Ảnh minh họa
Theo Đại tá Chu Văn Phú, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, những năm gần đây, tình trạng mua bán và sử dụng trái phép chất ma tuý đang diễn biến rất phức tạp, có xu hướng gia tăng. Đáng báo động là độ tuổi sử dụng ma túy ngày càng trẻ hoá, nó đang len lỏi vào môi trường học đường, tấn công các em học sinh.
Trong đó, nhiều học sinh trung học cơ sở do thiếu những kiến thức và kỹ năng cơ bản về phòng chống ma túy nên bị lôi kéo sử dụng và bị lệ thuộc vào ma túy lúc nào không hay, thậm chí có những em còn trở thành tội phạm tàng trữ, vận chuyển và buôn bán ma túy khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường.
Trên thực tế có rất nhiều nguy cơ khác nhau liên quan đến ma túy mà các em học sinh trung học cơ sở có thể gặp phải, ví dụ như: ăn (bị người khác cho ăn) đồ ăn/thức uống có chứa chất ma túy, bị ép sử dụng đồ có chứa ma túy, được người quen nhờ vận chuyển đồ có chứa ma túy; bị rủ rê, lôi kéo vào hành vi bán hàng, vận chuyển đồ/thức ăn có chứa chất ma túy…
Nhiều em khi gặp những tình huống này thường lúng túng, không biết cách xử lý để tự đưa mình thoát khỏi vòng vây ma túy. Chính sự lúng túng, do dự và không quyết đoán đó tạo cơ hội để ma túy xâm nhập và tấn công các em học sinh. Do đó, việc quan trọng là phải trang bị cho các em học sinh trung học cơ sở kỹ năng xử lý các tình huống nguy cơ, bảo vệ mình trước hiểm họa ma túy.
Nhận thức rõ tính cấp thiết của vấn đề này, các nhà khoa học của Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) đã nghiên cứu và đưa những kỹ năng xử lý khi gặp tình huống nguy cơ dành cho học sinh trung học cơ sở gói gọn trong một phần của cuốn tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho học sinh Trung học cơ sở”. Theo đó, để xử lý được các tình huống nguy cơ liên quan đến ma túy, các em học sinh trung học cơ sở cần phải ghi nhớ 5 nguyên tắc dưới đây:
Nguyên tắc thứ nhất, trong bất kỳ tình huống nào các em cũng phải thật bình tĩnh, không nên khóc lóc, kêu than. Bởi lẽ nếu mất bình tĩnh các em sẽ không thể nhận định, phân tích được tình huống mà mình đang gặp phải, không lựa chọn được giải pháp phù hợp và an toàn tại thời điểm đó.
Mất bình tĩnh và sợ hãi cũng có thể khiến các em dễ để lộ điểm yếu, từ đó kẻ xấu sẽ uy hiếp, đe dọa và ép các em phải làm theo yêu cầu của chúng. Hoặc ngược lại, việc các em la hét, khóc lóc của các em đôi khi sẽ làm nảy sinh tâm lý lo sợ người xung quanh phát hiện của kẻ xấu, trong một vài trường hợp chúng có thể bỏ chạy, nhưng cũng có thể điều này sẽ khiến chúng trở nên liều lĩnh hơn mà thực hiện những hành vi gây nguy hiểm cho các em.
Cuốn tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho học sinh Trung học cơ sở
Nguyên tắc thứ hai, khi đứng trước những tình huống nguy cơ liên quan đến ma túy, các em hãy dứt khoát từ chối và bỏ đi. Việc này cho thấy các em mạnh mẽ, có ý thức làm chủ bản thân và khiến kẻ xấu thấy e ngại. Thông thường kẻ xấu chỉ đạt được mục đích khi chúng biết người chúng đang tiếp cận/đe dọa/rủ rê yếu đuối, sợ hãi; còn đối với những người mạnh mẽ, có khả năng làm chủ bản thân thì chúng thường hạn chế tiếp cận bởi vì tỉ lệ thành công sẽ không cao.
Nguyên tắc thứ ba, các em học sinh cần thông báo ngay cho người thân, người lớn mà em tin tưởng khi gặp phải những tình huống nguy hiểm. Có những tình huống vượt quá khả năng giải quyết của các em thì việc nhờ người xung quanh giúp đỡ là lựa chọn thông minh, điều này không những đảm bảo an toàn cho các em mà còn giảm thiểu hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra.
Nguyên tắc thứ tư, khi cảm thấy bị đe dọa hoặc không an toàn, các em học sinh trung học cơ sở nên lập tức di chuyển ngay đến những nơi đông người, bởi lẽ tâm lý của những kẻ xấu là sợ bị phát hiện và bại lộ thân phận.
Nguyên tắc thứ năm, liên lạc ngay tới số điện thoại khẩn cấp để nhờ sự trợ giúp. Nghĩa là khi gặp tình huống nguy hiểm liên quan đến ma túy, ngoài việc liên lạc thông báo cho người thân, người lớn mà mình tin tưởng, các em học sinh cũng có thể gọi đến số 113 – đường dây nóng của cảnh sát, 115 – đường dây nóng của bệnh viện, 111 – đường dây nóng của quốc gia về bảo vệ trẻ em để nhờ giúp đỡ.
Trên đây là 5 nguyên tắc xử lý tình huống nguy cơ liên quan đến ma túy mà các em học sinh trung học cơ sở nói riêng và học sinh nói chung cần nắm rõ để tự bảo vệ mình trước hiểm họa ma túy, ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi môi trường học đường.
Cuốn sách “Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho học sinh Trung học cơ sở” nằm trong bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” (đã được Bộ giáo dục và Đào tạo thẩm định) do Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy biên soạn. Các em học sinh có thể đọc cuốn sách này dưới sự hướng dẫn của giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và các bậc phụ huynh. Sách bao gồm 2 phần nội dung chính: Phần thứ nhất đưa ra những kiến thức cơ bản và nâng cao về ma túy, trong đó có định nghĩa, cách nhận diện các loại ma túy, tác hại và hậu quả ma túy gây ra đối với con người nói chung và học sinh trung học cơ sở nói riêng. Bên cạnh đó cung cấp cho các em thông tin và cảnh báo về những thủ đoạn trá hình đưa ma túy vào trong đồ ăn, thực phẩm hằng ngày. Phần thứ hai tập trung hướng dẫn cho các em cách thức xử lý, ứng phó khi gặp tình huống nguy cơ liên quan đến việc vận chuyển, sử dụng trái phép chất ma túy, khi bị người xấu dụ dỗ, lôi kéo sử dụng ma túy… Ngoài ra, ở cuối phần thứ 2 của cuốn sách, tác giả cũng cập nhật thêm một số quy định của pháp luật về ma túy và các vấn đề liên quan đến học sinh trung học cơ sở, nội dung này sẽ hỗ trợ các em trong quá trình phòng, chống ma túy. |