ.

Có nhiều nguyên nhân khiến cho không ít các em học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường sa ngã vào ma túy. Có thể là do tâm lý các em dễ bị kích động; chưa có bản lĩnh tự chủ trong cuộc sống, dễ bị rủ rê, lôi kéo.

Đầu tiên là tò mò "thử một lần cho biết", rồi lần 2, lần 3, dẫn đến nghiện và lệ thuộc vào ma túy lúc nào không hay. Khi đã lệ thuộc vào ma túy, các em bị kẻ xấu sai khiến trộm cắp, trấn lột, thậm chí sẵn sàng phạm tội để có tiền hút, chích.

Ngoài ra, một bộ phận các bậc cha mẹ do mải làm ăn, lo kiếm tiền mà thiếu quan tâm đến việc học tập, sinh hoạt của con cái; nuông chiều con cái quá mức hoặc trong gia đình có người lớn tuổi cũng mắc nghiện hoặc có hành vi buôn bán ma tuý....cũng sẽ là lý do khiến con trẻ tìm đến ma túy. 

Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội trong quản lý học sinh ở một số địa phương chưa thực sự có hiệu quả cũng là một trong những yếu tố khiến tỷ lệ thanh thiếu niên sa vào tệ nạn ma túy ngày càng tăng cao.

Ma túy xâm nhập vào học đường, nhiều học sinh mất hết tương lai

Ảnh minh họa

Theo đánh giá của cơ quan công an, tội phạm ma túy hiện nay diễn biến phức tạp, số đối tượng nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa (trên 50% là thanh, thiếu niên); nổi lên tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy tại nhà hàng, vũ trường, quán bar, karaoke, nhà nghỉ, khách sạn.

Đáng lo ngại, trong những năm gần đây, ma túy đã và đang len lỏi vào môi trường học đường. Một số học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo trở thành nạn nhân hoặc tham gia tàng trữ, mua bán ma túy.

Theo báo cáo của Chính Phủ, tội phạm sử dụng ma túy ngày càng tăng cao. Từ 1/10/2018-30/9/2019 đã phát hiện 23.328 vụ, 36.222 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ 1.222kg heroin, 6.254 kg ma túy tổng hợp. Chỉ riêng năm 2018, Việt Nam đã khởi tố hơn 23.000 bị can (tăng 26% so với 2017), trong đó lứa tuổi chưa thành niên có tới 2.300 vụ với trên 3.500 nam và 100 nữ.

Đáng chú ý, trong số 47 bị can thuộc 10 vụ án đặc biệt nghiêm trọng về ma túy do Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đang thụ lý điều tra, có 20 đối tượng có độ tuổi từ 18-20, chiếm tỷ lệ 42,55%, cho thấy tội phạm về ma túy đang có xu hướng trẻ hóa, tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên, trong đó có nhiều em còn ngồi trên ghế nhà trường.

Theo liệu từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy năm 2020, trong số 234.620 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, có trên 70% số người nghiện dưới 30 tuổi, trong đó có khoảng 5% tổng số người sử dụng ma túy ở tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi) và khoảng 50% là trẻ em (dưới 16 tuổi).

Giải pháp ngăn chặn ma túy xâm nhập vào học đường

Những con số đáng buồn này cho thấy, thế hệ tương lai của đất nước chúng ta đang bị ma túy hủy hoại từng ngày. Để hạn chế tình trạng ngày càng nhiều thanh thiếu niên sa vào tệ nạn ma túy và trở thành tội phạm ma túy cần đến sự phối hợp chặt chẽ của nhiều lực lượng (gia đình, nhà trường và xã hội). Đặc biệt, giáo dục phòng chống ma túy trong nhà trường đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Những năm vừa qua, các nhà trường và cơ sở giáo dục đã không ngừng tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma tuý; giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý và lối sống lành mạnh cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên tham gia tệ nạn ma tuý.

