Thứ hai, 29/04/2024 | 10:45
RSS

Làm thế nào để nói "không" khi bị lôi kéo, rủ rê sử dụng ma túy?

Thứ ba, 06/07/2021, 09:12 (GMT+7)

Hiện nay, ma túy được “ngụy trang” bằng nhiều cách tinh vi, thủ đoạn của kẻ buôn bán ma túy cũng rất xảo quyệt. Nếu không có những kỹ năng cần thiết, có thể bạn sẽ bị lôi kéo sử dụng ma túy lúc nào không hay biết.

Có không ít ông bố, bà mẹ đã vô cùng sốc khi nhận được “hung tin” con mình sử dụng ma túy. Không phải chỉ có những đứa trẻ hư mới “bập” vào ma túy. Có nhiều em học sinh vốn dĩ ngoan hiền nhưng… bỗng dưng nghiện ma túy.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi sử dụng ma túy ở độ tuổi học trò. Có những nguyên nhân xuất phát từ bên ngoài, do tác động tiêu cực từ môi trường sống, hoặc từ những đối tượng khác và có cả nguyên nhân từ chính bản thân các em học sinh.

Hiện nay, ma túy được “ngụy trang” bằng nhiều cách tinh vi như cho vào thức ăn, đồ uống… làm các em học sinh khó nhận biết để đề phòng. Ngoài ra những kẻ buôn bán cũng rất nhiều thủ đoạn xảo quyệt để đưa các em vào “bẫy” lúc nào không hay.

Chúng lợi dụng những học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cuộc sống không hạnh phúc, có tâm lý chán nản để dụ dỗ, lôi kéo. Ngoài ra lứa tuổi học sinh là tuổi đang trưởng thành, ham học hỏi nhưng chưa chín chắn, ít kinh nghiệm sống nhưng lại thích thể hiện mình, khám phá cái mới và đó là “kẽ hở” để bọn tội phạm lợi dụng lôi kéo…

Làm thế nào để nói KHÔNG khị bạn bị rủ rê, lôi kéo, thậm chí là ép buộc sử dụng ma túy? Một trong những việc khó khăn đó là việc bạn sẽ đối diện với áp lực khi từ chối những lời mời, lời rủ rê. Bạn có thể bị đe dọa, bị cô lập nhưng điều đó sẽ chẳng có gì to tát nếu lúc đó chúng ta đã trang bị được kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết.

Đối với lứa tuổi học sinh THPT là lứa tuổi có nguy cơ cao nhất, các em cần có lối sống lành mạnh, sống có trách nhiệm giúp bản thân hứng khởi, có động lực, nghị lực sống sẽ giúp các em phòng ngừa được nguy cơ bị ma túy tác động. Khi các em đã xác định được mục tiêu phấn đấu, xem việc học là động lực và niềm vui, chắc chắn bạn sẽ khó bị lôi kéo vào những tệ nạn.

Ngoài ra học sinh cũng cần trang bị kỹ năng tự nhận thức bản thân trong phòng, chống ma túy. Các em cần hiểu rõ chính xác về bản thân mình, biết mình cần gì, muốn gì, những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, nhận thức được tư duy, niềm tin, cảm xúc của bản thân và những động lực thúc đẩy bạn.

Kỹ năng này giúp bạn hiểu về người khác, cách họ suy nghĩ về bạn và thái độ, cách phản ứng của bạn. Khi có khả năng nhận thức bản thân, bạn sẽ có cách giải thích các vấn đề thật thấu đáo như ma túy có nguy hiểm, gây ra những tác hại cho bạn hay không? Phòng chống ma túy có cần thiết không?...

Bạn cũng cần có kỹ năng ứng phó với ma túy, đó là khả năng nhận diện và phân tích được các tình huống có nguy cơ và hậu quả của hành vi, từ đó có thể có được những quyết định phù hợp và thực hiện các quyết định đó giúp bạn phòng, chống ma túy.

