Thứ bảy, 18/01/2025 | 18:04
RSS

Thanh Hóa: Dân nghèo è cổ đóng góp, "quan xã" ở biệt thự xa hoa

Thứ năm, 15/12/2016, 07:00 (GMT+7)

​Đến Hà Vinh, ai cũng phải trầm trồ trước cơ ngơi hoành tráng của đương kim chủ tịch xã. Đớn đau thay khi làm nền cho "điểm sáng" ấy lại là những cảnh đời nghèo khó, vất vả quanh năm để lo đủ tiền đóng góp cho xã, thôn.

Cơ cực kiếp nghèo

Như kỳ trước chúng tôi đã thông tin, là xã thuần nông nên đời sống người dân Hà Vinh (huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) còn nhiều khó khăn. Theo ông Ngô Xuân Cầu - Phó Chủ tịch UBND xã thì hiện tại, cả xã có 1.700 hộ thì có đến 215 hộ nghèo xét theo tiêu chí mới.

"Làm ruộng thì không đủ tiền đóng sản", đó là câu cửa miệng của bất cứ người dân nào khi tiếp xúc với chúng tôi. Theo họ, mỗi năm 2 lần quay cuồng đóng sản với số tiền lên tới vài triệu đồng một đợt thì dù có cả ngày quần quật ngoài đồng ruộng, cái nghèo vẫn thiên thu vây hãm.

Tha phương cầu thực, ra thành phố làm thuê,… dường như đó là cách "thoát nghèo" duy nhất của những người dân ở nơi "ốc đảo" khốn khó này. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể lần mò theo con đường ấy.

Bà Trần Thị Hảo cũng là một trong những hộ nghèo của xã Hà Vinh. Nhà bà nhỏ xíu, nép sau những con ngõ ngoằn ngoèo của thôn 12. Nhà nhỏ nhưng bên trong trống huơ trống hoác bởi không có vật dụng gì ngoài một chiếc giường gỗ ọp ẹp.

Lạm thu ở Thanh Hóa 1

Nhà bà Hảo không có vật dụng gì đáng giá ngoài chiếc giường cũ kĩ, tồi tàn

Bà Hảo không có chồng, con. Vốn thường xuyên đau ốm lại thương bố mẹ già cả nên bà đành ở vậy, không dám tính đến hạnh phúc cho riêng mình. Gần chục năm trước, bố mẹ bà Hảo đã lần lượt về với tiên tổ nên nếu không có mấy đứa cháu nhỏ sang chơi thì căn nhà bé nhỏ của bà tối ngày chìm trong quạnh quẽ.

Bà Hảo cấy 2 sào ruộng làm kế sinh nhai. Tuy nhiên do có tuổi lại sức yếu, công việc đồng áng bà cũng phải nhờ nhiều hàng xóm, láng giềng. "Làm được tí lúa thì phần nhiều là lo nộp sản", bà Hảo cho biết.

Lạm thu ở Thanh Hóa 2

Ngôi nhà bà Hảo đang ở là nhà tình nghĩa, được xây dựng từ chục năm trước

Theo lời bà, các vụ đóng sản trước kia, do báo chí chưa vào cuộc nên tuy là hộ nghèo, sống đơn thân nhưng bà vẫn phải đóng tất thảy các khoản tiền mà xã, thôn yêu cầu. Vụ nào cũng đi tong hơn tạ thóc.

Vụ chiêm vừa rồi (thu hồi tháng 6/2016), bà Hảo phải đóng cả thảy gần 800 nghìn đồng. Trong số ấy, có khoản đáng ra bà được miễn bởi là hộ nghèo nhưng trên phiếu đóng tiền vẫn bắt nộp, cán bộ vẫn cứ thu. "Tôi có biết chữ đâu, người ta ghi thế nào thì chỉ biết nộp tiền thôi", bà Hảo chia sẻ.

Theo bà Hảo, khoản thu khiến bà khó hiểu nhất ấy là "đóng góp xây dựng, tu sửa trường học". Trên phiếu thu, vụ nào khoản này cũng trên 100 nghìn đồng. "Tôi ở một mình, có ai đi học đâu mà vụ nào người ta cũng thu, thấy khó hiểu quá!", bà Hảo bức xúc.

