Thứ sáu, 26/04/2024 | 18:33
RSS

Cảnh giác với những cạm bẫy ma túy bủa vây người trẻ

Thứ bảy, 10/07/2021, 15:00 (GMT+7)

Nhiều người trẻ đang ở độ tuổi trưởng thành, ham học hỏi nhưng chưa chín chắn, ít kinh nghiệm sống nhưng lại muốn khẳng định bản lĩnh, khám phá cái mới và trải nghiệm rất dễ bị tội phạm ma túy dụ dỗ, lôi kéo.

Ma túy buôn lậu từ nước ngoài vào Việt Nam có nhiều chủng loại, mẫu mã, hình thức gợi cảm, mỹ miều, tạo kích thích, tò mò cho giới trẻ. Chính từ ngộ nhận về cảm giác lạ, giới trẻ không ngờ rằng việc mình dùng thử những chất kích thích đó đã bị ma lực của ma túy cuốn hút, lâu dần bị lệ thuộc và khó từ bỏ.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp sa vào tệ nạn này do bị bạn bè lôi kéo, rủ rê tham gia vào những buổi sinh nhật, liên hoan ở quán bar, vũ trường, nhà hàng…có nguy cơ cao liên quan đến việc sử dụng ma túy. Ngoài ra, không ít những bạn trẻ “vô tình” sử dụng ma túy do có trong đồ ăn, thức uống mà không hề hay biết.

Thiên (nhân vật đã được đổi tên, học sinh lớp 11) tâm sự, nguyên nhân khiến em trở thành người nghiện là do bị người xấu bỏ ma túy vào trong đồ uống. Thiên kể, một lần trong lúc buồn em được mới quen mời đi uống trà sữa, sau khi uống em cảm thấy nôn nao, khó chịu, mọi thứ xung quanh quay cuồng. Tối về nhà phải trằn trọc rất lâu Thiên mới ngủ được.

Sau vài ngày liên tiếp hôm thì uống trà sữa, hôm thì nước giải khát khác, Thiên đã hình thành một thói quen đó là hàng ngày cứ đúng vào giờ nhất định, Thiên sẽ theo bạn đi uống nước gì đó nếu không em sẽ thấy người bồn chồn, mệt mỏi, đầu óc mơ màng, không tập trung vào học hành, công việc. . Mãi sau này, Thiên mới biết các loại nước giải khát và trà sữa mà em uống khi trước đã bị bọn người xấu lén lút bỏ ma túy vào trong.

Từ một người được bạn bè quý mến vì sự chăm chỉ, sáng dạ, nay Thiên học hành chểnh mảng, luôn đứng cuối lớp. Từ một người nhanh nhẹn nay nhiều lúc Thiên như người mất hồn. Trong đầu Thiên chỉ quanh quẩn với suy nghĩ làm sao có tiền để được sử dụng những thứ nước giải khát kia càng nhiều càng tốt. Sau đó, trong một lần đang vận chuyển một gói ma túy tổng hợp để được trả công bằng mấy viên ma túy, Thiên đã bị công an bắt.

Ở một trường hợp khác, Nghĩa (nhân vật đã được đổi tên, học sinh) ngây thơ tin vào lời những đứa bạn thân cùng nhóm rỉ tai, những viên “bướm đêm”, “vương miện”, “tim lồng”…(ma túy tổng hợp) chỉ giúp “giải khuây, giảm cân”, giúp “tỉnh táo, giảm mỏi mệt trong dịp ôn thi căng thẳng” chứ không khiến cho mình nghiện, không vật vã như ma túy truyền thống (thuốc phiện, heroine…).

Trước những lời ngon ngọt của bạn bè, trong một buổi sinh nhật Nghĩa đã dùng thử. Sau lần ấy, Nam dùng thường xuyên lúc nào không hay. Mãi đến khi cơ thể suy sụp, hàng ngày không thể thiếu ma túy Nghĩa mới bất giác tỉnh ngộ, hóa ra ma túy tổng hợp rất đáng sợ chứ chẳng phải “kích thích thoáng qua” như lời những đứa bạn nói. Và rồi Nghĩa phải rời trường lớp, xa bạn bè và người thân để đi cai nghiện tập trung.