Bên cạnh đó, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác phòng, chống tệ nạn ma túy theo từng năm học, từng giai đoạn. Ban hành các quy định cụ thể của nhà trường về phòng, chống tệ nạn ma túy phù hợp với các quy định của pháp luật. Đưa nội dung quy định về phòng, chống tệ nạn ma túy vào tiêu chí đánh giá thi đua, đánh giá hạnh kiểm, rèn luyện của ban hành.

Tổ chức khám sức khoẻ khi nhập học, khám sức khỏe định kỳ cho học sinh; kiểm tra, xét nghiệm sử dụng ma túy ngẫu nhiên và xét nghiệm đột xuất khi cần thiết đối với các trường hợp học sinh có biểu hiện nghi vấn sử dụng trái phép chất ma túy. Tổ chức cho học sinh ký cam kết không liên quan đến tệ nạn ma túy, có xác nhận phối hợp quản lý của gia đình người học theo từng năm học.

Đồng thời, lập hồ sơ theo dõi các trường hợp có liên quan đến tệ nạn ma túy; phân công các tổ chức, cá nhân theo dõi, giúp đỡ học sinh có biểu hiện nghi vấn liên quan đến tệ nạn ma túy để có hình thức phối hợp xử lý kịp thời. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, tạo điều kiện để HS và cán bộ, giáo viên tham gia thường xuyên các hoạt động văn hoá, thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần, tránh xa tệ nạn ma túy.

Định kỳ tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết các hoạt động tuyên truyền, phòng chống ma túy. Có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời tập thể, cá nhân có thành tích và xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác phòng, chống tệ nạn ma túy. Phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là gia đình HS trong công tác giáo dục, quản lý học sinh, phòng, chống tệ nạn ma tuý.

Ma túy xâm nhập vào học đường, nhiều học sinh mất hết tương lai

Bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy" gồm 4 cuốn do Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) biên soạn

Ngoài ra, phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống ma tuý; đồng thời phối hợp với cơ quan y tế và chính quyền địa phương tổ chức xét nghiệm khi cần thiết để phát hiện học sinh, sinh viên, học viên nghiện ma tuý.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng đề cao công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy, sự phối hợp giữa cha mẹ học sinh và giáo viên trong công tác quản lý, giáo dục học sinh.

Tuy nhiên, để công tác phòng, chống ma túy trong trường học đạt hiệu quả cao, ngoài sự nỗ lực của các ngành chức năng, các nhà trường rất cần sự chung sức từ các gia đình trong việc quản lý, chăm lo giáo dục tốt con em mình, cần quan tâm đến tâm sinh lý, các mối quan hệ bạn bè của con trong và ngoài nhà trường, nhất là chú ý giám sát việc sử dụng mạng xã hội; sẵn sàng tâm sự, chia sẻ, giúp các em nâng cao ý thức phòng ngừa, tránh xa ma túy, góp phần tạo môi trường học tập an toàn, lành mạnh cho các em. 

Để khắc phục tình trạng này, vấn đề cấp thiết là phải xây dựng được bộ tài liệu cung cấp những kiến thức chuẩn xác và đầy đủ về ma túy, đồng thời hướng dẫn những kỹ năng giúp các em tự bảo vệ mình trước hiểm họa ma túy.

Sau nhiều năm tích cực tiến hành khảo sát, nghiên cứu cùng với sự tâm huyết của tập thể gồm 27 nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực, mới đây Viện Nghiên cứu Ứng dụng Phòng chống ma túy (PSD) đã hoàn thành bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cha mẹ, học sinh cấp THCS, THPT và được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định.

Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” gồm 4 cuốn: Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học cơ sở; Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học phổ thông, Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh; Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. 

Bộ tài liệu trang bị cho người đọc kiến thức cơ bản và nâng cao về ma túy, cách thức nhận biết các chất ma túy, dấu hiệu nhận biết người sử dụng ma túy đồng thời trang bị kỹ năng ứng phó với những tình huống nguy cơ liên quan đến hành vi sử dụng ma túy cho học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

 

N.H
Theo Giáo dục & Thời đại