Thứ sáu, 26/04/2024 | 17:08
RSS

Biểu hiện của người mới nghiện ma túy và cần ngăn chặn ngay trước khi quá muộn

Thứ sáu, 09/07/2021, 13:44 (GMT+7)

Dù có là mơ bố mẹ Nguyễn Thành An cũng không nghĩ đứa con ngoan, là học sinh giỏi toán cấp tỉnh lại có thể nghiện ma túy. Chỉ đến khi con bỏ học, rồi mang cả xe máy bán bố mẹ An mới tả hỏa. Họ càng sốc hơn khi biết An nghiện ma túy.

Vết trượt dài của một học sinh giỏi

Nguyễn Thành An (tên đã được thay đổi) là một trong những đứa trẻ may mắn nhất so với chúng bạn khi được sinh ra trong gia đình khá giả, bố mẹ là những người thành đạt. Dù “sinh ra đã ở vạch đích” nhưng An là đứa trẻ cầu tiến. Cậu bé chăm ngoan học giỏi và luôn là niềm tự hào của gia đình.

Thế nhưng, biến cố gia đình đã nhanh chóng biến An thành một người khác. An kể, gia đình em có điều kiện về kinh tế nhưng điều đó đồng nghĩa với việc bố mẹ Hiếu mải mê làm ăn. Bất kể nhu cầu nào về vật chất của con, bố mẹ đều đáp ứng nhưng thời gian để quan tâm đến đời sống tinh thần của con thì họ lại không có.

Và cú sốc tinh thần lớn nhất với An là khi em phát hiện ra cuộc hôn nhân của bố mẹ không hạnh phúc. Đã nhiều lần em thấy mẹ khóc một một mình. Bữa cơm dọn ra, mỗi người ăn một đợt. Gia đình đang êm ấm bỗng lạnh lẽo đến nao lòng. Nhìn cảnh đó An thấy buồn và chán nản vô cùng.

An chẳng còn thiết tha gì đến việc học hành và thường xuyên bỏ học để “đánh đu” cùng bạn bè. Cứ thế An trượt dài và nghiện ma túy lúc nào không hay, trong khi bố mẹ vừa mải làm ăn vừa buồn chán với những mâu thuẫn trong cuộc hôn nhân nên chẳng tâm trí nào nghĩ đến con.

Đến lúc biết An nghiện, người bố vốn điềm tĩnh và yêu thương con hết mực đã không giữ nổi “cơn điên”. Ông la hét: “Tao nuôi mày khôn lớn, chu cấp cho mày hết mức để rồi mày trả ơn tao thế này à”. Lúc đó, An chẳng những ân hận mà còn nghĩ đến điều tiêu cực bởi học hành xuống dốc, đi đâu người ta cũng nhìn với ánh mắt khinh bỉ, trong khi bố mẹ thì la mằng.

Cảm giác không còn bạn bè, người thân ghét bỏ, không có lối thoát khiến An nghĩ đến cái chết. Những tưởng cuộc đời của chàng trai trẻ này sẽ mãi trượt dài như vậy. Thế nhưng, sau cơn giận dữ của bố mẹ An đã cảm nhận được sự quan tâm, yêu thương và cả nỗi xót xa.

Nhìn bố mẹ buồn, nhất là lúc mẹ khóc An thấy vô cùng có lỗi. Những thời gian này, An và bố mẹ mới gần nhau hơn, chia sẻ với nhau nhiều điều và An thấy có động lực để làm lại. An vào trung tâm cai nghiện với quyết tâm rất lớn. “Sự chia sẻ và thấu hiểu của những người làm công tác cai nghiện ở đây thật sự đã tiếp thêm cho em động lực. Trước khi vào, em có cảm giác mình như tội phạm nhưng vào đây rồi em có cảm nhận được sự gần gũi, chia sẻ và rất cảm thông.

Thầy cô trong này cũng có những bài giảng rất hay và cuốn hút. Đôi khi chỉ là câu chuyện về động cơ và cái phanh thôi các thầy cô cũng khiến mình ngộ ra được nhiều điều. Chẳng hạn động cơ được coi như nhu cầu, còn cái phanh là khả năng kiềm chế của con người. Cái phanh phải thắng động cơ mới là chiếc xe an toàn. Tức là khả năng kiềm chế phải mạnh hơn nhu cầu để khi cần thiết thì phải biết chế ngự lại” An chia sẻ.

