Lại thêm "thảm họa môi trường"?
Chúng tôi về Hải Lộc, nơi bị thiệt hại nặng nề nhất sau "thảm họa môi trường chưa từng có ở Hậu Lộc" vào một ngày trời tuôn mưa nhớp nháp. Thủy triều vừa rút thì bất chấp mưa lạnh, nhiều người dân vẫn túa ra biển.
Tuy nhiên, không giống như thời điểm này năm trước, thay vì hồ hởi ra biển để thu hoạch ngao, thành quả của một năm lao động vất vả thì năm nay, họ ra biển chỉ để tận mắt thấy cả cơ nghiệp của mình tan theo bọt nước.
"Đau xót lắm các anh ạ, không hiểu chất độc gì mà ngao chết kinh khủng như thế, nhà tôi coi như mất trắng rồi", anh Đinh Văn Tập, thôn Y Bích chua xót nói khi dẫn chúng tôi ra thăm bãi ngao chết trắng của gia đình mình.
Đồng nuôi ngao ở ven biển Hậu Lộc nhuốm màu chết chóc, u ám
Gia đình anh Tập là một trong những hộ nuôi ngao có tiếng ở Hải Lộc. Anh bảo, nghề ngao vốn lắm thăng trầm nhưng với nhiều người dân trong xã, nghề này như là cứu cánh để thoát đói, giảm nghèo. "Sau thảm họa này thì không biết con ngao có còn sống được ở đất này nữa không?", anh Tập hoang mang cho biết.
Theo anh Tập, ngao ở Hải Lộc và các vùng lân cận bắt đầu chết bất thường vào cuối tháng 12/2016. "Khi đó, chúng tôi cứ nghĩ do thời tiết giao mùa khiến ngao chết thôi. Nhưng sau này thì thấy có nhiều dấu hiệu bất thường", anh Tập chia sẻ.
"Dấu hiệu bất thường" ấy là khi chết ngao bị phân hủy nhanh và không bốc mùi hôi thối như những lần chết dịch trước đây. Thêm nữa, những lần trước, ngao chết chỉ trong vài ngày rồi dừng lại nên thiệt hại của người nuôi không lớn. Lần này, ngao chết dai dẳng, kéo dài nhiều ngày và ở nhiều bãi, những con ngao cuối cùng cũng đã phải bung vỏ trắng xóa.
"Như vậy là chắc chắn có sự tác động của độc tố nào đó rồi", anh Tập và nhiều người nuôi ngao có kinh nghiệm ở Hải Lộc nhận định.
Ngao chết trắng bãi biển Hậu Lộc
Nhận định trên càng có thêm cơ sở khi nhiều lần ra thăm bãi, người dân ở đây phát hiện nhiều "tạp chất lạ" trôi nổi lập lờ hoặc bám vào lưới quây ngao. Đưa những chất đó về nhà phân tích, nhiều người khẳng định đó là da, ruột của mực tươi.
"Có thể ngao chết trắng bãi là do các cơ sở chế biến hải sản trong bờ đổ hóa chất xử lý mực ra biển", anh Tập và nhiều ngư dân có kinh nghiệm nuôi ngao nhìn nhận.
Chính vì nghi ngờ "ngao chết là do có ai đó đầu độc bằng hóa chất" nên đêm 31/12/2016, anh Tập cùng nhiều hộ nuôi ngao ở Hải Lộc đã tiến hành mật phục để "vạch mặt hung thủ".
Đúng như dự đoán của mọi người, đêm đó, những người nuôi ngao ở Hải Lộc đã bắt tận tay hai đối tượng là Hoàng Văn Thành và Hoàng Thị Huệ (quan hệ vợ chồng, trú ở xã Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa) đang đổ hàng chục thùng chất thải lạ xuống biển.
Sau khi được người dân đưa về xã, với những tang chứng vật chứng rõ ràng, cặp vợ chồng này bước đầu khai nhận họ đổ chất thải thuê cho một cơ sở chế biến hải sản lớn có địa chỉ ở ngay tại xã mình đang cư trú.
