Thứ bảy, 18/01/2025 | 06:42
RSS

Phát hoảng với những con số về vụ án ma túy học đường

Thứ hai, 28/06/2021, 11:59 (GMT+7)

Những năm gần đây, số lượng người nghiện ma túy tại nhiều tỉnh, thành đang có xu hướng tăng cao. Ma túy đang từng bước len lỏi vào giới trẻ đặc biệt là nhóm đối tượng đang trên ghế nhà trường.

Những vụ việc gần đây như: Bốn học sinh THPT ở Hải Dương tẩm ma túy vào thuốc lào rồi dùng điếu cày để hút; "nữ quái" trộn cần sa vào trà sữa đóng chai bán cho học sinh, sinh viên tại Lâm Đồng... khiến dư luận lo lắng về tình trạng ma túy xâm nhập học đường.

Theo đánh giá của Bộ Công an, tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn diễn biến rất phức tạp, trong đó tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng có xu hướng gia tăng và trẻ hóa, chủ yếu tập trung vào đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Thống kê gần đây cho thấy, trong số hơn 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của cả nước, dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%, nếu tính đến độ tuổi 35 thì tỷ lệ này thậm chí lên đến 76%.

Trong số những người sử dụng trái phép chất ma túy, có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 tuổi đến 25 tuổi. Đặc biệt ngày nay với sự xuất hiện ngày càng phổ biến, đa dạng về chủng loại, giá thành ngày càng rẻ, dễ cất giấu, sử dụng, tính độc hại cao của ma túy tổng hợp, nhiều em 13-14 tuổi đã sử dụng ma túy.

Trong khi đó, các loại ma túy tổng hợp ngày càng đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ, dễ cất giấu, dễ sử dụng, vì thế chúng len lỏi vào học đường dưới những cái tên mỹ miều, gây tò mò. Đồng thời, các loại hình vui chơi, giải trí như quán bar, karaoke, vũ trường… phát triển nhanh chóng nên số lượng người sử dụng ma túy là thanh thiếu niên ngày càng tăng.

Phát hoảng với những con số về vụ án ma túy học đường

Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” do Viện PSD nghiên cứu và biên soạn

Theo báo cáo của Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ gửi HĐND TP Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2020, tội phạm về ma túy bị phát hiện tăng 12,2% số đối tượng và tăng 39,2% số ma túy thu giữ so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu liên quan đến ma túy tổng hợp (chiếm 99,7%). Thành phần phạm tội trẻ hóa (từ 18-30 tuổi chiếm 77%).

Tại TPHCM, , trong giai đoạn 2017 - 2019, số người nghiện ma túy tại TP.HCM có hồ sơ quản lý tăng 5,7%/năm. Riêng số người nghiện chưa có hồ sơ quản lý ước tăng đến 70%. Ông Trần Ngọc Du, chi cục trưởng Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội Sở Lao động - thương binh và xã hội TP.HCM, cho biết trên tờ Tuổi Trẻ, trong số người nghiện ma túy thì độ tuổi từ 18-35 tuổi chiếm 60%.

Ở Tiền Giang,, phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Tiền Giang, thông tin, hiện nay tại Tiền Giang người nghiện ma túy ngày càng tăng và có xu hướng trẻ hóa. Một số người cai nghiện về được thời gian rồi cũng quay lại tái nghiện. Và một khi đã chơi mà không có tiền mua ma túy thì dẫn đến việc đi trộm cắp, cướp giật để có tiền mua ma túy sử dụng.

Thống kê ở khu vực miền Bắc, tại Lào Cai, ma túy đang từng bước len lỏi vào giới trẻ tại Lào Cai và có xu hướng gia tăng. Tỉnh Lào Cai hiện có 16 cơ sở điều trị và cấp phát thuốc Methadone.  Trong đó, tỉ lệ người nghiện trong độ tuổi thanh thiếu niên chiếm đến 65%.

