Thứ bảy, 18/01/2025 | 16:13
RSS

Vết trượt dài của 2 "đứa trẻ" và ý nghĩa của Bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy"

Thứ năm, 08/07/2021, 09:24 (GMT+7)

Nghiện ma túy rồi bỏ học giữa chừng, từ 2 đứa trẻ vốn ngoan hiền và có phần nhút nhát đã gây ra vụ án mạng rúng động để cướp tài sản nhằm thỏa mãn cơn nghiện. Khi vụ án xảy ra, bố mẹ hung thủ bàng hoàng khi biết con mình là sát nhân.

Đang đi làm phụ hồ tại Bắc Ninh, bà Bùi Thị Phợt giật bắn người khi nhận được điện thoại thông báo thằng Hiền – đứa con trai thứ 2 của bà bị bắt. Bỏ công việc, bà Phợt hớt hải bắt xe về quê ngay. Về đến nhà, bà đổ gục rồi gào khóc trong đau khổ khi biết con là nghi phạm giết người. Đó là câu chuyện đã xảy ra cách đây 3 năm nhưng đến nay hình ảnh người mẹ đau khổ này vẫn còn ám ảnh trong tâm trí tôi.

Căn nhà nghèo khó của gia đình bà Phợt nằm heo hút trên ngọn đồi thuộc vùng sâu, vùng xa ở huyện miền núi Lạc Sơn, Hòa Bình. Nơi đó, thằng An được sinh ra và cũng sống hồn nhiên như cây cỏ. Thế nhưng, cuộc sống càng ngột ngạt bi đát hơn khi người chồng của bà Phợt ốm đau bệnh tật chẳng làm được việc gì.

Không có nghề nghiệp, bà Phợt theo những người làng đi làm phụ hồ kiếm sống. Người anh trai của Hiền cũng đi làm thuê đỡ đần mẹ. Ở nhà một mình Hiền tự lo mọi việc. Người mẹ khốn khổ nói rằng, Thằng Hiền vốn dĩ ngoan, nhưng chơi với bạn xấu rồi nghiện lúc nào không hay.

“Nuôi con đến tầm này rồi mà vẫn không lường trước được việc con hư nhanh đến thế”, bà Phớt nghẹn ngào chia sẻ với PV. Cũng theo bà Phợt, bà cũng thấy con đổi khác nhưng… không ngờ con nghiện ma túy. “Thấy nó hay ngáp ngủ, suốt ngày đi chơi, tóc tai bù xù, tôi hỏi thì cháu cứ lảng tránh”, người mẹ nghèo chia sẻ.

Cũng biết con có những “dấu hiệu bất thường” nhưng vì miếng cơm manh áo, bà Phợt cũng tâm sự với con dăm câu ba điều về lời hay lẽ phải rồi biền biệt tha hương. Thằng Hiền gần như không người quản lý vì người bố ốm đau và sau đó qua đời. Hiền nghiện ma túy rồi bỏ học khi mới lớp 9.

Rồi điều tồi tệ nhất đã ập đến với gia đình bà Phợt. Ngày 6/9/2018, Công an huyện Lạc Sơn nhận được đơn trình báo của người dân về việc người thân của họ làm nghề lái taxi bỗng dưng mất tích cùng chiếc ô tô.

Vết trượt dài của 2 đứa trẻ và ý nghĩa của Bộ tài liệu Kỹ năng phòng, chống ma túy

Sau 5 năm “thai nghén”, Bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy" đã chính thức ra đời

Công an tỉnh Hòa Bình lập tức vào cuộc và không lâu sau đó đã bắt được 2 hung thủ là Bùi Văn Hiền (19 tuổi) và người bạn nghiện của Hiền là Bùi Văn An (21 tuổi) người cùng xã. Tại cơ quan công an, Hiền khai nhận cùng với An đã ra tay sát hại tài xế taxi, rồi vứt xác nạn nhân xuống khe núi để cướp chiếc xe ôtô. Chúng mang về Hà Nội “cầm đồ” lấy tiền thỏa mãn cơn nghiện.

