Thứ bảy, 27/04/2024 | 01:53
RSS

Sách “Kỹ năng, phòng chống ma túy”: “Bức tường lửa” bảo vệ học sinh trước hiểm họa ma túy

Thứ tư, 14/07/2021, 07:43 (GMT+7)

Những năm gần đây, tình trạng mua bán và sử dụng trái phép chất ma tuý đang diễn biến rất phức tạp, có xu hướng gia tăng, nhiều học sinh cũng trở thành “nạn nhân”. Việc trang bị cho các em kiến thức và kỹ năng về phòng, chống ma túy là hết sức cần thiết.

Sách Kỹ năng, phòng chống ma túy, bức tường lửa bảo vệ học sinh trước hiểm họa ma túy

Bộ tài liệu  “Kỹ năng phòng, chống ma túy”

Mới đây, nhân Tháng hành động phòng, chống ma tuý, trao đổi với báo chí về vấn nạn ma túy học đường, Đại tá Chu Văn Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an đã đưa ra con số đáng báo động:

“Theo thống kê, độ tuổi sử dụng ma tuý ngày càng trẻ hoá, nó đang len lỏi vào môi trường học đường. Nhiều học sinh, sinh viên bị dụ dỗ, lôi kéo và trở thành nạn nhân. Những năm gần đây, tình trạng mua bán và sử dụng trái phép chất ma tuý đang diễn biến rất phức tạp, có xu hướng gia tăng, tập trung ở đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 235 nghìn người nghiện ma tuý có hồ sơ trên cả nước, người nghiện dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%; khoảng 60% người sử dụng ma tuý lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 đến 25 tuổi.

Đặc biệt, ngày nay, nhiều học sinh 13, 14 tuổi đã sử dụng ma tuý. Các loại ma tuý tổng hợp ngày nay rất phổ biến, đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ, dễ cất giấu, sử dụng nhanh, thanh thiếu niên dễ dàng tiếp cận. Chúng len lỏi vào học đường với những cái tên mỹ miều gây tò mò đối với học sinh, sinh viên.

Đồng thời, các loại hình vui chơi, giải trí như quán bar, karaoke,… đang phát triển nhanh chóng nên số người sử dụng ma tuý ngày càng tăng. Một bộ phận thanh thiếu niên còn cho rằng, sử dụng ma tuý tổng hợp không gây nghiện, sử dụng ma tuý tổng hợp mới là dân chơi sành điệu...”.

Sách Kỹ năng, phòng chống ma túy, bức tường lửa bảo vệ học sinh trước hiểm họa ma túy

Thường xuyên tiếp xúc, điều trị cho người sử dụng, người nghiện ma túy Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Hưng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy (PSD), cho biết trong số những người nghiện ma túy có một bộ phận không nhỏ là thanh thiếu niên, thậm chí có những em còn rất nhỏ tuổi, tất cả đều đáng tiếc.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Mai Văn Hưng cũng nhấn mạnh, điều rất đáng lo ngại là hiện nay ở trong nước xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp mới, đa dạng, chủ yếu là các loại ma túy kích thích thần kinh, gây ảo giác, hoang tưởng, ảnh hưởng rất lớn đến hệ thần kinh. Quá trình điều trị để phục hồi là rất khó khăn, phức tạp, mất nhiều thời gian; có những em sử dụng đồng thời nhiều loại ma túy thì việc phục hồi càng khó khăn hơn.

Những năm qua, cùng với lực lượng công an, ngành giáo dục và Đào tạo cũng tích cực thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn ma túy xâm nhập vào học đường. Tuy nhiên, những vụ án ma túy liên quan đến học sinh vẫn xảy ra khiến không gia đình, thầy cô và những người làm công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn ma túy vô cùng đau lòng.

Hẳn chưa ai quên vụ bắt giữ hai học sinh Trường THPT Trần Hưng Đạo vào cuối năm 2020, khi 2 học sinh này đang bán trái phép hai túi ma túy (dạng cần sa) trước cổng Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (thành phố Ninh Bình) vào cuối năm 2020. Hay vào tháng 4/2021, công an tỉnh Hải Dương đã bắt quả tang 4 học sinh mới 15,16 tuổi đang sử dụng ma túy trước cổng trường.