Rồi đây, ma túy có cướp đi tương lai của Thiên hay của Nghĩa hay không sẽ phụ thuộc vào quyết tâm từ bỏ và cai nghiện của hai em. Nhưng giá như trước đó, bản thân các em có hiểu biết và kỹ năng phòng tránh thì đã không mất cảnh giác, bị người khác lôi kéo, rủ rê và hậu quả là sa vào con đường nghiện ngập, tự tay vẽ lên một vệt đen kéo dài trên chặng đường trưởng thành của mình.

Cảnh giác với những cạm bẫy ma túy bủa vây người trẻ

Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” gồm 4 cuốn đã được Bộ giáo dục và Đào tạo thẩm định

Theo ông  Mai Văn Hưng, Viện trưởng Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD), hiện nay mạng Internet rất phát triển, các em mới đi học đã có thể sử dụng thành thạo điện thoại thông minh, máy tính, các em tiếp cận những thông tin hay và không hay nhưng đầu óc còn non nớt không phân biệt được. 

Nhiều em nghiện game và quán game cũng như nhà hàng, quán bar, vũ trường, karaoke… phát triển mạnh, là nơi các em hay tụ tập trong các cuộc vui, sinh nhật, nhưng khó kiểm soát, nhiều nơi thành các tụ điểm sử dụng ma túy tập thể. Nhiều em trở thành người nghiện ma túy bắt đầu từ những lần dùng thử tại những nơi này.

Ông Hưng cũng cho biết, hầu hết học sinh nghiện ma túy khi tỉnh ngộ đều rất ân hận việc sử dụng và nghiện ma túy. Nguyên nhân do thiếu hiểu biết và nhận thức còn sai lạc về ma túy cộng với lối sống thiếu lành mạnh, các em đã bị sa vào ma túy và cạm bẫy của bọn người xấu lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc với những thủ đoạn tinh vi, quỷ quyệt, có tổ chức. Do đó, vấn đề cấp bách được đặt ra là phải nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy cho các em học sinh và cộng đồng, tạo cho các em sức đề kháng chống lại những yếu tố nguy cơ bên ngoài xã hội

"Để hình thành miễn dịch cộng đồng trong phòng ngừa Covid-19 nhân loại cần khoảng 70% số người có miễn dịch với virus này. Vậy tại sao không hình thành một thứ "vaccine" cho ma túy, nếu 70% học sinh, sinh viên được trang bị các kiến thức phòng ngừa ma túy cũng sẽ có hiệu ứng tốt như vaccine phòng ngừa Covid-19", Viện trưởng Viện PSD nói.

Hưởng ứng chỉ đạo, chỉ thị và chủ trương của Đảng và Chính phủ, trong nhiều năm qua, Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD đã nghiên cứu tình hình sử dụng ma túy trong giới trẻ, học sinh sinh viên, giáo viên và phụ huynh. Từ đó nhận thấy tình hình cấp thiết cần có một bộ tài liệu chính thống giảng dạy về các kỹ năng phòng, chống ma túy.

Trên cơ sở đó, Viện PSD đã đề xuất UBQG, Bộ giáo dục & Đào tạo giao cho Viện biên soạn bộ tài liệu này. Bên cạnh đó, Viện PSD cũng tập hợp 27 nhà khoa học trên nhiều lĩnh vực: an ninh, y tế, sinh lý, tâm lý, xã hội, giáo dục… cùng tham gia biên soạn bộ tài liệu phòng, chống ma túy.

Đến thời điểm hiện tại, sau khi trải qua hàng chục cuộc hội thảo lớn nhỏ, vượt qua bao thử thách và khó khăn, đến nay Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” đã được xuất bản dành cho 4 đối tượng: học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về cơ bản đã hoàn thiện.

Bộ tài liệu ra đời như là một công cụ, giải pháp hữu hiệu, căn cơ nhất để giúp nâng cao nhận thức và trang bị các kỹ năng để đẩy lùi tệ nạn ma túy nói chung và ma túy học đường nói riêng. Đối tượng cần quan tâm nhất của Bộ tài liệu là thế hệ trẻ học đường, các em học sinh từ cấp Trung học cơ sở trở lên.

PV
Theo Giáo dục & Thời đại