Thứ bảy, 18/01/2025 | 14:54
RSS

Khi giáo viên không còn “đơn độc” với sứ mệnh phòng, chống ma túy

Thứ ba, 13/07/2021, 09:07 (GMT+7)

Phòng ngừa, ngăn chặn ma túy học đường và để giúp học sinh tránh xa tệ nạn này vai trò của người giáo viên vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, từ trước đến nay giáo viên vẫn “gặp khó” khi chưa có một bộ tài liệu chính thống về kiến thức và kỹ năng phòng chống ma túy.

Tệ nạn ma túy nói chung, ma túy học đường nói riêng những năm qua đã ở mức báo động. Mới đây, nhân tháng hành động phòng, chống ma tuý diễn ra từ 1/6 đến 30/6, trao đổi với báo chí về vấn nạn ma túy học đường, Đại tá Chu Văn Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho biết:

“Theo thống kê, độ tuổi sử dụng ma tuý ngày càng trẻ hoá, nó đang len lỏi vào môi trường học đường. Nhiều học sinh, sinh viên bị dụ dỗ, lôi kéo và trở thành nạn nhân. Những năm gần đây, tình trạng mua bán và sử dụng trái phép chất ma tuý đang diễn biến rất phức tạp, có xu hướng gia tăng, tập trung ở đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 235 nghìn người nghiện ma tuý có hồ sơ trên cả nước, người nghiện dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%; khoảng 60% người sử dụng ma tuý lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 đến 25 tuổi.

Đặc biệt, ngày nay, nhiều học sinh 13, 14 tuổi đã sử dụng ma tuý. Các loại ma tuý tổng hợp ngày nay rất phổ biến, đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ, dễ cất giấu, sử dụng nhanh, thanh thiếu niên dễ dàng tiếp cận. Chúng len lỏi vào học đường với những cái tên mĩ miều gây tò mò đối với học sinh, sinh viên…”.

Nói về vai trò rất quan trọng trong của nhà trường và các cơ sở giáo dục trong việc phòng ngừa tệ nạn ma tuý đối với học sinh, sinh viên, Đại tá Chu Văn Phú chia sẻ: “Nhà trường và các cơ sở giáo dục cần tổ chức thực hiện các chương trình giáo dục về phòng, chống ma tuý với các hình thức đa dạng như tọa đàm, nói chuyện, các sinh hoạt chính khoá, ngoại khoá, lồng ghép việc giáo dục pháp luật về phòng, chống ma tuý đối với học sinh, sinh viên.

Trong đó, đặc biệt chú trọng đến phòng bị một số kĩ năng cơ bản để học sinh, sinh viên bảo vệ được bản thân trước nguy cơ xâm nhập ma tuý vào học đường, những phương thức lôi kéo học sinh, sinh viên sử dụng ma tuý của tội phạm ma tuý và hướng dẫn cách phòng tránh. Phối hợp với cơ quan y tế và chính quyền địa phương tổ chức xét nghiệm khi cần thiết, phát hiện đối tượng học sinh, sinh viên nghiện ma tuý để có hướng xử lý kịp thời…”.

Khi giáo viên không còn đơn độc với sứ mệnh phòng, chống ma túy

Bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy"

Rõ ràng việc trang bị những kỹ năng cơ bản như chia sẻ của Đại tá Phú là vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tình trạng học sinh “học chay”, giáo viên “dạy chay” trong các buổi truyền thông về công tác phòng, chống ma túy vẫn hiện hữu. Nguyên nhân là từ trước đến nay, chưa có bất kỳ một bộ tài liệu chính thống nào về kỹ năng phòng chống ma túy dành cho học sinh và đặc biệt là giáo viên – những người truyền thụ kiến thức.

Việc học sinh “hổng” kiến thức về ma túy và kỹ năng phòng, chống tệ nạn ma túy có thể lý giải từ nhiều nguyên nhân nhưng chính những giáo viên… cũng chưa hiểu biết đầy đủ về điều đó khiến nhiều người bất ngờ. 

