Thứ bảy, 18/01/2025 | 14:51
RSS

Ma túy - thước đo “thời thượng” của sự ăn chơi và đẳng cấp?

Thứ bảy, 17/07/2021, 16:12 (GMT+7)

Trong cuộc sống hiện tại, không ít thanh thiếu niên, trong đó có các em học sinh bị tiêm nhiễm lối sống đua đòi, hưởng thụ, lấy việc sử dụng ma túy làm thước đo "thời thượng" của sự ăn chơi và đẳng cấp. Điều này thực sự khiến chúng ta cảm thấy lo lắng, với suy nghĩ này, rồi tương lai của những đưa trẻ sẽ đi về đâu?

PGS. TS Mai Văn Hưng, Viện trưởng Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) cho biết, hầu hết giới trẻ nghiện ma túy khi tỉnh ngộ đều tỏ ra ân hận, việc sử dụng và nghiện ma túy vì thiếu hiểu biết và nhận thức còn sai lạc về ma túy cộng với lối sống thiếu lành mạnh. Các em đã bị sa vào ma túy và cạm bẫy của bọn người xấu lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc với những thủ đoạn tinh vi, quỷ quyệt, có tổ chức.

Theo ông Mai Văn Hưng, hiện nay mạng Internet rất phát triển, các em mới đi học đã có thể sử dụng thành thạo điện thoại thông minh, máy tính, các em tiếp cận những thông tin hay và không hay nhưng đầu óc còn non nớt không phân biệt được. 

Nhiều em nghiện game và quán game cũng như nhà hàng, quán bar, vũ trường, karaoke… phát triển mạnh, là nơi các em hay tụ tập trong các cuộc vui, sinh nhật, nhưng khó kiểm soát, nhiều nơi thành các tụ điểm sử dụng ma túy tập thể. Nhiều em trở thành người nghiện ma túy bắt đầu từ những lần dùng thử tại những nơi này.

Ma túy, thước đo thời thượng của sự ăn chơi và đẳng cấp

Ảnh minh họa

Trên thực tế, có nhiều nguyên nhân khiến các em học sinh, trong đó có học sinh trung học phổ thông sa ngã vào các tệ nạn ma túy. Ở độ tuổi trung học phổ thông, các em học sinh ham học hỏi nhưng lại chưa chín chắn, ít kinh nghiệm sống nhưng lại muốn khẳng định bản lĩnh, khám phá cái mới nên rất dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, dụ dỗ.

Cũng có nhiều trường hợp do bạn bè rủ rê tham gia vào những buổi sinh hoạt chung có nguy cơ cao liên quan đến việc sử dụng ma túy như: sinh nhật ở quán bả, vũ trường, karaoke; ăn tiệc ở nhà hàng; sự kiện vui chơi, giải trí…Tại đây, các em có thể “vô tình” sử dụng ma túy do bị người xấu, bạn bè cho vào trong đồ ăn, thức uống mà không hề hay biết.

Ngoài ra, hoàn cảnh gia đình phức tạp (kinh tế khó khăn, cha mẹ ly hôn, thường xuyên xảy ra bất hòa…); bản thân các em có vấn đề về tâm thần, bị trầm cảm…cũng là một trong những nguyên nhân khiến học sinh trung học phổ thông sa vào tệ nạn ma túy.

Theo một điều tra xã hội học của Viện Nghiên cứu và Ứng dụng phòng chống ma túy (Viện PSD), trong số những người sử dụng ma túy có 65% dùng do tò mò, 27% do bạn bè rủ rê, 8% do bị lừa dùng. Đáng lo ngại, trong cuộc sống hiện tại, một bộ phận thanh, thiếu niên, học sinh nhiễm lối sống đua đòi, hưởng thụ, chểnh mảng học hành, lấy sử dụng ma túy làm thước đo “thời thượng” của sự ăn chơi, thể hiện với bạn bè…

Thực chất, ma túy chẳng phải thước đo “thời thượng” của sự ăn chơi và đẳng cấp, cũng không phải thứ gì đó thần thánh làm người ta thấy “thoải mái” như nhiều bạn trẻ vẫn nghĩ. Đổi lại, sự lệ thuộc vào ma túy sẽ khiến nhiều người như “phát điên”, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần và thể chất của các em học sinh.

Hay nói cách khác, chính ma túy là con đường nhanh nhất, ngắn nhất hủy hoại tương lai của nhiều người trẻ. Ở độ tuổi trung học phổ thông, đáng lẽ ra các em đang ngày ngày cùng bạn bè đến trường thì nhiều em vì lỡ “dính” đến ma túy mà phải vào trại cai nghiện, trại tâm thần. Kể cả khi đã “hoàn lương” thì quãng đời sau này của các em cũng sẽ luôn tồn tại một nỗi ám ảnh mang tên ma túy.

Ma túy, thước đo thời thượng của sự ăn chơi và đẳng cấp

Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” do Viện PSD biên soạn

Nói về tác hại ma túy, ông Lê Trung Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện PSD kể về chính cuộc đời mình với những chia sẻ thấm thía khi ông vừa là nạn nhân, người chứng kiến, nhà nghiên cứu về sự hủy hoại khốc liệt của ma túy đối với con người.

Ông Tuấn cho hay, 26 năm trước, khi đang là lớp trưởng của lớp Quản trị kinh doanh Trường Cao đẳng Quản trị Kinh doanh, ông bị bạn bè rủ rê, cùng sự ngông cuồng của tuổi trẻ, ông đã sử dụng ma túy. Thời gian đó kéo dài 6 năm, là những ngày, mà theo ông là chìm trong đớn đau tột cùng, chết đi sống lại vì ma túy. “Ma túy là sự ám ảnh khủng khiếp mà tôi đã trải qua và cầu mong đừng ai bị nó hủy hoại nữa”, ông Tuấn nói.

Trên hành trình đầy đau đớn của mình, ông Tuấn đã chứng kiến nhiều người quen, người bạn của mình chết do liên quan đến ma túy. Ông Cũng chứng kiến hàng nghìn cuộc đời của các thanh niên bị ma túy hủy hoại. Thay vì được học tập dưới mái trường để trở thành những công dân có ích trong tương lai, các em đã phải lựa chọn các trung tâm cai nghiện, bệnh viện tâm thần.

Sau khi thoát khỏi nỗi ám ảnh ấy, bằng sự nỗ lực phi thường của bản thân, ông đã quyết tâm tìm các giải pháp để làm sao ngăn ngừa tệ nạn này. Viện PSD ra đời, hiện đang đồng hành với Bộ giáo dục và Đào tạo triển khai các giải pháp để phòng chống ma túy trong trường học, ngăn không cho ma túy xâm nhập học đường.

Với mong muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng, trong đó có các em học sinh trung học phổ thông về phòng chống ma túy, Viện PSD đã nghiên cứu, biên soạn và cho ra mắt Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy”.

Bộ tài liệu gồm 4 cuốn: Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học cơ sở; Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học phổ thông, Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh; Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Trong đó có một cuốn dành riêng cho các em học sinh trung học phổ thông đó là “Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học phổ thông”.

Mỗi cuốn tài liệu trang bị kiến thức cơ bản và nâng cao về ma túy, cách thức nhận biết các chất ma túy, dấu hiệu nhận biết người sử dụng ma túy đồng thời trang bị kỹ năng ứng phó với những tình huống nguy cơ liên quan đến hành vi sử dụng ma túy cho học sinh, cha mẹ học sinh và giáo viên, cán bộ quản lý.

N.H
Theo Giáo dục & Thời đại