An bảo, do trước kia “cái phanh” trong con người mình không mạnh nên em đã bị cuốn vào những thú vui vô bổ và trượt dài trong những cơn phê ma túy. Nhưng cho đến bây giờ “cái phanh” có thể hoàn toàn điều khiển được động cơ. An đã trở lại trường, bắt đầu làm lại tất cả với sự giúp đỡ của bố mẹ, thầy cô và bạn bè. Rất mừng khi mới đây, An tuyên bố em đã đoạn tuyệt với ma túy.

Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” do Viện PSD - công cụ hữu hiệu trong cuộc chiến ngăn ngừa và đẩy lùi tệ nạn ma túy

Cách nhận biết người nghiện ma túy

Theo cuốn tài liệu về “Kỹ năng phòng, chống ma túy” do Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy mới phát hành, những người sử dụng ma túy có những biểu hiện nhận biết khá rõ ràng. Nếu cha mẹ thật sự để ý, quan tâm đến con sẽ nhận ra và lúc đó sẽ có điều kiện ngăn chặn sớm những hệ lụy xấu.

Sau khi người sử dụng heroin vừa sử dụng ma túy xong, tinh thần thường hưng phấn, vẻ mặt sung mãn, đỏ mặt, mắt đỏ và ướt, trông hoạt bát khác thường. Nếu tuổi còn trẻ, họ thường dễ bị khiêu khích, muốn tìm cảm giác mạnh, gây gổ đánh nhau, tự rạch tay, dung thuốc lá đốt chân tay…

Thông thường, sau khi dùng 5 – 10 phút, biểu hiện phổ biến nhất là mắt đỏ và trông ướt long lanh, sau đó chuyển qua sụp mi mắt, ngồi tại chỗ, mắt lim dim, gãi chân tay, vò đầu, bứt tóc... Những biểu hiện này người nhà khó phát hiện ra vì nó thường xảy ra ở nơi hút, chích.

Sau 10 – 20 phút, mắt đỏ ướt, đồng tử teo, giọng nói khàn khàn, uống nhiều nước lạnh, tâm lý ở trạng thái hưng phấn cao, nói nhiều, cử chỉ và động tác thiếu chính xác. Nếu có tật thì tật thường xuyên xuất hiện ở mức cao như vuốt mũi, nhổ râu, nặn mụn, cắn móng tay, lấy ráy tai…

Người mới sử dụng ma túy thường đắng miệng nên có hành vi đánh răng, cạo lưỡi khác thường trong nhà vệ sinh. Ngoài ra còn hay bị nấc, thích ăn vặt, uống nhiều nước ngọt, hút nhiều thuốc lá hơn bình thường.

Người đã nghiện ma túy thay đổi thất thường giời giấc sinh hoạt: thức khuya, đêm ngủ ít, dậy muộn, ngày ngủ nhiều… Hay tụ tập, đi lại đàn đúm vơi người có đời sống sinh hoạt buông thả như không lao động, không học hành… hoặc chơi than với người sử dụng ma túy.

Đi lại có quy luật: Mỗi ngày, cư đến một giờ nhất định nào đó, dù đang bận việc gì cũng tìm cách, kiếm cớ để đi khỏi nhà. Thích ở một mình, ít hoặc ngại tiếp xúc với mọi người (kể cả người thân trong gia đình).

Tâm trạng thường lo lắng, bồn chồn, đôi khi nói nhiều, hay nói dối loanh quoanh, hay có biểu hiện chống đối, cáu gắt hơn so với trước đây. Hay ngáp vặt, người lừ đừ, mệt mỏi, ngại lao động, bỏ vệ sinh cá nhân. Nếu còn đi học thì thường đi học muộn, trốn học, bỏ giờ học (thường vào giờ nhất định): ngồi trong lớp hay ngủ gật, học lực giảm sút nhanh…

Bố, mẹ, người thân trong gia đình, bạn bè, nhất là những người sống cùng nên chú ý phát hiện sớm người sử dụng ma túy để tìm cách giúp đỡ. Vì càng phát hiện sớm, cai sớm, thì càng có khả năng cai được và giảm được nguy cơ nhiễm HIV.

N.H
Theo Giáo dục & Thời đại