Thống kê sơ bộ cho thấy, mỗi năm, nước ta có thêm mười nghìn người nghiện ma túy và đáng lo ngại là tiếp tục có xu hướng trẻ hóa. Thậm chí, có những trường hợp nghiện ma túy là học sinh THCS.
Tính đến hết tháng 4/2020, cả nước có 97 cơ sở cai nghiện ma túy công lập và 16 cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện do tổ chức, cá nhân thành lập và được cấp giấy phép hoạt động; tổng số học viên đang được cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện công lập là 34.982 người. Bên cạnh đó, cả nước có 13 tỉnh, thành phố duy trì việc cai nghiện tại gia đình và cộng đồng; đã cai nghiện cho 1.711 người; 17 tỉnh, thành phố tổ chức điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế cho 3.162 người…
Về công tác điều trị, trong bốn tháng đầu năm 2020, đã có khoảng hơn 1.700 người được cai nghiện thành công. Tuy nhiên, công tác điều trị cai nghiện hiện đang gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.
Đơn cử như theo các quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, cơ quan chức năng phải chứng minh được hành vi nghiện, nhưng thực tế lại rất khó xác định cụ thể tình trạng nghiện.
Về thẩm quyền ra quyết định đối với người nghiện từ 12-18 tuổi, vẫn còn “độ vênh” nhất định giữa Luật Phòng, chống ma túy với Luật Xử lý vi phạm hành chính, khiến nhiều địa phương lúng túng, chưa đưa ra được phương án dứt điểm.
Trong khi đó, công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng được giao cho UBND cấp xã triển khai, tuy nhiên nhiều địa phương vẫn chưa có đủ lực lượng cán bộ y tế, bác sĩ cần thiết. Người nghiện ma túy tổng hợp không có nơi cư trú ổn định thì rất khó đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Đến nay Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” về cơ bản đã hoàn thiện
Hiện, Chính Phủ đã áp dụng nhiều biện pháp giảm tỷ lệ nghiện ma túy trên cả nước. Tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Các Cơ sở cai nghiện bắt buộc được xây dựng đã nhiều năm nhưng chưa được nâng cấp, sửa chữa, cải tạo để phù hợp với yêu cầu trong tình hình mới.
Bên cạnh đó công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng hiệu quả chưa cao, do người nghiện và gia đình họ không tự giác khai báo và đăng ký cai nghiện, không hợp tác với chính quyền; nhiều địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí cho công tác cai nghiện tại cộng đồng; cán bộ Tổ công tác cai nghiện tại xã, phường, thị trấn chủ yếu là kiêm nhiệm, không có chuyên môn, chưa được tập huấn, đào tạo bài bản.
Trong khi đó, việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào các trung tâm cai nghiện khó khăn; xã hội chưa đủ các điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí cho cai nghiện tại cộng đồng. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền và giáo dục phòng chống ma túy cần phải được đẩy mạnh và được xem là ưu tiên hàng đầu của mỗi quốc gia.
Trong tình hình hiện tại, thắt chặt việc quản lý để giảm thiểu tối đa những tác hại mà ma túy gây ra, đặc biệt là thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của đất nước. Chúng ta quyết ngăn chặn, bài trừ tận gốc tệ nạn ma tuý ra khỏi cuộc sống đem lại sự bình yên cho mọi nhà và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Vì tương lai của bản thân và gia đình, vì thế hệ mai sau, vì sự tồn vong của dân tộc, vì một xã hội tươi đẹp hơn “Hãy nói không với ma túy”.
Đây là bộ tài liệu chính thống đầu tiên về phòng, chống ma túy cho cộng đồng
Hưởng ứng chỉ đạo, chỉ thị và chủ trương của Đảng và Chính phủ, trong nhiều năm qua, Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD đã nghiên cứu tình hình sử dụng ma túy trong giới trẻ, học sinh sinh viên, giáo viên và phụ huynh. Từ đó nhận thấy tình hình cấp thiết cần có một bộ tài liệu chính thống giảng dạy về các kỹ năng phòng, chống ma túy.
Trên cơ sở đó, Viện PSD đã đề xuất UBQG, Bộ giáo dục & Đào tạo giao cho Viện biên soạn bộ tài liệu này. Bên cạnh đó, Viện PSD cũng tập hợp 27 nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực: an ninh, y tế, sinh lý, tâm lý, xã hội, giáo dục… cùng tham gia biên soạn bộ tài liệu phòng, chống ma túy.
Đến thời điểm hiện tại, sau khi trải qua hàng chục cuộc hội thảo lớn nhỏ, vượt qua bao thử thách và khó khăn, đến nay Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” đã được xuất bản dành cho 4 đối tượng: học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về cơ bản đã hoàn thiện.
Có thể nói, đây là bộ tài liệu chính thống đầu tiên về phòng, chống ma túy cho cộng đồng. Bộ tài liệu gồm 4 cuốn: Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học cơ sở; Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học phổ thông, Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh; Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Mỗi một cuốn tài liệu đều trang bị cho người đọc kiến thức cơ bản và nâng cao về ma túy, cách thức nhận biết các chất ma túy, dấu hiệu nhận biết người sử dụng ma túy đồng thời trang bị kỹ năng ứng phó với những tình huống nguy cơ liên quan đến hành vi sử dụng ma túy cho học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.