Thứ bảy, 18/01/2025 | 11:01
RSS

Thủ đoạn lôi kéo các em học sinh sử dụng ma túy

Thứ tư, 14/07/2021, 14:50 (GMT+7)

Nhiều em học sinh trở thành người sử dụng/nghiện ma túy do sa vào cạm bẫy của người xấu lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc với những thủ đoạn tinh vi, quỷ quyệt, có tổ chức. Nếu cha mẹ và những người quản lý không phát hiện và ngăn chặn kịp thời, các em có thể trở thành “miếng mồi ngon” để bọn tội phạm ma túy lợi dụng.

Thời gian gần đây, ma túy đã và đang len lỏi và tấn công vào môi trường học đường. Nhiều học sinh bị dụ dỗ, lôi kéo trở thành nạn nhân sử dụng hoặc tham gia tàng trữ, mua bán ma túy, tiềm ẩn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trong đời sống xã hội

Mới đây nhất vào ngày 25/4/ 2021 tại Hải Dương, công Công an tỉnh này đã bắt quả tang 4 học sinh đang dùng ma túy tại quán nước. Trong số 4 em có 2 em sinh năm 2006, nghĩa là các em mới đang ở cuối cấp của THCS. Cụ thể, 4 học sinh bị bắt quả tang đang sử dụng ma túy gồm: T.C.Đ. (sinh năm 2005), Đ.Q.H.A. (sinh năm 2006, đều trú tại phường Cẩm Thượng, TP. Hải Dương), Đ.P.Đ. (sinh năm 2006, ở phường Nguyễn Trãi, TP. Hải Dương), N.Đ.M. (sinh năm 2005, ở phường Thanh Bình, TP. Hải Dương).

Trước đó không lâu, Công an thành phố Ninh Bình cũng phát hiện, bắt giữ hai học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo khi 2 học sinh này đang bán trái phép hai túi ma túy (dạng cần sa) trước cổng Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (thành phố Ninh Bình). Thi hành lệnh khám xét nơi ở của một trong hai học sinh trên, Công an thành phố Ninh Bình tiếp tục thu giữ 6 gói cần sa; tổng trọng lượng ma túy thu được là 30,61g.

Đáng lưu tâm là qua quá trình đấu tranh, hai đối tượng khai nhận số ma túy trên là do mua trên mạng Facebook về chia ra bán lại chủ yếu cho học sinh cùng trường để kiếm lời. Vụ việc trên gióng lên hồi chuông cảnh báo về diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trong học sinh, sinh viên.

Thủ đoạn lôi kéo các em học sinh sử dụng ma túy

Cuốn tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh” trang bị cho cha mẹ cách nhận biết các loại ma túy

PGS.TS Mai Văn Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng phòng chống ma túy (PSD) cho biết, hiện nay mạng Internet rất phát triển, các em mới đi học đã có thể sử dụng thành thạo điện thoại thông minh, máy tính, các em tiếp cận những thông tin hay và không hay nhưng đầu óc còn non nớt không phân biệt được.

Nhiều em nghiện game và quán game cũng như nhà hàng, quán bar, vũ trường, karaoke… phát triển mạnh, là nơi các em hay tụ tập trong các cuộc vui, sinh nhật, nhưng khó kiểm soát, nhiều nơi thành các tụ điểm sử dụng ma túy tập thể. Nhiều em trở thành người nghiện ma túy bắt đầu từ những lần dùng thử tại những nơi này.

Cũng theo ông Hưng, hầu hết giới trẻ nghiện ma túy khi tỉnh ngộ đều tỏ ra ân hận, việc sử dụng và nghiện ma túy vì thiếu hiểu biết và nhận thức còn sai lạc về ma túy cộng với lối sống thiếu lành mạnh. Nhiều em học sinh trở thành người sử dụng/nghiện ma túy do sa vào cạm bẫy của bọn người xấu lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc với những thủ đoạn tinh vi, quỷ quyệt, có tổ chức. Nếu cha mẹ và những người quản lý không phát hiện và ngăn chặn kịp thời, các em có thể trở thành “miếng mồi ngon” để bọn tội phạm ma túy lợi dụng. 

Thực trạng này đặt ra vấn đề là cha mẹ ngoài việc quan tâm và quản lý sát sao con/em mình (đặc biệt những em học sinh ở độ tuổi THCS và THPT) còn phải nâng cao nhận thức của bản thân để hiểu rõ ma túy là gì, cách nhận biết các loại ma túy, dụng cụ ma túy, hậu quả của việc sử dụng ma túy như thế nào, quan trọng hơn cả là cha mẹ cần nắm rõ thủ đoạn lôi kéo và cưỡng bức con em mình sử dụng ma túy của bọn tội phạm để có những biện pháp can thiệp và hỗ trợ kịp thời.