Tại sao tuyên truyền nhiều, trấn áp mạnh nhưng tội phạm ma túy vẫn xâm nhập học đường? Một con số được Viện PSD đưa ra phần nào trả lời cho câu hỏi này. Theo đó, có đến 43,9% số học sinh tham gia khảo sát cho rằng bản thân không biết gì về dấu hiệu nhận biết người nghiện ma túy, gần 40% khẳng định rằng mình chưa biết đến những kỹ năng cần thiết để phòng, tránh ma túy…

Kết quả khảo sát trên 1.100 học sinh các trường phổ thông ở 5 quận của TP Hà Nội và một số địa phương khác cho thấy, chỉ có 4,5% số học sinh nói rằng mình hiểu biết về khái niệm và các chất ma túy, trong khi đó có tới 42,2 % tự đánh giá mình không hiểu về nội dung này; 44% các em không hiểu biết gì về dấu hiệu để nhận biết người nghiện ma túy và gần 40% chưa biết đến kỹ năng cần thiết phòng tránh ma túy.

Việc những kiến thức và kỹ năng phòng, chống ma túy vẫn là “khoảng trống” trong nhận thức của học sinh là “cơ hội” để tệ nạn ma túy xâm nhập học đường, biến những học sinh thành nạn nhân. Để phòng ngừa tệ nạn ma tuý đối với học sinh, sinh viên, theo Đại tá Chu Văn Phú ngoài việc cần phong phú và đa dạng các nội dung và hình thức tuyên truyền thì đặc biệt chú trọng đến phòng bị một số kĩ năng cơ bản để học sinh, sinh viên bảo vệ được bản thân trước nguy cơ xâm nhập ma tuý vào học đường, những phương thức lôi kéo học sinh, sinh viên sử dụng ma tuý của tội phạm ma tuý và hướng dẫn cách phòng tránh…”.

Rõ ràng việc trang bị những kỹ năng cơ bản như chia sẻ của Đại tá Phú là vô cùng quan trọng. Việc Viện PSD đã nghiên cứu và phát triển Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” là vô cùng ý nghĩa. Bộ tài liệu ra đời hướng đến 02 mục đí

Sách Kỹ năng, phòng chống ma túy, bức tường lửa bảo vệ học sinh trước hiểm họa ma túych chính.

Thứ nhất, trang bị kiến thức cơ bản và nâng cao về ma túy, cách thức nhận biết các chất ma túy, dấu hiệu nhận biết người sử dụng ma túy đồng thời trang bị kỹ năng ứng phó với những tình huống nguy cơ liên quan đến hành vi sử dụng ma túy cho học sinh, cha mẹ học sinh và giáo viên, cán bộ quản lý.

Thứ hai, hướng tới mục tiêu dự phòng sử dụng ma túy, dự phòng nghiện ma túy cho thế hệ trẻ là học sinh cấp 2, học sinh cấp 3 đang ngồi trên ghế nhà trường, cũng như hỗ trợ phụ huynh, thầy cô trở thành những người đồng hành cùng các con trong cuộc chiến chống lại sự cám dỗ của ma túy.

Chỉ khi học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy, lúc đó thật sự các em đã tạo được “bức tường lửa” để chống lại sự “tấn công” của tệ nạn ma túy. Từ trước đến nay, chung ta vẫn chủ yếu tập trung tuyên truyền phòng, chống ma túy bằng những thông điệp qua bài hùng biện, các tiểu phẩm dự thi, băng rôn khẩu ngữ…

Tuy nhiên, đã đến lúc cần trang bị cho học sinh, sinh viên những kiến thức cụ thể, kỹ năng sâu hơn như cuốn “Kỹ năng phòng, chống ma túy” vừa phát hành. Có như vậy mới hy vọng, ma túy không còn len lỏi và đe dọa môi trường học đường.

N.H
Theo Giáo dục & Thời đại