Trạm BOT Cai Lậy nằm trong 17 dự án BOT tai tiếng. Ảnh Internet
Trong đó, “nặng nhất” chính là dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nếu bỏ trạm BOT trên QL5, nhà nước phải bù 16.000 tỉ đồng.
1. BOT Cầu Rác - Hà Tĩnh
Năm 2005, TCty một thành viên hạ tầng Sông Đà đầu tư tuyến đường tránh TP.Hà Tĩnh với chiều dài 16km. Khi tiến hành thu phí, chủ đầu tư đặt trạm thu phí ở Cầu Rác (xã Cẩm Trung, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cách tuyến đường BOT này hơn 30km.
Đầu năm 2018 người dân quanh khu vực phản đối, trả phí bằng tiền xu, chủ đầu tư phải giảm 100% giá dịch vụ đối với các phương tiện của chủ sở hữu có hộ khẩu tại 2 huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh của tỉnh Hà Tĩnh.
Bộ GTVT kiến nghị giữ nguyên vị trí để thu phí hoàn vốn.
2. BOT Tào Xuyên - Thanh Hóa
Cty CP BOT đường tránh Thanh Hóa - chủ đầu tư dự án xây dựng quốc lộ 1A, đoạn tránh thành phố Thanh Hóa theo hình thức hợp đồng BOT nhưng trạm đặt ở Tào Xuyên.
Trạm này đã phải ngừng thu phí từ tháng 8.2017 nhưng nay bộ kiến nghị thu lại để hoàn vốn Dự án tuyến tránh TP.Thanh Hoá. Lý do nếu trạm đặt ở tuyến tránh Nhà nước phải bố trí khoảng 1.489 tỉ đồng hỗ trợ.
3. BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài - Hà Nội
Trạm này nằm ngoài phạm vi dự án tuyến tránh Vĩnh Yên. Nay Bộ GTVT đề nghị giữ nguyên vị trí để hoàn vốn.
4. BOT Nam Cầu Giẽ - Hà Nam
Đây là dự án để hợp thức hoá trạm thu phí BOT Nam Cầu Giẽ, Bộ GTVT đã cho phép Cty CP Đầu tư hạ tầng FCC tổ chức thu phí tại quốc lộ 1 để hoàn vốn cho dự án đầu tư xây dựng đoạn tránh TP.Phủ Lý tỉnh Hà Nam.
5. BOT Bến Thủy - Nghệ An
Dự án do Cienco 4 làm chủ đầu tư gây bức xúc cho người dân do phải mất một khoản phí đi qua chặng đường ngắn. Hiện BOT này đã phải giảm giá cho dân địa phương.
6. BOT Quán Hàu - Quảng Bình
Trạm thu phí Quán Hàu (xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đặt trên QL1A nhằm thu phí cho đường tránh do Tập đoàn Trường Thịnh đầu tư. Sau khi bị người dân phản đối, chủ đầu tư đã phải miễn phí cho những phương tiện không qua tuyến tránh.
8. BOT Trảng Bom - Đồng Nai
Thực chất đây là BOT tuyến tránh Biên Hòa, nằm tại quốc lộ 1, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Trạm này bị người dân phản đối vì cho rằng trạm thu phí đặt không đúng vị trí. Cuối năm 2017, nhiều tài xế mang tiền lẻ và thực hiện mua vé khi điều khiển xe ôtô qua trạm gây tình trạng kẹt xe.
9. BOT tuyến tránh Sóc Trăng
Dự án BOT Sóc Trăng bắt đầu từ cầu Trà Quýt, xã Thuận Hòa của huyện Châu Thành, đến xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) có tổng chiều dài 16,22km.
Trong đó, đoạn mở rộng quốc lộ 1 thuộc xã Thuận Hòa (Châu Thành) đến cửa ngõ TP.Sóc Trăng dài 8,54km và đường tránh 7,68km. Trạm thu phí BOT Sóc Trăng đặt tại km2123 + 250 trên quốc lộ 1. Đầu năm 2018, trạm này bị người dân phản đối và phải giảm phí cho người địa phương.