Sau khi thằng Hiền bị bắt, bà Phợt sống vật vờ như chiếc bóng. Bà bảo, chẳng dám bước ra khỏi làng vì sợ ánh mắt dò xét của mọi người. “Tôi giờ sống như chết, như cái xác không hồn. Tôi và con cả sợ nhất ra ngoài mang cái tiếng là mẹ của đứa con nghiện, giết người”, bà Phợt đau đớn kể lại vào thời điểm mới xảy ra vụ án

Cũng như gia đình bà Phợt, anh Bùi Xuân Trường và chị Bùi Thị Nguyệt – mẹ nghi phạm Bùi Văn An cũng rất sốc khi biết con gây tội ác. Theo anh Trường, con trai anh từng là đứa nhút nhát, ngoan ngoãn. Anh đã sốc nặng khi phát hiện đứa “con ngoan” đang sử dụng ma túy. Dù biết con đã sa chân vào con đường nghiện ngập nhưng anh cũng không thể tưởng tượng con lại dám gây ra tội ác tày trời.

Việc An và Hiền từ “ngoan ngoãn” đến nghiện ma túy rồi phạm tội không phải là hy hữu. Ở tuổi mới lớn, những đứa trẻ này đã bị bạn bè xấu lôi kéo, rủ rê sử dụng ma túy. Trong lúc người lớn mải làm ăn và ít có thời gian quan tâm đến con, đứa trẻ “ngoan” ấy đã nhanh chóng thành con nghiện.

Đến một người ít hiểu biết như bà Phợt cũng nhận ra “nó khác lắm” như “hay ngáp ngủ, suốt ngày đi chơi, tóc tai bù xù” nhưng bà đâu hề biết đó là biểu hiện của người nghiện ma túy để khuyên can con. Cứ thế con trượt dài và đến khi gây ra vụ án mạng rúng động thì tất cả mời bàng hoàng.

Việc “hổng” kiến thức về ma túy từ lâu đã là hồi chuông đáng báo động. Các loại ma túy tổng hợp ngày càng đa dạng về chủng loại, tìm mọi cách len lỏi vào học đường. Nếu không được trang bị những kiến thức và kỹ năng phòng chống cần thiết thì vẫn xuất hiện thêm nhiều kẻ như An.

Vết trượt dài của 2 đứa trẻ và ý nghĩa của Bộ tài liệu Kỹ năng phòng, chống ma túy

Bộ tài liệu sẵn sàng đồng hành cùng các bạn học sinh, các giáo viên, phụ huynh tham gia vào cuộc chiến chống ma túy

Trong một khảo sát khác có tên “Nghiên cứu Thực trạng nhận thức của học sinh – sinh viên về ma túy” được Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) thực hiện cách đây chưa lâu, một con số đưa ra khiến nhiều người bất ngờ. Theo đó, có đến 43,9% số học sinh tham gia khảo sát cho rằng bản thân không biết gì về dấu hiệu nhận biết người nghiện ma túy, gần 40% khẳng định rằng mình chưa biết đến những kỹ năng cần thiết để phòng, tránh ma túy.

Qua khảo sát cụ thể hơn, có tới 75,9% học sinh không hiểu biết đúng về khái niệm ma túy. Nhận thức của học sinh về khả năng gây nghiện của các chất ma túy tổng hợp và một số chất khác như shisha, bóng cười cũng được rất ít học sinh nắm bắt đúng, đầy đủ, chỉ có 56,4% cho rằng ma túy là chất có thể gây nghiện, đối với bóng cười, tỉ lệ này là 15,7%; keo chó là 19,7%.

Viện PSD còn tìm hiểu và đánh giá nhận thức của phụ huynh học sinh và giáo viên về kiến thức cũng như kỹ năng hỗ trợ xử lý tình huống khi nghi ngờ và phát hiện con em mình sử dụng chất gây nghiện. Kết quả, 32,5% phụ huynh học sinh và giáo viên không biết về các loại ma túy và tác hại của các loại ma túy; 29,5% có hiểu biết một chút; 25% biết khá rõ và 13% biết rõ về ma túy.

Luôn trăn trở, day dứt về vấn nạn ma túy học đường, muốn chung tay cùng cộng đồng bảo vệ thế hệ trẻ, bảo vệ các em học sinh - những mầm non tương lai của đất nước trước hiểm họa ma túy, Viện PSD đã tiến hành nghiên cứu, phát triển và biên soạn bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy”.

Sau 5 năm “thai nghén”, bộ sách đã chính thức ra đời và sẵn sàng đồng hành cùng các bạn học sinh, các giáo viên, phụ huynh tham gia vào cuộc chiến chống ma túy học đường nói riêng và ma túy nói chung.

Đánh giá về bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy", thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho rằng, bộ tài liệu sẽ giúp các bậc phụ huynh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục tại các cơ sở giáo dục có kỹ năng, kinh nghiệm để bảo vệ con em mình trước sự tấn công của ma túy.

N.H
Theo Giáo dục & Thời đại