Thứ tư, 24/04/2024 | 19:02
RSS

Học sinh nghiện ma túy có xu hướng gia tăng, trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ tư, 07/07/2021, 14:09 (GMT+7)

Việc các em học sinh sử dụng ma túy là câu chuyện không mới, thế nhưng khi nói đến câu chuyện trách nhiệm quản lý, theo dõi, giáo dục các em, các cơ quan, đơn vị liên quan, không phải ai cũng nhận ra được trách nhiệm của mình.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện - Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (C04), Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tệ nạn và tội phạm ma túy trên thế giới khu vực và trong nước vẫn tiếp tục diễn biến rất phức tạp với phương thức, thủ đoạn rất mới.

Ở nước ta, tội phạm ma túy ngày càng tăng và tổ chức hoạt động ngày một tinh vi, có sự cấu kết giữa người Việt Nam với người nước ngoài. Đáng chú ý, hiện nay đã xuất hiện tình trạng tội phạm ma túy lợi dụng không gian mạng Internet để hướng dẫn điều chế và mua bán trái phép chất ma túy. Các đối tượng đưa các chất ma túy vào các loại hàng hóa, thực phẩm như bánh kẹo, nước uống với hình thức hấp dẫn rồi rao bán trên mạng, nhắm đến các đối tượng trẻ tuổi, chủ yếu là thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Ma túy đã và đang len lỏi vào môi trường học đường. Nhiều học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo trở thành nạn nhân hoặc tham gia tàng trữ, mua bán ma túy, tiềm ẩn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trong đời sống xã hội, mà trực tiếp là môi trường học đường và bản thân các em học sinh, sinh viên.

Nhiều thanh thiếu niên nghĩ rằng sử dụng ma túy một vài lần sẽ không gây nghiện hoặc sử dụng ma túy tổng hợp thời gian dài mới gây ra tình trạng loạn thần, “ngáo đá” nhưng thực tế là đã vướng vào thì sẽ rất khó từ bỏ và sử dụng ma túy tổng hợp rất dễ gây ra tình trạng “ngáo đá”, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng nếu sử dụng quá liều chứ không phụ thuộc vào thời gian sử dụng dài hay ngắn.

Tác hại của ma túy là rất nặng nề nhưng không ít thanh thiếu niên vẫn cứ lao vào như những con thiêu thân, không chỉ hủy hoại bản thân mà còn là gánh nặng của gia đình và là nỗi lo sợ của những người xung quanh. Cái giá phải trả cho những cuộc vui, cho những khoái cảm nhất thời do ảo giác từ ma túy mang lại đã khiến nhiều học sinh người thì vướng vào vòng lao lý, người phải chịu đau đớn về thể xác do ma túy hủy hoại và cả những dằn vặt, mặc cảm với người thân khi không làm tròn trách nhiệm người con, người anh/chị trong gia đình.

Có nhiều nguyên nhân khiến nhiều người trẻ, trong đó có cả những em đang còn ngồi trên ghế nhà trường sa ngã vào tệ nạn ma túy, trong đó có yếu tố gia đình, nhà trường và xã hội. Tuy nhiên, khi nói đến câu chuyện trách nhiệm quản lý, theo dõi, giáo dục các em, các cơ quan, đơn vị liên quan, không phải ai cũng nhận ra được trách nhiệm của mình.

Học sinh nghiện ma túy có xu hướng gia tăng, trách nhiệm thuộc về ai

Viện PSD cho ra mắt Bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy"

Thầy Nguyễn Thanh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Bắc Sơn (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) đã từng rất bất ngờ vì con số học sinh có nghi vấn liên quan đến ma túy và bất ngờ vì chỉ mới nghe thông tin, chứ chưa có danh sách, số lượng cụ thể. Trong khi đó, tháng 11/2020, Công an huyện cũng đã từng làm việc với các em tại trường. “Khi thấy công an gọi nhiều học sinh đến làm việc, nhà trường cũng khá bất ngờ. Bởi chúng tôi cũng chỉ nghĩ quá lắm cũng chỉ một vài học sinh thôi!”, thầy Hải cho biết.

Thầy Hải còn chia sẻ thêm: “Tình trạng thanh niên, kể cả học sinh khu vực các xã Thanh Hóa, Hương Hóa, Lâm Hóa đã sử dụng ma túy từ rất lâu rồi, nhất là từ khi có Cửa khẩu quốc tế Cha Lo và đường Hồ Chí Minh. Hàng năm, nhà trường cũng tổ chức các buổi tuyên truyền giáo dục pháp luật về ma túy cho các em, còn việc các em có sử dụng ma túy hay không, nhà trường không thể biết được. Nhà trường chỉ quản lý các em lúc ở trường, chứ ở bên ngoài các em làm gì thì làm sao biết và quản lý được. Trách nhiệm này thuộc về gia đình và công an. Hơn thế nữa, lúc ở trường, các em cũng không có biểu hiện gì rõ rệt, chỉ thỉnh thoảng có một số em bỏ tiết”.