Nếu như trước đây, việc nhận biết thủ đoạn tinh vi của tội phạm ma túy khiến nhiều cha mẹ cảm thấy khó khăn thì ở thời điểm hiện tại, toàn bộ những thông tin liên quan đến vấn đề này đã được khái quát một cách cụ thể trong cuốn tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh”. Cuốn sách nằm trong bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” do Viện PSD biên soạn. Theo đó, nội dung “Thủ đoạn lôi kéo, cưỡng bức sử dụng ma túy” nằm trong phần 1 của cuốn sách.

Cụ thể, tác giả chỉ ra những hoàn cảnh cụ thể mà tội phạm ma túy tập trung lôi kéo, cưỡng bức các em học sinh sử dụng ma túy. Chẳng hạn như gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, nuông chiều hoặc buông lỏng quản lý con cái quá mức; những học sinh có cha mẹ là công chức, có địa vị xã hội (là lãnh đạo các đơn vị quận, huyện, thành phố…). Bên cạnh đó, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn cũng là môi trường tốt để kẻ xấu lôi kéo các em học sinh sa vào tệ nạn ma túy.

Ngoài ra, những em có cha mẹ ly hôn hoặc phải chịu cú sốc tâm lý vì chuyện gia đình; các em có kết quả học tập kém, thường xuyên bị nhà trường và gia đình phê bình, khiển trách; những em học sinh nghiện game, sử dụng thuốc lá, bóng cười, shisha…cũng là những đối tượng mà tội phạm ma túy “nhắm tới”.

Thủ đoạn lôi kéo các em học sinh sử dụng ma túy

Cuốn tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh” giúp cha mẹ nắm rõ thủ đoạn lôi kéo con/em mình sử dụng ma túy

Những thủ đoạn lôi kéo các em học sinh sử dụng ma túy cũng hết sức tinh vi và đa dạng. Chúng có thể cho ma túy vào trong đồ ăn, thức uống hàng ngày như trà sữa, nước ngọt, rượu, bia, thuốc lá, điếu cày… mà các em thường xuyên sử dụng. Đồng thời, có thể sử dụng bạn bè cùng lứa tuổi, cùng trang lứa nghiện ma túy của các em làm “mồi nhử” để tiếp cận và lôi kéo các em với nhiều hình thức như: cho các em dùng thử miễn phí; mời các em tham gia các bữa tiệc sinh nhật, liên hoan, sự kiện; khiến cho các em có nhận thức sai lệch về tác hại của ma túy (tìm sự sảng khoái, giải tỏa tâm trạng, tạo hưng phấn trong học tập, giảm mệt mỏi, tăng sự tự tin,…).

Không những thế, tội phạm ma túy còn đánh vào tâm lý lứa tuổi học sinh THCS và THPT đang muốn khẳng định cái tôi cá nhân, thể hiện bản thân là người trưởng thành hoặc có “bản lĩnh”, đua theo trào lưu. Bán ma túy cho các em học sinh theo hình thức đa cấp lôi kéo được nhiều bạn sử dụng ma túy cùng sẽ có thưởng: chiêu đãi sử dụng ma túy miễn phí nếu như rủ thêm được 2 người bạn tham gia cùng, rủ thêm được 10 người thì sử dụng thoải mái theo yêu cầu…

Không chỉ lôi kéo, nhiều kẻ xấu còn cưỡng bức các em học sinh sử dụng ma túy bằng nhiều cách khác nhau như: cho các em vay tiền lãi suất cao, khi không có khả năng thanh toán; nhiều em học sinh cầm đồ (xe đạp điện, xe máy, thẻ học sinh…) đến thời hạn không có tiền chuộc ra; sử dụng tài liệu, ảnh nhạy cảm, cắt ghép hình ảnh cá nhân đe dọa tung lên mạng để khống chế các em; nắm giữ một số bí mật đời tư của các em mà nếu tiết lộ sẽ làm ảnh hưởng đến việc học tập, gia đình và bạn bè; lừa đến nơi vắng vẻ, nhà nghỉ, khách sạn…để uy hiếp, khống chế, ép buộc và cưỡng bức các em học sinh sử dụng ma túy.

Với bất kể hình thức hay thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ và cưỡng bức nào của kẻ xấu cũng có thể khiến các em học sinh trở thành nạn nhân (sử dụng/nghiện) hoặc tội phạm ma túy (tàng trữ/mua bán/vận chuyển). Một khi đã sa chân vào vũng lầy này, đối với nhiều người cũng có nghĩa là đặt dấu chấm hết cho tương lai của họ, con đường hoàn lương sẽ vô cùng gian nan và vất vả.

N.H
Theo Giáo dục & Thời đại