Cuối tháng 8/2020, công an thành phố Ninh Bình phát hiện, bắt giữ hai học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo khi 2 học sinh này đang bán trái phép hai túi ma túy (dạng cần sa) trước cổng Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (thành phố Ninh Bình). Thi hành lệnh khám xét nơi ở của một trong hai học sinh trên, Công an thành phố Ninh Bình tiếp tục thu giữ 6 gói cần sa; tổng trọng lượng ma túy thu được là 30,61g. 

Theo đánh giá của cơ quan công an, tội phạm ma túy hiện nay trên địa bàn tỉnh Ninh Bình diễn biến phức tạp, số đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn ngày càng trẻ hóa (trên 50% là thanh, thiếu niên); nổi lên tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy tại nhà hàng, vũ trường, quán bar, karaoke, nhà nghỉ, khách sạn. Đáng lo ngại, ma túy đã và đang len lỏi vào môi trường học đường. Một số học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo trở thành nạn nhân hoặc tham gia tàng trữ, mua bán ma túy.

Phát hoảng với những con số về vụ án ma túy học đường

Bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy"  đã được bảo vệ thành công trước hội đồng thẩm định của Bộ giáo dục và Đào tạo

Trên đây là một số số liệu thống kê về tình hình tội phạm học đường liên quan đến ma túy. Từ đó cho thấy, hiện nay tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng, nghiện ma túy gia tăng vì tội phạm ma túy đủ độ tinh ranh để biết học sinh, sinh viên đang ở độ tuổi hình thành nhân cách, dễ bị kích động, lôi kéo, rủ rê nên tìm đủ cách đưa ma túy vào học đường thông qua những điểm, tụ điểm xung quanh nhà trường và từ chính học sinh, sinh viên.

Để ngăn chặn ma túy học đường, đầu tiên phải nhận thức và nhận diện đúng, đầy đủ về ma túy. Lực lượng công an đang tăng cường triệt xóa các đường dây, tụ điểm buôn bán, tổ chức, sử dụng ma túy, không để ma túy sản xuất trong nước, đồng thời quan tâm quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng ma túy, cũng như chỉ đạo toàn lực lượng vào cuộc cùng cấp ủy, chính quyền, địa phương, nhà trường ngăn chặn ma túy học đường.

Nhìn từ những số liệu trên có thể thấy, vấn đề đáng lo ngại đó là rất nhiều các em học sinh, phụ huynh, giáo viên đều có “lỗ lổng” trong mặt nhận thức về ma túy. Nếu kéo dài, những “lỗ hổng” này sẽ ngày càng lan rộng và tạo nên một cái hố sâu không thể nào san lấp. Do đó, vấn đề cấp thiết được đặt ra lúc này đó là phải cung cấp, bổ sung cho cộng đồng những kiến thức, kỹ năng chính xác và đầy đủ về ma túy. Một bộ tài liệu chính thống về phòng, chống ma túy có lẽ sẽ là giải pháp căn cơ và hữu ích nhất lúc này.

Chính vì thế, Viện PSD đã tiến hành nghiên cứu, phát triển và biên soạn bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy”. Sau 5 năm “thai nghén”, bộ sách đã chính thức ra đời, đáp ứng được mong mỏi bấy lâu nay của cả cộng đồng và sẵn sàng đồng hành cùng các bạn học sinh, các giáo viên, phụ huynh tham gia vào cuộc chiến chống ma túy học đường nói riêng và ma túy nói chung.

Về cơ bản, bộ tài liệu đã được hoàn thiện và bảo vệ thành công trước hội đồng thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo với sự tham gia của nhiều nhà khoa học và quản lý giáo dục. Với cấp độ tăng dần về kiến thức, thông tin, bộ tài liệu được đánh giá như một bộ công cụ, giải pháp hữu hiệu, căn cơ nhất để nâng cao nhận thức và trang bị các kỹ năng giúp bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm hoạ ma túy.

Ngay sau khi được giới thiệu tại hội nghị triển khai các nhiệm vụ phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học và hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2021 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 22/6, bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” đã thu hút đông đảo sự quan tâm của cộng đồng.

N.H
Theo Giáo dục & Thời đại