Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:02
RSS

Thủy sản chết trắng vịnh Hà Tiên: Người dân bần thần nhìn tiền của tan theo bọt nước

Chủ nhật, 14/05/2017, 15:01 (GMT+7)

Suốt vài ngày qua, hiện tượng thủy sản chết hàng loạt ở vịnh Hà Tiên không chỉ khiến người dân mất trắng hàng tỷ đồng mà còn gây mùi hôi thối khủng khiếp.

Xót ruột nhìn hải sản chết trắng bãi biển

Theo lời người dân, hiện tượng thủy sản chết hàng loạt bất thường xuất hiện từ nhiều ngày qua ở vịnh Hà Tiên, kéo dài từ bãi biển ở huyện Kiên Lương đến thị xã Hà Tiên. Hải sản chết nhiều nhất vào ngày 8/5 khiến nhiều loại tôm, cá nổi đầy mặt nước và nằm la liệt trên bãi cát.

Thủy sản chết hàng loạt 1

Thủy sản chết hàng loạt dọc bãi biển Kiên Giang nhiều ngày qua. Ảnh VietNamNet

Không chỉ cá chết hàng loạt mà các loài sinh vật sống dưới tầng đáy như tôm tít, cua, ghẹ và đặc biệt các loài sống sâu dưới lớp đất cát như nghêu, sò cũng chết vô số kể.

Ông Vĩnh Kim - Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi nghêu Thuận Yên (thị xã Hà Tiên) cho biết: “Nghêu của hợp tác xã gần đến ngày thu hoạch thì chết trắng, thiệt hại hàng tỷ đồng. Cá, tôm cũng bị chết hàng loạt”.

Theo báo cáo, tính đến thời điểm này tổng số cá chết hàng loạt là 14.000 con gồm 3 loại: 10.000 con cá mú, 1.000 con cá bóp, 3.000 con cá chẽm. Tổng diện tích nuôi nghêu, sò bị ảnh hưởng (thiệt hại từ 50% trở lên) lên tới 558 ha, phạm vi thiệt hại trải dài trên 30km.

Anh Phù Cốt Liềm (ngụ xã Thuận Yên, thị xã Hà Tiên) nghẹn ngào cho biết, anh đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng cho đợt nghêu này nhưng đến nay thì mất trắng. “Dự kiến bắt hơn 250 tấn, với giá 21.000 nghìn đồng/kg thì thu về hơn 5 tỷ đồng. Nhưng bây giờ nghêu đã chết hết”, anh Liềm nói.

Trong khi đó, anh Trương Anh Vũ (ngụ xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương) chỉ biết bần thần nhìn cảnh nghêu chết hàng loạt. Anh buồn bã cho hay: “Tôi thả 15 tấn nghêu giống hết mấy tỷ đồng. Đến ngày thu hoạch mà như thế này coi như trắng tay rồi".

Thủy sản chết hàng loạt 2

Người dân thiệt hàng hàng tỷ đồng vì nghêu, cá chết hàng loạt. Ảnh Tuổi Trẻ

Ông Văn Khền (ngụ xã Dương Hòa, huyện Kiên Lương) lo lắng: “Trước đây tôi thả lưới tại khu vực bãi biển gần nhà dính rất nhiều cá, nhưng từ khi xảy ra hiện tượng cá chết trắng đến nay thì không bất được con nào”.

Do hóa chất?

Sở TN&MT tỉnh Kiên Giang đã lấy 10 mẫu nước trong 2 ngày 8 và 9/5 để phân tích nhằm đánh giá, tìm ra hoạt chất gây hiện tượng thủy sản chết hàng loạt. Kết quả cho thấy 7 chỉ tiêu phân tích nằm trong quy chuẩn cho phép theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT về nước biển ven bờ.

Riêng chỉ tiêu NH4+ và Coliform tại điểm giữa kênh Tam Bản gần cống xả của khu nuôi tôm thuộc công ty cổ phần Trung Sơn bị vượt quy chuẩn môi trường 3,6 lần và 11 lần.

Đối với mẫu phân tích tại phòng thí nghiệm của Centema, 17 chỉ tiêu cơ bản trong nước biển và 2 chỉ tiêu về thuốc bảo vệ thực vật được đánh giá nằm trong quy chuẩn cho phép. Riêng chỉ tiêu chất hoạt động bề mặt (là chỉ tiêu không nằm trong quy chuẩn 10-MT:2015/BTNMT) có dấu hiệu cao hơn bình thường.

Thủy sản chết hàng loạt 3

Khu vực nơi cá chết hàng loạt có nồng độ một số hóa chất vượt quy chuẩn. Ảnh VietNamNet

Hiện tại, Sở TN&MT Kiên Giang đang chờ kết quả phân tích chỉ tiêu phiêu sinh thực vật và kết quả chạy sắc ký khí để xác định nguồn gốc của chất hoạt động bề mặt. Đồng thời, sở cũng đang điều tra để tìm nguồn thải có chất hoạt động bề mặt.

Theo một chuyên gia, các loại chất hoạt động bề mặt theo kết quả phân tích trên thường được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp như: dệt nhuộm, thực phẩm, Mỹ phẩm, in ấn, gia công thuốc bảo vệ thực vật, xây dựng (tăng độ cứng của bê tông), dầu khí và công nghiệp khoáng sản (tạo bọt để làm giàu khoáng sản).

Được biết, tại khu vực xảy ra hiện tượng thủy sản chết hàng loạt, có 2 công ty nuôi trồng thuỷ sản và ít nhất là 3 nhà máy sản xuất xi măng.

Tri Thu (T/h)
Theo Đời sống Plus