Thứ hai, 29/04/2024 | 10:36
RSS

Ma túy và những cạm bẫy vô hình

Thứ sáu, 02/07/2021, 10:02 (GMT+7)

Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) đã biên soạn Bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy" với mục đích trang bị những kiến thức và kỹ năng về ma túy giúp các em học sinh tự bảo vệ bản thân trước những tình huống nguy hiểm.

Hiện nay vì lợi nhuận mà tội phạm ma túy bất chấp quy định của pháp luật chúng điều chế ra những loại ma túy với công thức pha trộn tinh vi, thủ đoạn khó lường trước. Trong đó, một số loại ma túy với hình thức đa dạng, bắt mắt núp bóng trong đồ ăn, thức uống, đồ chơi… yêu thích của các em học sinh có thể đã hoặc chưa được xếp vào danh mục các chất ma túy trong quy định của Chính phủ nhưng tác động đối với người sử dụng lại vô cùng lớn.

Ví dụ như: “Tem giấy” (tem thư, bùa lưỡi, kẹo dán…) – loại ma túy dạng miếng dán, có kích thước 1cmx1cm với một mặt in hình các nhân vật ngộ nghĩnh, mặt còn lại được gắn với một lớp nilon được tẩm chất lỏng không mùi, không màu hoặc kết tinh dạng bột có khả năng tan trong nước. Trong “tem giấy” có chứa chất Lysergic acid diethylamide có khả năng gây ảo giác mạnh cho người sử dụng. Khi chưa hiểu hết được sự nguy hiểm của “tem giấy” các em học sinh chỉ nghĩ đơn giản đó là một loại đồ chơi, nhưng khi sử dụng chúng các em học sinh hoàn toàn có thể bị lệ thuộc, liên tục gặp ảo giác, thậm chí là hoang tưởng và nghiện loại ma túy này.

Nếu không có những kiến thức cơ bản để nhận biết thông qua hình dạng, bao bì, biểu hiện khi sử dụng lần đầu tiên… thì các em học sinh rất dễ trở thành người sử dụng, người nghiện ma túy hoặc có các hành vi liên quan đến ma túy như tàng trữ, vận chuyển, buôn bán ma túy. Điều này gây tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cuộc sống hiện tại và tương lai của chính các em.

Ma túy được ngụy trang bằng lớp vỏ bọc vô hình len lỏi, xâm nhập học đường; tạo nên những cạm bẫy khiến các em học sinh dễ sa chân nếu thiếu kiến thức và kỹ năng cơ bản về nó. Trên thực tế, không ít các em học sinh đã trở thành những người nghiện vì lý do này.

Cách đây 3 năm, lời tâm sự của một em học sinh ở Nam Định viết vào ngày 28/3/2018 khiến nhiều phụ huynh và giáo viên ngỡ ngàng. Trong thư, em học sinh này cho biết, vì thua mấy ván game nên em phải đưa bạn chơi cùng đi uống nước. Tuy nhiên, lần này bạn của em học sinh này dẫn em đến một quán lạ và cho dùng thử một loại thuốc gì giống như thuốc lá cuốn, bảo rằng “Cái này hút không giống thuốc lá đâu”. Ngay sau khi hút điếu thuốc bạn đưa cho, em học sinh này bị say, đau đầu, nôn ọe, nằm trong trạng thái lơ mơ.

Tiếp đến, một người khác lại đưa cho em “điếu thuốc cuốn” nữa và bảo em hút đi là sẽ hết say. Em học sinh này làm theo, nửa đêm em lén lút về nhà không để bố mẹ biết rồi chìm vào giấc ngủ. Khi tỉnh giấc, em vẫn còn lơ mơ. Ngay khi nhớ ra rằng bạn đã cho mình dùng “cỏ” (có lần em đã nghe bạn gọi như thế), em học sinh này rơi vào trạng thái hoang mang, lo lắng tột cùng.

Trong đầu em liên tục hiện lên những câu hỏi “Thế là mình đã dùng ma túy rồi ư? Mình sẽ trở thành thằng nghiện? Làm thế nào tránh được chuyện này? Làm thế nào tránh xa những đứa ấy?” và phân vân không biết có nên nói “bí mật” này với bố mẹ, bạn vè hay thầy cô hay không vì sợ nói ra mọi người sẽ ghét bỏ và xa lánh em.

Ma túy và những cạm bẫy vô hình

Bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy" trang bị cho các người đọc các kiến thức cơ bản và nâng cao về ma túy

Mỗi câu chữ của em học sinh ấy đều là những cảm giác lo sợ, hoang mang… Mọi thứ như bủa vây lấy em, em chẳng biết rằng mình thứ mình hút trong lúc đi với bạn liệu có phải là ma túy, em chẳng biết sau lần ấy mình đã thành người nghiện hay chưa, em cũng không biết làm thế nào để tránh xa đám bạn đã dẫn dắt mình vào con đường tội lỗi và cũng không nghĩ ra phải giải quyết chuyện này như thế nào.

Thiết nghĩ nếu “bí mật” này cứ mãi được cất giấu và không ai phát hiện ra thì em học sinh ấy sẽ ra sao? Có thể sau đó sẽ là những tháng ngày tăm tối, trượt dài trong cảm giác tội lỗi và ăn năn vì đã lỡ sa vào cạm bẫy ma túy, cũng có thể sẽ khác nếu bản thân em đủ khả năng vượt qua được chính mình và nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ từ những người xung quanh.

Em học sinh này chỉ là một trong số ít những trường hợp thanh thiếu niên bị dụ dỗ, lôi kéo sử dụng ma túy khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Tình huống mà em học sinh này gặp phải cũng rất phổ biến, tưởng như đơn giản nhưng nếu thiếu những kiến thức, kỹ năng cơ bản thì khó có thể “từ chối” và xử lý được nó, dẫn đến trở thành người nghiện lúc nào không hay.

Xuất phát từ thực trạng đáng lo ngại này, vấn đề cấp thiết được đặt ra là phải nâng cao nhận thức về ma túy cho các em học sinh, tạo cho các em “sức đề kháng” để chống lại những yếu tố nguy hiểm xung quanh. Luôn trăn trở về vấn đề này, Viện PSD đã nghiên cứu và phát triển Bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy", những kiến thức và kỹ năng mà mỗi cuốn tài liệu giúp các em nhìn thấu những cạm bẫy ấy, tự bảo vệ bản thân trước những tình huống nguy hiểm.

Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” do Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) biên soạn gồm 4 cuốn: Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học cơ sở; Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học phổ thông, Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh; Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục

Mang trong mình sứ mệnh đặc biệt “Bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy”, bộ tài liệu trang bị cho người đọc kiến thức cơ bản và nâng cao về ma túy, cách thức nhận biết các chất ma túy, dấu hiệu nhận biết người sử dụng ma túy đồng thời trang bị kỹ năng ứng phó với những tình huống nguy cơ liên quan đến hành vi sử dụng ma túy cho học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

 

N.H
Theo Giáo dục & Thời đại