Mẫu chất thải được cho là độc tố khiến ngao chết đang được người dân cất giữ
Theo anh Đinh Văn Tập, từ ngày phát hiện biển bị “đầu độc” tới nay, ngao của các hộ dân trong xã và cả những xã lân cận vẫn tiếp tục chết. "Đến giờ thì cả đồng ngao đã chết đến 80% rồi và cứ đà này thì còn chết tiếp. Trắng tay rồi các anh ạ", anh Tập nói như khóc.
Theo anh Tập, người nuôi ngao ở Hải Lộc thường đầu tư nuôi theo kiểu "gấp thếp", nghĩa là vụ trước thu được bao nhiêu thì gom lại dồn tất vào vụ sau. Chính vì thế mà với nhiều gia đình, cả cơ nghiệp đã đổ xuống sông xuống biển.
Ngao đã chết đến 80% và còn tiếp tục chết
"Gia đình tôi tính tới thời điểm này là thiệt hại tới hơn 2 tỉ đồng rồi. Ở đây nhà nuôi ít thì cũng mất vài trăm triệu, nhà nuôi nhiều thì mất cả chục tỉ đồng", anh Tập chua chát chia sẻ.
Hôm chúng tôi về Hải Lộc thì cũng vừa lúc chị Phạm Thị Hằng (vợ anh Tập) đi thăm bãi ngao của gia đình về. Tới nhà, vừa thấy mặt chồng, chị đã òa lên nức nở. Thấy vợ khóc, anh Tập cũng chẳng biết phải động viên làm sao, đành bỏ mặc vợ ở nhà trong mà ra phòng khách ngồi vò đầu, bứt tóc.
"Ngày nào vợ tôi chả khóc, đàn bà tiếc của mà", anh Tập phân bua.
Người nuôi ngao trắng tay khi ngày Tết đã cận kề
Bóng ma "Formosa"
Ở Hải Lộc mấy ngày qua, nhiều người đã cấm không cho vợ con mình ra biển. "Vợ tôi có lần ra còn chết ngất ở ngoài đó đấy", anh Phạm Văn Ba, một chủ đầm lớn ở thôn Lộc Tiên chia sẻ.
Tới thời điểm này, theo lời anh Ba thì "thảm họa môi trường" đã khiến gia đình anh thiệt hại lên tới gần chục tỉ đồng. "Đấy là cả cơ nghiệp mà hai vợ chồng tôi cả chục năm mới tạo được. Nói thật, mình là đàn ông còn xót thì nói chi là đàn bà, phụ nữ", anh Ba chia sẻ.
Cả cơ nghiệp của người nuôi ngao đã tan theo bọt nước
Không chỉ thiệt hại lớn về tài sản, người nuôi ngao ở Hậu Lộc còn phải chi một khoản tiền lớn để thuê người dọn dẹp đầm bãi
Xót của là một chuyện, nhưng cái mà người dân Hải Lộc và các xã lân cận lo lắng nhất chính là tương lai của nghề nuôi trồng hải sản tại vùng biển này.
"Tôi sợ lại có thêm một Formosa ở Hậu Lộc ấy chứ! Nếu thế thì không biết bao giờ mới có thể tiếp tục nuôi ngao để trả nợ ngân hàng!?", ông Vũ Huy Đính, một chủ đầm ở xã Minh Lộc lo lắng nói.
Người dân đau đớn thu vỏ ngao để tránh ô nhiễm
Ông Đính cho biết, thường thì sau Tết Nguyên đán là người nuôi ngao ở ven biển Hậu Lộc sẽ bắt đầu vào vụ nuôi trồng mới. "Nhiễm độc như thế thì có nuôi được nữa không, tôi cho rằng khó mà nuôi ngay được nếu không có các giải pháp xử lý môi trường", ông Đính trăn trở.
Giống như ông Đính, nhiều người nuôi ngao ở các xã ven biển Hậu Lộc đang rất hoang mang về khả năng phục hồi của biển. Bởi thế, họ mong muốn cơ quan chức năng nên vào cuộc một cách khẩn trương hơn, để nhanh chóng đưa ra kết luận biển Hậu Lộc đã "chết" vì độc tố nào?
