Thứ bảy, 18/01/2025 | 05:01
RSS

Giáo viên cần làm gì để giúp học sinh phòng, chống ma túy hiệu quả?

Thứ năm, 08/07/2021, 13:45 (GMT+7)

Bằng nhiều cách khác nhau, ma túy đã và đang được các em học sinh đưa vào sử dụng trong những bữa tiệc sinh nhật, liên hoan, hoặc cùng nhau nhậu nhẹt. Điều này không chỉ khiến các em sa chân vào “vũng lầy” ma túy mà thậm chí tương lai, tiền đồ của các em cũng sẽ bị hủy hoại nếu không được ngăn chặn kịp thời.

Trong giờ giải lao ít ỏi giữa 2 tiết học, Duy (nhân vật đã được đổi tên, học sinh một trường THPT tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình) kể lại quá trình bắt đầu sa chân vào tệ nạn ma túy cho đến khi bị bắt vì tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”. Đôi mắt đượm buồn của Duy vừa như ăn năn, hối lỗi lại vừa như tiếc nuối điều gì đó khiến người ta không khỏi xót xa.

Duy là con trai một trong gia đình nông dân nghèo. Bố phải tha phương đi làm ăn xa, Duy ở nhà với mẹ, đến mùa vụ làm nông em vẫn theo mẹ làm đồng. Duy nói, vì “chỉ có mình mẹ, những lúc nhậu nhẹt say, chỉ cần em gọi điện báo mẹ và xin ngủ lại nhà bạn, mẹ cũng đồng ý”. Sự buông lỏng quản lý từ phía gia đình, cùng với đó là sự rủ rê, lôi kéo của bạn bè đã khiến Duy dẫm chân vào “vũng lầy” ma túy lúc nào không hay.

Duy kể, em bắt đầu sử dụng ma túy từ năm lớp 10, trong bữa tiệc sinh nhật của mình. Số ma túy có được hôm đó là do những người anh em quen biết mang đến cho dùng. Ban đầu, Duy chỉ nghe nói là hồng phiến, chứ không biết đó là một loại chất ma túy. Từ lần đó, Duy vẫn theo những “người anh em” này, (theo như cách gọi của Duy), lúc tụ tập tại nhà, lúc đến các khu vực vắng người để cùng nhau sử dụng. Mỗi tháng, Duy “chơi” từ 1 đến 2 lần.

Duy cho biết, trong các lần sử dụng ma túy, thỉnh thoảng vẫn có một số bạn bè trong trường tham gia. Lần đầu sử dụng thường miễn phí, nhưng từ lần thứ 2 trở đi, mọi người phải nộp tiền để mua ma túy dùng. Mỗi lần, Duy cùng những người bạn của mình phải nộp tiền từ 100 nghìn đến 200 nghìn đồng. Khi gom đủ tiền, Duy liên hệ qua điện thoại nhờ người khác mua. Duy bảo, số tiền có được, ngoài của mẹ cho để ăn sáng, đổ xăng xe máy đi học và thỉnh thoảng xin được của chị gái, phần lớn do Duy chơi bida “ăn tiền” mà có.

Vào một ngày cuối tháng 1/2021, sau khi nhắn tin qua mạng xã hội Facebook với một người bạn nhờ chở đi mua ma túy, Duy mang theo 500 nghìn đồng cùng người bạn này đến địa điểm đã hẹn trước để mua ma túy. Sau khi mua được ma túy, trên đường về, 2 người bị lực lượng Công an bắt quả tang, khi đang giấu trong người 6 viên ma túy loại hồng phiến. Làm việc với cơ quan chức năng, Duy cho hay, kể từ bữa tiệc sinh nhật đến ngày bị công an bắt, Duy đã sử dụng ma túy 8, 9 lần.

Trong vụ việc của Duy, mở rộng điều tra, lực lượng công an huyện Tuyên Hóa cũng đã xác định được một số học sinh có sử dụng ma túy. Thế nhưng, các em chỉ là một trong số những trường hợp khá may mắn, khi được phát hiện và ngăn chặn. Nói may mắn là vì, nếu không bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời, con đường phía trước của những em học sinh như Duy, ai dám chắc chắn điều gì sẽ xảy ra.

Vụ việc của Duy hay còn rất nhiều những vụ việc khác xảy ra trong thời gian vừa qua đã làm dấy lên mối lo ngại ma túy xâm nhập và len lỏi vào học đường, mà chính các em học sinh là những người trực tiếp sử dụng và tàng trữ. Nhiều em học sinh “hồn nhiên” kể về việc bản thân chơi ma túy, cứ như đó là một trò tiêu khiển sau những buổi học.

Thậm chí, các em còn cùng nhau góp tiền, rồi nhờ người mua ma túy để sử dụng. Không hẳn là chỉ chơi cho biết hoặc bị rủ rê, lôi kéo, các em coi việc sử dụng ma túy gần như một “thú chơi” của tuổi trẻ. Bằng nhiều cách khác nhau, ma túy được các em đưa vào sử dụng trong những bữa tiệc sinh nhật, liên hoan, hoặc cùng nhau nhậu nhẹt.