Trả lời câu hỏi về việc quản lý các học sinh liên quan đến ma túy, thầy Hải cho hay: “Chỉ khi công an cung cấp danh sách, số lượng các em, nhà trường mới có cơ sở để mời phụ huynh của các em lên để làm việc, cùng nhau quản lý, giáo dục, ngăn chặn. Chứ giờ đây chưa có cơ sở để mời các em hoặc phụ huynh của các em lên làm việc”. 

Trong khi đó, thầy Hồ Ngọc Phương, Hiệu trưởng Trường THPT Tuyên Hóa (huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) cho biết, khi nhà trường gọi điện về thông báo và mời gia đình có con/em sử dụng hoặc liên quan đến việc sử dụng ma túy thì hầu hết các bậc phụ huynh đều tỏ ra bất ngờ. 

“Từ khi phát hiện một số học sinh sử dụng ma túy, nhà trường đã gọi các phụ huynh lên làm việc để phối hợp giáo dục, quản lý các em. Thế nhưng, khi nghe thông báo, hầu hết các phụ huynh đều tỏ ra bất ngờ”, thầy Phương chia sẻ.

Cũng theo thầy Phương, đối với Trường THPT Tuyên Hóa, kể từ khi phát hiện các trường hợp học sinh sử dụng ma túy, nhà trường đã siết chặt việc quản lý học sinh và tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ma túy trong trường học. Bên cạnh đó, nhà trường cũng cấm học sinh tổ chức tiệc sinh nhật ở các quán, cơ sở giải trí; đồng thời phối hợp với lực lượng công an kiểm soát chặt các cơ sở giải trí, và yêu cầu được cung cấp thông tin các em học sinh có biểu hiện liên quan đến ma túy để quản lý, răn đe.

Học sinh nghiện ma túy có xu hướng gia tăng, trách nhiệm thuộc về ai

Bộ tài liệu được xem là công cụ hữu hiệu giúp nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy cho cộng đồng

Nói tóm lại, bất kể với lý do gì thì việc các em học sinh sa ngã vào tệ nạn ma túy cũng đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Đó không chỉ là nguyên nhân chủ yếu làm phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội và lây nhiễm HIV/AIDS mà còn gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển kinh tế - xã hội và an ninh trật tự của đất nước và là hiểm hoạ của các quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới. Chính vì thế, phòng, chống ma túy đang là vấn đề cấp bách, không chỉ là trách nhiệm của riêng ai mà là của toàn xã hội.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi đối tượng để lấy phòng là chính, quần chúng nhân dân cần tích cực vào cuộc bằng cách tăng cường giám sát, phát hiện và tố giác tội phạm ma túy, cùng chung tay đẩy lùi tệ nạn ma túy để bảo vệ tương lai của chính con em chúng ta.

Thực hiện Công văn số 1477/KGVX-VPCP ngày 9/3/2021 của Văn phòng Chính phủ về các chương trình trọng tâm năm 2021 trong công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Viện PSD được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương triển khai bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” và tổ chức tập huấn cho giáo viên, phụ huynh, học sinh.

Bộ tài liệu là tâm huyết và sự nỗ lực trong nhiều năm nghiên cứu của nhiều nhà khoa học (thuộc nhiều lĩnh vực: tâm lý, y học, sinh học thần kinh, xã hội học…) tại Viện PSD. Với việc trang bị cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, cha mẹ và các em học sinh (THCS, THPT) những kiến thức và kỹ năng xử lý các tình huống nguy cơ liên quan đến ma túy, Bộ tài liệu được xem là công cụ, giải pháp căn cơ và hữu hiệu  giúp nâng cao nhận thức và trang bị các kỹ năng để đẩy lùi tệ nạn ma túy nói chung và ma túy học đường nói riêng.

“Vì một học đường sạch - không tệ nạn ma túy, đây chính là một dự án dựa trên sự tự nguyện, sự đấu tranh mãnh liệt, mang đến ý nghĩa cực kỳ lớn, giúp đỡ cho hàng ngàn cán bộ thu thập kiến thức” - Bà Nguyễn Hoàng Thái, Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Phó Viện trưởng PSD chia sẻ.

 

N.H
Theo Giáo dục & Thời đại