10. Trạm BOT Cai Lậy - Tiền Giang
Là trạm BOT tai tiếng nhất khi đặt ở QL1 để thu phí cho tuyến tránh qua Cai Lậy. Trạm này bị người dân dùng tiền lẻ phản đối và đóng cửa trạm không thu phí nhiều tháng nay. Hiện Bộ GTVT đang đưa ra hai phương án xử lý trình Chính phủ:
Một là, giữ nguyên vị trí trạm như hiện nay, thực hiện giảm giá chung cho tất cả các phương tiện và mở rộng tối đa phạm vi giảm giá cho người dân quanh trạm; hai là xây dựng thêm 1 trạm thu giá ở trên tuyến tránh, thu trên cả 2 trạm, phương tiện đi trên tuyến nào, doanh thu sẽ hoàn vốn cho tuyến đó.
11. BOT Thái Nguyên - Chợ Mới
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp cải tạo quốc lộ 3 (1 trạm thu giá trên quốc lộ 3 và 1 trạm trên tuyến cao tốc): Để có giải pháp xử lý phù hợp, trước mắt Bộ GTVT cho phép nhà đầu tư thu giá trên tuyến cao tốc.
12. BOT QL6 - Hòa Bình
Dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp quốc lộ (QL) 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình. Chủ đầu tư đặt hai trạm thu phí (một trạm trên đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình và một trạm trên QL6 tại lý trình Km 38+390 QL6, đoạn Xuân Mai - Hòa Bình).
Vị trí này không được các hộ dân địa phương đồng thuận do nằm tại trung tâm thị trấn Lương Sơn nên được điều chỉnh tại vị trí từ Km 38+390 về Km 42+730 thuộc tiểu khu 4 và tiểu khu 9, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn (vị trí này nằm cuối thị trấn Lương Sơn).
13. BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn
Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn dài 64km, có tổng mức đầu tư 12.188 tỉ đồng, phần nối dài Chi Lăng - Hữu Nghị được ghép vào dự án dài 43km. Sau khi hợp phần cải tạo mặt đường quốc lộ 1 hoàn thành cuối năm 2017, UBND tỉnh Lạng Sơn đã cho phép nhà đầu tư thu phí từ 1.6 để hoàn vốn cho dự án.
14.BOT cao tốc QL5
Thực tế là trạm thu bù cho chi phí xây dựng cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đã bị người dân cực lực phản đối. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng: nếu bỏ trạm thu giá trên các tuyến quốc lộ, phương án tài chính dự án sẽ không khả thi, Nhà nước phải bố trí ngân sách để bù phần thiếu hụt lên đến 16.000 tỉ đồng.
15. Trạm La Sơn - Túy Loan
Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Tuý Loan thuộc tuyến cao tốc Cam Lộ - Túy Loan qua địa bàn huyện Nam Đông (Huế) dài 77km có điểm đầu là đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan. Tổng mức đầu tư cho dự án khoảng 11.500 tỉ đồng. Dự án được phân kỳ xây dựng thành 2 giai đoạn gồm: Giai đoạn 1 đầu tư 2 làn xe; giai đoạn 2 mở rộng nền đường 22m, đường cao tốc 4 làn xe.
Đây là trạm duy nhất mà Bộ GTVT lên tiếng bỏ dự án: Đối chiếu với quy định hiện hành, việc đầu tư một nơi, thu giá một nơi và thu giá trên tuyến đường đầu tư theo hình thức BT là không phù hợp. Đối với trạm này, bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng không lập trạm.
16-17: BOT Nam Bắc Hải Vân
Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đã có quyết định gộp trạm Nam Hải Vân thu chung với trạm Bắc Hải Vân để thu giá hoàn vốn cho 2 dự án hầm Đèo Cả và Dự án hầm Phú Gia - Phước Tượng do cự ly quá gần.
Xem thêm: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Nhiều trạm BOT sai vị trí, mong cử tri 'thông cảm'