Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:57
RSS

Tìm kiếm sự trợ giúp - Hành động học sinh thông minh nên làm để thoát khỏi vòng vây của ma túy

Thứ sáu, 16/07/2021, 15:01 (GMT+7)

Sống trong khổ sở, bị những cơn nghiện hành hạ mỗi ngày nên nhiều lần, Hoàng đã nghĩ đến việc thú nhận mọi việc với gia đình và thầy cô để được giúp đỡ nhưng em không đủ can đảm, sợ rằng nói ra sẽ bị mọi người xa lánh, kỳ thị và xem thường.

Ngây thơ tin vào lời mật ngọt của những đứa bạn cùng nhóm, “hút cái này đi, mày sẽ thấy thoải mái hơn nhiều”, “yên tâm cái này nhẹ lắm, tao dùng suốt mà” hay “ tao thấy mày mệt mỏi quá, hút cái này xem sao”… trong một buổi tiệc sinh nhật, Hoàng (học sinh THPT) đã  dùng thử ma túy. Hoàng nghĩ rằng, chỉ dùng một lần có lẽ sẽ chẳng sao, nhưng Hoàng đã nhầm...

“Sau lần đó, em cảm thấy thèm, cộng thêm với việc mệt mỏi, áp lực trong quá trình ôn thi cuối kỳ em đã nhờ những đứa bạn đó mua ma túy cho. Dần dần, em lệ thuộc vào nó, mỗi lần có chuyện gì không vui em lại tìm đến nó để giải tỏa tâm trạng, tiền bố mẹ cho tiêu vặt, đóng học em đều sử dụng hết để mua ma túy”, Hoàng kể.

Do không có tiền dùng thường xuyên, gương mặt Hoàng ngày càng hốc hác, như người mất hồn, bố mẹ cứ nghĩ do việc học hành áp lực nên Hoàng mới sút cân và tiều tụy như vậy chứ không hề biết con mình đã nghiện ma túy. Sống trong khổ sở, bị những con nghiện hành hạ mỗi ngày nên nhiều lần, Hoàng đã nghĩ đến việc thú nhận mọi việc với gia đình và thầy cô nhưng em không đủ can đảm, sợ rằng nói ra sẽ bị mọi người xa lánh, kỳ thị và xem thường.

Để có tiền mua ma túy sử dụng, Hoàng bán hết những đồ đạc có giá trị của bản thân rồi sau đó là đi ăn trộm ăn cắp của hàng xóm, của bạn bè… Hoàng bị bắt quả tang trong một lần đang trộm đồ tại nhà bác ruột, khi đó cả gia đình và trường mới biết là Hoàng nghiện ma túy, sự thất vọng và lo lắng cho tương lai của Hoàng hiện rõ trên gương mặt cha mẹ em…

Thiết nghĩ, nếu khi mới “dính” vào ma túy Hoàng có đủ can đảm để thú nhận và nhờ sự trợ giúp từ phía người thân, bạn bè và thầy cô thì có lẽ Hoàng đã không đi đến bước đường này. Từ việc sử dụng ma túy trở thành tội phạm ma túy, không chỉ hủy hoại tương lai của chính mình mà còn gây lo sợ  và thiệt hại kinh tế cho chính gia đình và những người xung quanh.

Đây cũng chính là vấn đề mà nhiều bạn trẻ, trong đó có các em học sinh trung học phổ thông đang gặp phải khi gặp phải tình huống nguy cơ liên quan đến việc sử  dụng ma túy hoặc đã lỡ sử dụng/nghiện ma túy. Từ lo sợ đến không dám nhờ sự trợ giúp của người khác vô tình đẩy các em vào thế mất an toàn, chẳng thể tự bảo vệ bản thân trước tệ nạn ma túy.

Tìm kiếm sự trợ giúp, hành động học sinh thông minh nên làm để thoát khỏi vòng vây của ma túy

Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy”

Tìm kiếm sự trợ giúp khi gặp những tình huống nguy hiểm liên quan đến ma túy liệu có khó đến vậy? Nhiều em học sinh cho rằng việc nhờ người khác giúp đỡ là thể hiện sự yếu đuối, nhiều em cũng cảm thấy xấu hổ và “ngại” khi liên lạc với người thân, thầy cô hay bạn bè. Chính tâm lý này đã khiến không ít em rơi vào cạm bẫy ma túy, tự tay “dâng mình” cho kẻ xấu.

Tuy nhiên, theo Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD), khi gặp “những tình huống vượt quá khả năng giải quyết của các em thì việc nhờ người xung quanh giúp đỡ là lựa chọn thông minh, điều này không những đảm bảo an toàn cho các em mà còn giảm thiểu hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra” (trích “Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh Trung học cơ sở”).

Nghĩa là, khi gặp các tình huống nguy cơ liên quan đến ma túy, các em học sinh cần thông báo ngay cho người thân, người lớn mà em tin tưởng khi gặp phải những tình huống nguy hiểm. Ngoài việc liên lạc thông báo cho người thân, người lớn mà mình tin tưởng, các em học sinh cũng có thể gọi đến số 113 – đường dây nóng của cảnh sát, 115 – đường dây nóng của bệnh viện, 111 – đường dây nóng của quốc gia về bảo vệ trẻ em để nhờ giúp đỡ.

Có một điều các em nên lưu ý khi nhờ đến sự trợ giúp của người khác đó là, cần phải thật thà và mở lòng, hãy cho họ biết về tình huống thật, những vấn về mà các em đang gặp phải. Bên cạnh đó, tin tưởng và tôn trọng mà người mình đang xin sự trợ giúp, điều này thể hiện qua sự ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ và lời nói.

Tóm lại, khi gặp vấn đề liên quan đến ma túy, nếu muốn an toàn và tránh khỏi những hậu quả nghiêm trọng về sau các em học sinh trung học phổ thông hãy khẩn trương tìm sự trợ giúp từ phía gia đình và những người xung quanh. Đó là hành động của những người thông minh!

Tìm kiếm sự trợ giúp, hành động học sinh thông minh nên làm để thoát khỏi vòng vây của ma túy

Bộ sách đã được đã được Bộ giáo dục và Đào tạo thẩm định

Cuốn sách “Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho học sinh Trung học phổ thông” nằm trong bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” (đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định) do Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) biên soạn. Các em học sinh có thể đọc cuốn sách này dưới sự hướng dẫn của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và các bậc phụ huynh.

Phần thứ nhất đưa ra những kiến thức cơ bản và nâng cao về ma túy, trong đó có định nghĩa, cách nhận diện các loại ma túy, tác hại và hậu quả ma túy gây ra đối với con người nói chung và học sinh trung học cơ sở nói riêng. Bên cạnh đó cung cấp cho các em thông tin và cảnh báo về những thủ đoạn trá hình đưa ma túy vào trong đồ ăn, thực phẩm hằng ngày.

Phần thứ hai tập trung hướng dẫn cho các em cách thức xử lý, ứng phó khi gặp tình huống nguy cơ liên quan đến việc vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy, khi bị người xấu dụ dỗ, lôi kéo sử dụng ma túy… Ngoài ra, ở cuối phần thứ 2 của cuốn sách, tác giả cũng cập nhật thêm một số quy định của pháp luật về ma túy và các vấn đề liên quan đến học sinh trung học cơ sở, nội dung này sẽ hỗ trợ các em trong quá trình phòng, chống ma túy.

 

N.H
Theo Giáo dục & Thời đại