Tận thu cả những khoản đáng ra được miễn

Giống như trường hợp của bà Hảo, nhà bà Nguyễn Thị Lụa ở thôn 11 cũng nghèo xơ xác. Nhiều người vẫn thường nửa đùa nửa thật bảo, không may cho tên trộm nào lọt vào ngôi nhà tuềnh toàng ấy bởi chẳng biết khuân thứ gì ngoài chiếc ti vi lem luốc, cũ kỹ.

Lạm thu ở Thanh Hóa 3

Nhà bà Lụa cũng trống huơ trống hoác

Nhà đông con lại thêm việc chồng lâm bạo bệnh, đi lại khó khăn nên từ nhiều năm nay, gia đình bà Lụa được liệt vào dạng "nghèo vĩnh cửu".

Hôm chúng tôi đến, bà Lụa đang cùng con gái đi làm cỏ thuê cho một hộ trong làng. "Đây, các anh xem, vụ nào cũng đóng mấy triệu bạc thì hỏi sao mà không nghèo, không phải nai lưng ra làm thuê làm mướn", cầm trên tay tờ phiếu thu, bà Lụa uất ức cho biết.

Theo những tờ thanh toán tiền sản ấy thì hai vụ gần đây, gia đình bà Lụa phải nộp hơn 2 triệu đồng mỗi vụ. "Đấy là còn ít đấy, có những vụ người ta làm công trình phải nộp tới 5-6 triệu đồng cơ", bà Lụa chia sẻ.

Giống như nhiều hộ nghèo khác trong xã, bà Lụa không được "bỏ qua" bất cứ khoản đóng góp nào mà đáng ra theo chính sách các hộ nghèo sẽ được miễn. Thậm chí ngay cả khoản ủng hộ người nghèo, với những nhà kiệt xác như gia đình bà người ta cũng "cố gắng" thu.

Không chỉ riêng nhà bà Hảo, bà Lụa mà nhiều thôn ở Hà Vinh, cứ nhắc chuyện đóng sản là mọi người lại nhao nhao bức xúc. Theo những người dân nơi đây thì chính việc "sưu thuế", đóng góp nặng nề ấy đã khiến nhiều gia đình không bứt lên khỏi cái nghèo được. Và, "gánh nặng" đeo đẳng này cũng làm nảy nở bao chuyện đau lòng.

Những chuyện nhói lòng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vài năm trước, thời xã còn dùng "chiêu độc" là dắt bò, bắt trâu, tạm thu tài sản khi người dân chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng góp thì mỗi mùa đóng sản về, cả làng, cả xóm lại náo loạn.

Người nọ cạy cục vay mượn người kia. Có gia đình biết chưa thể nào xoay được tiền bèn vội vàng… tẩu tán tài sản có giá.

Còn bây giờ, cũng bởi gánh nặng sản thuế mà ở Hà Vinh, nhiều đứa trẻ dù đã lên 3- 4 tuổi mà bố mẹ chúng vẫn chưa dám đi đăng ký khai sinh. Lý do đơn giản mà chua chát, đi làm khai sinh thì gia đình lại thêm một khẩu, lại thêm một phần đóng góp. "Trẻ con lọt lòng là người ta đã tính suất để thu tiền rồi", anh Trần Văn Vinh, một hộ nghèo ở thôn 10 cho biết.

Cũng như nhiều người dân ở Hà Vinh, anh Vinh có cách tính đơn giản rằng mỗi vụ xã thu của một khẩu trên dưới 300 nghìn đồng. Năm 2 lần thu là mất chừng 600 nghìn, vậy nên… trốn được vài năm cũng đỡ được một khoản khá.

Lạm thu ở Thanh Hóa 4

Con gái anh Trần Văn Vinh, gần 4 tuổi vẫn phải trốn… khai sinh

Thời điểm chúng tôi ghé thăm, anh Vinh có cô con gái đã gần 4 tuổi mà vẫn chưa được đăng ký khai sinh. "Bao giờ con tôi đi học, tôi mới làm giấy khai sinh cho cháu", anh Vinh thở dài nói.