Kỹ năng quản lý cảm xúc cũng vô cùng quan trọng. Điều đó sẽ giúp bạn không bị lôi kéo vào những thói hư, tật xấu. Bạn sẽ tránh được tính cách bốc đồng, a dua, đua đòi và hướng đến những hành vi lành mạnh, một tâm trí khỏe mạnh và nhân cách tốt đẹp…

Kỹ năng từ chối ma túy là kỹ năng quan trọng và phải từ chối một cách nhất quán. Bạn bè hay đối tượng xấu thường rủ rê nhiều lần và khi bạn từ chối một cách dứt khoát chắc chắn sẽ làm “nản lòng” kẻ rủ rê.

Mỗi cá nhân cũng cần thiết xây dựng những mối quan hệ bạn bè tốt, nhóm bạn tốt, những người hiểu bạn và giúp bạn tránh xa những cám dỗ. “Chọn bạn mà chơi”, có được những người bạn tốt là điều vô cùng quan trọng. Bạn sẽ chí thú học hành, vui chơi lành mạnh khi bên bạn là những người bạn chăm ngoan, học giỏi và có chí tiến thủ.

Làm thế nào để nói không khi bị lôi kéo, rủ rê sử dụng ma túy

Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” ra đời được kỳ vọng sẽ sớm đẩy lùi tệ nạn ma túy.

Tuy nhiên, yếu tố tiên quyết là mỗi cá nhân cần trang bị cho mình những kiến thức hiểu biết về tác hại của ma túy. Thực tế đã chỉ ra rằng, nhiều em học sinh bị lôi kéo vào con đường sử dụng ma túy chỉ sau một hai lần “thử cho biết” với tâm lý “thử lần nghiện sao được”.

Chính tâm lý chủ quan đó bắt nguồn từ việc thiếu hiểu biết cặn kẽ về tác hại của ma túy. Trong một khảo sát có tên “Nghiên cứu Thực trạng nhận thức của học sinh – sinh viên về ma túy” được Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) thực hiện cách đây chưa lâu, một con số đưa ra khiến nhiều người bất ngờ.

Theo đó, có đến 43,9% số học sinh tham gia khảo sát cho rằng bản thân không biết gì về dấu hiệu nhận biết người nghiện ma túy, gần 40% khẳng định rằng mình chưa biết đến những kỹ năng cần thiết để phòng, tránh ma túy. Qua khảo sát cụ thể hơn, có tới 75,9% học sinh không hiểu biết đúng về khái niệm ma túy.

Nhận thức của học sinh về khả năng gây nghiện của các chất ma túy tổng hợp và một số chất khác như shisha, bóng cười cũng được rất ít học sinh nắm bắt đúng, đầy đủ, chỉ có 56,4% cho rằng ma túy là chất có thể gây nghiện, đối với bóng cười, tỉ lệ này là 15,7%; keo chó là 19,7%...

Những con số được đưa ra từ cuộc khảo sát là rất đáng lo ngại. Khi chúng ta không được những kiến thức cần thiết, những kiến thức đúng đắn, thậm chí là hiểu sai và lệch lạc, việc bị lôi kéo vào sử dụng ma túy sẽ dễ xảy ra.

Nhằm nâng cao nhận thức của các em học sinh về phòng, chống ma túy, Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) đã cho ra đời bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” sau 5 năm “thai nghén”. Bộ tài liệu đã được Bộ giáo dục và Đào tạo thẩm định.

Bộ tài liệu gồm 4 cuốn, trong đó có 2 cuốn dành cho các em học sinh đó là: Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học cơ sở; Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học phổ thông.

Những cuốn tài liệu này sẽ là “người bạn đường” của các em học sinh trong suốt những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường, và cũng có thể nó sẽ trở thành hành trang theo các em đến tận sau này. 

N.H
Theo Giáo dục & Thời đại