Giáo viên cần làm gì để giúp học sinh phòng, chống ma túy hiệu quả

Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” cơ bản đã được hoàn thiện và bảo vệ thành công  trước hội đồng thẩm định của Bộ giáo dục và Đào tạo

Trong thời gian qua, nhiều biện pháp phòng, chống ma túy đã được triển khai thế nhưng chưa thể ngăn chặn được tình trạng sử dụng ma túy trong cộng đồng, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên và học sinh. Để hạn chế được tình trạng này, cần sự chung tay từ nhiều phía bởi với các loại tội phạm về ma túy, việc kiểm soát, quản lý chặt chẽ đối với cả 2 phía “cung” (người bán) và “cầu” (người sử dụng) mới có thể hạn chế tối đa sự gia tăng trong cộng đồng.

Bản thân mỗi cá nhân, gia đình, nhà trường và xã hội đều phải có trách nhiệm trong việc ngăn ngừa hiểm họa ma túy. Trong đó, nhà trường giữ vai trò là pháo đài kiên cố và vững chắc ngăn ma túy “vượt” rào xâm nhập và tấn công các em học sinh. Còn giáo viên là những người tổ chức, hướng dẫn các em tìm tòi, chiếm lĩnh những kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy hiệu quả.

Để giúp học sinh phòng, chống ma túy một tốt nhất, giáo viên cần phải gương mẫu chấp hành những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước và quy định của chính quyền địa phương về phòng, chống ma túy. Thường xuyên trao đổi, liên lạc và cập tình hình của học sinh và gia đình để có những hỗ trợ kịp thời giúp các em học sinh phòng tránh được nguy cơ sa ngã về ma túy.

Bên cạnh đó, có ý thức tìm tòi, nghiên cứu các nội dung, phương pháp thực hiện truyền tải nội dung phòng, chống ma túy một cách hấp dẫn và hiệu quả. Tổ chức và giáo dục phòng, chống ma túy cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép vào các hoạt động  chính khóa một cách  mềm dẻo, linh hoạt giúp các em học sinh có đầy đủ kiến thức, kỹ năng để phòng, chống ma túy cho bản thân.

Ngoài ra, việc trang bị cho chính mình những kiến thức và kỹ năng phòng, chống ma túy cũng là điều giáo viên nên làm nếu muốn công tác giáo dục phòng, chống ma túy cho học sinh đạt hiểu quả cao. Bởi lẽ chỉ khi bản thân giáo viên hiểu và có kiến thức về nó thì mới có thể truyền đạt đến các em học sinh một cách tốt nhất.

Chia sẻ về vấn đề này, cô Nguyễn Liêm (giáo viên THPT tại Thanh Hóa) nhận định: “Ngoài việc hoàn thành tốt chuyên môn giảng dạy, tôi nhận thấy giáo viên bất cứ môn học nào cũng cần có kiến thức, kỹ năng về phòng chống ma túy, hiểu rõ tác hại về phòng chống ma túy để truyền đạt cho các em học sinh. Việc lồng ghép kiến thức, kỹ năng vào từng môn học phù hợp cũng là một cách sáng tạo mà giáo viên có thể thực hành để chung tay phòng chống ma túy trong học đường. Trước thông tin nhiễu loạn như hiện nay, giáo viên rất cần có cuốn sách chính thống, với kiến thức đầy đủ, chính xác để truyền đạt cho học sinh, tránh được các tác dụng ngược từ việc tuyên truyền.”

Tương tự thế, cô Thanh Ngọc – giáo viên tại quận Ba Đình, Hà Nội cho hay: “Là một giáo viên, tôi thấy việc giáo dục phòng ngừa ma túy trong trường học là vô cùng cần thiết và cấp bách. Việc này không chỉ dừng lại ở một vài buổi tọa đàm, mà còn cần được đưa vào chương trình chính khóa để các em hiểu sâu và rõ về tác hại của ma túy, qua đó hướng dẫn các em những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân mình.”

Thấu hiểu được mong mỏi của các giáo viên, nhận thấy rõ trách nhiệm của mình trong việc ngăn ngừa và đẩy lùi tệ nạn ma túy, nhiều năm qua Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) đã tiến hành nghiên cứu, phát triển và biên soạn bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy”. Sau 5 năm “thai nghén”, đến nay bộ tài liệu cơ bản đã được hoàn thiện và bảo vệ thành công  trước hội đồng thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Bộ sách gồm 4 cuốn: Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học cơ sở; Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học phổ thông, Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh; Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Với cấp độ tăng dần về kiến thức, thông tin, bộ tài liệu được đánh giá như một bộ công cụ, giải pháp hữu hiệu, căn cơ nhất để nâng cao nhận thức và trang bị các kỹ năng giúp bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm hoạ ma túy.

N.H
Theo Giáo dục & Thời đại