Cũng theo anh Vinh, bởi cảnh nghèo khó mà gia đình anh luôn là con nợ của chính quyền. Theo tờ "giấy thanh toán vụ chiêm 2016", gia đình anh phải nộp cả thảy hơn 7 triệu đồng. Trong đó, có trên 5 triệu đồng là tiền nợ từ những vụ trước. Thậm chí, khoản nợ này còn được chính quyền tính lãi với mức 1% mỗi tháng, con số cao hơn cả "chợ đen”.

Lạm thu ở Thanh Hóa 5

Các khoản tiền mà gia đình anh Trần Văn Vinh phải đóng cho xã, thôn vào vụ chiêm năm 2016

Vì không muốn mang tiếng nợ nần và đã quá sợ hãi cảnh lãi mẹ đẻ lãi con nên vụ chiêm vừa rồi, tích cóp được tí nào là vợ chồng anh lại mang ra thôn giao nộp. Và, để có dòng chữ "hoàn thành 100% chỉ tiêu vụ chiêm 2016" trên tờ "phiếu thu", vợ chồng anh Vinh đã phải 3 lần tất tưởi gom tiền đi đóng.

Dinh thự xa hoa 

Gánh nặng đóng góp suốt bao năm qua đã khiến nhiều gia đình ở Hà Vinh lâm vào cảnh khốn đốn. Nhiều người hiện vẫn đang phải chui rúc trong những căn nhà tồi tàn, ọp ẹp. Chính vì lẽ đó mà mỗi lần đến thôn 2, bất cứ ai cũng phải trầm trồ, thèm khát khi tận mắt thấy nơi ăn chốn ở của ông Lê Xuân Thảo - Chủ tịch UBND xã Hà Vinh.

Được biết, ngôi biệt thự của vị chủ tịch xã này được xây dựng trên một mảnh vườn có diện tích cả ngàn mét vuông, xung quanh là hàng rào được trang trí bằng đá cầu kỳ, tinh xảo.

Dẫn vào tòa biệt thự hai tầng nguy nga là chiếc cầu uốn cong với những trụ đá xanh tô điểm hai bên, thành quả của những nghệ nhân khéo tay bậc nhất.

Điểm nhấn khiến mọi người chú ý nhất khi đến ghé thăm nơi ở của vị công bộc của nhân dân này là hệ thống hòn non bộ cùng cả trăm cây cảnh đắt tiền. Theo đó, trước mặt ngôi biệt thự và ở hai bên tả, hữu đều được chủ nhân tạo hòn non bộ cùng những cây cảnh tạo dáng công phu.

"Có tiền cũng chưa chắc có được chốn ở như thế", ấy là lời một người dân khi dẫn PV tới thăm nơi ở của người đứng đầu xã nghèo này.

Một số hình ảnh về "nơi ăn chốn ở" xa hoa của Chủ tịch UBND xã nghèo Hà Vinh:

Lạm thu ở Thanh Hóa 6

Từ xa, ngôi biệt thự nổi bật giữa miền quê nghèo bởi được xây dựng trên một diện tích rộng lớn, có vô số những cây cảnh xanh mướt bao quanh.

Lạm thu ở Thanh Hóa 8

Dẫn vào biệt thự là chiếc cầu xây uốn cong, được trang trí những họa tiết cầu kỳ.

Lạm thu ở Thanh Hóa 9

Hòn non bộ bằng đá nguyên khối ở bên phải ngôi biệt thự.

Lạm thu ở Thanh Hóa 10

Trong khuôn viên ngôi biệt thự là những cây cảnh đắt tiền được tạo dáng công phu.

Lạm thu ở Thanh Hóa 11

Hồ nước, hệ thống cây cảnh bên trái ngôi biệt thự.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Thảo - Chủ tịch UBND xã Hà Vinh cho biết, ngay sau khi báo chí vào cuộc, tỉnh, huyện chỉ đạo, xã đã tiến hành kiểm điểm, sửa chữa những khoản thu chưa đúng với quy định.

Tuy nhiên trên thực tế, vụ mùa này (bắt đầu thu từ 20/11/2016), mức thu không hề thay đổi so với trước đây, vẫn là 286 nghìn đồng/khẩu.

Điểm mới là bắt đầu từ vụ thu này, trẻ em dưới 6 tuổi được miễn các khoản đóng góp, hộ nghèo chỉ phải đóng 50% các khoản thu về UBND xã…

(Còn nữa)

Nhóm PV
Theo Đời sống Plus