Vẻ mặt thẫn thờ của chủ đầm ngao khi ra thăm đầm nuôi nhà mình
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một điều đáng quan ngại nữa là nhiều hộ nuôi ngao ở đây đang rất bức xúc vì cho rằng, cơ sở thuê người đổ chất thải ra biển đang được "bảo kê", "bao che" nên việc xử lý sai phạm nếu có cũng chỉ là… “đánh trống bỏ dùi”.
"Chúng tôi bắt được người đổ chất thải và họ cũng đã khai nhận ở xã là do cơ sở nào thuê đổ. Thế nhưng không hiểu sao, cơ quan chức năng không niêm phong ngay cơ sở ấy để điều tra mà vẫn để họ hoạt động bình thường. Như vậy, họ sẽ dễ dàng tẩu tán tang vật vi phạm", anh Phạm Văn Ba, người tham gia vây bắt đối tượng đổ chất thải bức xúc cho hay.
Còn theo ông Vũ Huy Đính, việc cơ sở chế biến hải sản ở xã Ngư Lộc tống chất thải xuống biển gây ô nhiễm môi trường đã diễn ra từ nhiều năm nay. Trước đây, ông và nhiều hộ nuôi ngao quanh cơ sở này đã phản ánh với chính quyền địa phương nhưng mọi chuyện vẫn chỉ là… đá ném ao bèo.
Không có việc bao che?
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lộc cho biết, hiện tại xã đang có 208 hộ nuôi ngao trên diện tích là 201 ha. Về nguyên nhân ngao chết hàng loạt, theo ông Hùng, đến thời điểm này vẫn chưa có kết luận chính thức của các cơ quan chức năng.
Ông Hùng thừa nhận, thời điểm hiện tại, lượng ngao chết của người dân đã lên tới trên dưới 80%, thiệt hại ước tính hàng trăm tỉ đồng. "Trước đây khi ngao bị bệnh dịch, người dân cũng chịu thiệt hại nhưng không lớn như bây giờ", ông Hùng cho biết.
Vỏ ngao chết được đổ thành đống lớn
Cũng theo ông Hùng, việc ngao chết bất thường như trên chắc chắn phải có tác động xấu từ môi trường; tuy nhiên nguyên nhân là do thiên nhiên hay do con người thì cần sự vào cuộc khẩn trương của các cơ quan chức năng.
"Sự việc giờ nằm ngoài tầm kiểm soát của xã rồi, chờ các cơ quan cấp trên thôi. Xã cũng chỉ biết động viên người dân tin tưởng vào các cơ quan chuyên môn thôi", ông Hùng cho biết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trịnh Cao Sơn - Chánh văn phòng UBND huyện Hậu Lộc cho hay, hiện tại, các cơ quan chức năng vẫn đang điều tra để làm rõ nguyên nhân ngao chết hàng loạt ở Thanh Hóa Mẫu nước, mẫu thải đã được nhiều cơ quan, đơn vị mang đi kiểm nghiệm.
“Tài sản của người dân bị thiệt hại rất lớn. Nếu xác định được thủ phạm khiến ngao chết, quan điểm của huyện là sẽ xử lý thật nghiêm, không có sự bao che, dù đó là ai”, ông Sơn khẳng định.
Biển Hậu Lộc có độc tố vượt ngưỡng 1500 lần! Vừa qua, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa đã đưa ra kết quả phân tích mẫu nước biển,mẫu tang vật chất thải do người dân phát hiện và thu giữ liên quan đến việc ngao chết hàng loạt tại xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc. Theo kết quả này, các mẫu xét nghiệm có nhiều chỉ tiêu về môi trường vượt ngưỡng cho phép so với quy chuẩn Việt Nam một số chỉ tiêu vượt rất cao lên tới cả nghìn lần. Cụ thể hàm lượng chất cadimi là kim loại chuyển tiếp tương đối hiếm và có độc tính cao vượt trên 1.500 lần, chất axit NH4+ cao hơn 128,5 lần so với quy chuẩn... Tuy nhiên, đại diện Sở tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa cho rằng, chưa thể khẳng định nguyên nhân ngao chết hàng loạt có liên quan đến nguồn nước thải bẩn được đổ trộm ra biển. Nguyên nhân chính xác khiến ngao chết phải căn cứ vào kết luận điều tra của các cơ quan chức năng, vị đại diện này cho biết. |