Tên lửa AIM-9X không thể hạ gục Su-22 Syria trong phát bắn đầu tiên, dù khai hỏa ở cự ly gần và có khả năng kháng mồi bẫy nhiệt.
Các chuyên gia của National Interest cho rằng đây là minh chứng cho thấy vũ khí không phải lúc nào cũng tốt như quảng cáo, đặc biệt là trong chiến tranh hiện đại.
Khi tiếp cận cường kích Su-22 ở cự ly 800 m trên bầu trời gần Raqqa, tiêm kích F/A-18E đã phóng tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9X Sidewinder, nhưng quả đạn tối tân này vẫn bị mồi bẫy nhiệt của chiếc Su-22 đánh lừa.
Phi công tiêm kích Mỹ buộc phải phóng tiếp AIM-120C AMRAAM, tên lửa dẫn đường tầm trung đắt đỏ hơn, để khuất phục chiếc cường kích lạc hậu.
Theo chuyên gia quân sự Dave Majumdar, tên lửa AIM-9X mới nhất được nhà sản xuất Raytheon quảng cáo là có tính năng tấn công mục tiêu ở góc lệch trục đạn lớn. Trong tình huống cận chiến, AIM-9X được coi là vũ khí hiệu quả nhất, có khả năng cơ động và kháng nhiễu cao hơn so với mẫu AIM-120 AMRAAM sử dụng đầu dò radar.
Việc mồi bẫy nhiệt trên Su-22 có thể đánh lừa đầu dò hồng ngoại ảnh nhiệt của tên lửa AIM-9X ở khoảng cách chưa đầy một km khiến giới chuyên gia rất sửng sốt, bởi loại tên lửa này vốn được thiết kế để tránh bị đánh lừa bằng mồi bẫy.
AIM-9X là thế hệ mới nhất của dòng tên lửa AIM-9 Sidewinder. Tên lửa là sản phẩm của tập đoàn Raytheon. Quá trình nâng cấp AIM-9X bắt đầu từ cuối những năm 1980 nhằm đối phó với sự ra đời của tên lửa R-73 (AA-11 Archer) của Nga.
AIM-9X được trang bị động cơ kiểm soát vector lực đẩy kết hợp với vây lái ở mũi mang lại khả năng cơ động cao trong phạm vi hẹp. Phiên bản mới được trang bị cảm biến hồng ngoại tiên tiến với góc nhìn lên đến 90 độ.
Cảm biến mới tương thích với hệ thống nhắm mục tiêu trên mũ bay phi công cho phép khóa mục tiêu bằng mắt nhìn. Tên lửa AIM-9X bắt đầu được thử nghiệm vào năm 1999. Quá trình sản xuất loạt ban đầu tỷ lệ thấp vào năm 2000. Quân đội Mỹ bắt đầu đưa tên lửa vào sử dụng từ năm 2003.