Một con số được Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD đưa ra khiến nhiều người ngạc nhiên.Theo đó, khi tiến hành tìm hiểu và đánh giá nhận thức của phụ huynh học sinh và giáo viên về kiến thức cũng như kỹ năng hỗ trợ xử lý tình huống khi nghi ngờ và phát hiện con em mình sử dụng chất gây nghiện đã cho kết quả: 32,5% phụ huynh học sinh và giáo viên không biết về các loại ma túy và tác hại của các loại ma túy; 29,5% có hiểu biết một chút; 25% biết khá rõ và 13% biết rõ về ma túy.

Tuy nhiên, phần lớn kiến thức mà phụ huynh và giáo viên hiểu về ma túy mới chỉ dừng lại ở việc ma túy là chất gây nghiện, có tác động tiêu cực đến người sử dụng. Để hiểu và nhận diện đó là loại ma túy nào và tác hại ra sao, gây hậu quả thế nào với người sử dụng thì hầu như chưa nắm vững.

Mới đây, Viện PSD đã nghiên cứu và phát triển Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” với mong muốn góp phần chung tay cùng cộng đồng Bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy. Viện PSD hướng đến 02 mục đích chính.

Thứ nhất, trang bị kiến thức cơ bản và nâng cao về ma túy, cách thức nhận biết các chất ma túy, dấu hiệu nhận biết người sử dụng ma túy đồng thời trang bị kỹ năng ứng phó với những tình huống nguy cơ liên quan đến hành vi sử dụng ma túy cho học sinh, cha mẹ học sinh và giáo viên, cán bộ quản lý.

Thứ hai, hướng tới mục tiêu dự phòng sử dụng ma túy, dự phòng nghiện ma túy cho thế hệ trẻ là học sinh cấp 2, học sinh cấp 3 đang ngồi trên ghế nhà trường, cũng như hỗ trợ phụ huynh, thầy cô trở thành những người đồng hành cùng các con trong cuộc chiến chống lại sự cám dỗ của ma túy.

Ngoài ra, bộ tài liệu còn có thể trở thành nguồn tài liệu tham khảo, nghiên cứu cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực phòng chống ma túy nói riêng, những nhà công tác xã hội, xã hội học, tâm lý học, giáo dục học… để hỗ trợ chuyên nghiệp cho các khách hàng là học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh và những đối tượng khác với những vấn đề liên quan đến ma túy và hành vi sử dụng ma túy.

Khi giáo viên không còn đơn độc với sứ mệnh phòng, chống ma túy

Cuốn "Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục" nằm trong Bộ tài liệu

Riêng cuốn “Kỹ năng phòng, chống ma túy” dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, ở phần thứ nhất của cuốn tài liệu, người đọc sẽ thấy được những kiên thức cơ bản để nhận biết được các loại ma túy nguy hiểm đang phổ biến hiện nay tại Việt Nam và tác hại, hậu quả của nghiện ma túy đối với con người.

Bên cạnh đó, nội dung phần này cũng đưa ra hoàn cảnh về sự tàn phá của ma túy đối với con người và đặc biệt là với học sinh trung học; từ đó giúp các nhà giáo dục có những hiểu biết chính xác về ma túy và nghiện ma túy nhằm định hướng giáo dục kỹ năng phòng, chống ma túy một cách khoa học và nhân văn.

Có thể nói với cuốn “Kỹ năng phòng, chống ma túy” dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, những người làm công tác giảng dạy kiến thức và kỹ năng sẽ không còn cảm thấy “đơn độc” khi đã được trang bị đầy đủ những gì cần thiết nhất. Những kỹ năng cơ bản sẽ được truyền thụ đến học sinh, sinh viên, giáo dục phòng ngừa ma tuý, ngăn chặn ma túy học đường, góp phần xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh và thân thiện chắc chắn sẽ hiệu quả.

N.H
Theo Giáo dục & Thời đại