Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:28
RSS

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Nhiều trạm BOT sai vị trí, mong cử tri thông cảm

Thứ hai, 04/06/2018, 10:05 (GMT+7)

Trả lời trước Quốc hội, ông Nguyễn Văn Thể - Bộ trưởng Bộ GTVT xác nhận hiện vẫn có nhiều trạm thu phí dày đặ, và mong cử tri thông cảm.

Ông Nguyễn Văn Thể, Nhiều trạm BOT sai vị trí mong bà con thông cảmBộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể. Ảnh Dân trí.

Theo ghi nhận vào 9h sáng nay, nói về vấn đề vị trí đặt trạm thu phí BOT, Bộ trưởng Thể cho biết: “Trong quá trình thực hiện chúng tôi bám sát thông tư 159 của Bộ Tài chính trong đó quy định trong cùng 1 quốc lộ thì khoảng cách trung bình là 70km thì Bộ giao thông có quyền quyết định còn trường hợp dưới 70km thì cần có sự thoả thuận với Bộ Tài chính, chính quyền địa phương. Bộ trưởng khẳng định là đã làm đúng quy định”.

Về câu hỏi quốc lộ 1, 19 qua Bình Định có 3 trạm BOT, trong quá trình thực hiện, ông Thể khẳng định, Bộ đều bám sát Thông tư 159 của Bộ Tài chính. 

Theo quy định, với dự án trên cùng một tuyến quốc lộ, khoảng cách bình thường là 70 km do Bộ quyết định. Dưới 70 km, dự án phải có sự đồng ý của địa phương và Bộ Tài Chính.

"Ở 3 dự án này, chúng tôi thực hiện đúng theo quy định có sự đồng ý của Bộ Tài chính, địa phương. Nhưng phải công nhận hiện nay nhiều địa phương trạm thu phí dày đặc, người dân đi qua phải nộp tiền, hàng hóa tăng chi phí. Chúng tôi mong người dân Bình Định thông cảm và sẽ ưu tiên giảm giá các dự án đó", ông Thể nêu rõ.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm tranh luận, Bộ trưởng nói hành động dựa trên lợi ích của người dân nhưng thực thế chưa thấy thể hiện việc đó. Trong số 17 trạm thu phí đặt sai vị trí, việc giải quyết thời gian qua chỉ toát lên một điều, nếu dân không chịu thì lại dừng thu phí, bổ sung ưu đãi, dân chịu thì thu, sau không chịu nữa thì lại dừng thu. Vậy có phải là hành động vì lợi ích của dân không. Trong khi 17 dự án trong số đó đều là chỉ định thầu?

Theo giải thích của ông Thể, 3 dự án có trạm thu phí nằm ngoài phạm vi dự án thì có dự án là do lịch sử để lại, đã làm thời gian lâu rồi. Khi ông về Bộ thì phải tiếp nhận những dự án đó. Ví dụ trạm bắc Thăng Long – Nội Bài, Bộ thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Còn với những dự án gần đây, các bên có liên quan cho rằng trạm thu phí đặt ở vị trí đó là hợp lý và nếu muốn di dời thì phải có tham mưu Chính phủ, có một khoản kinh phí để bù cho nhà đầu tư BOT.

Đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng rất quan trọng nhưng vì vốn đầu tư lớn nên phải huy động vốn BOT và nhà nước phải bù thêm nên phải lập trạm thu phí ở cả bên Quốc lộ 5 cũ.

Toàn bộ những việc này đều thực hiện theo đúng trình tự thủ tục của pháp luật và có sự cộng đồng trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương, không chỉ là Bộ giao thông.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về các vấn đề liên quan đến nhóm nội dung chất vấn tại kỳ họp thứ 5. Một trong những vấn đề được quan tâm nhất là việc xử lý những trạm BOT đặt sai vị trí, theo Người lao động.

Báo cáo cho biết hiện có 88 trạm BOT trên các tuyến quốc lộ (QL), trong đó Bộ GTVT quản lý 73 trạm. Trong những trạm do Bộ GTVT quản lý, 17 trạm có những bất cập về vị trí đặt trạm, cần có giải pháp xử lý.

Theo phương án xử lý của Bộ GTVT, 3 trạm BOT nằm ngoài phạm vi dự án: trạm Cầu Rác (Hà Tĩnh), trạm Tào Xuyên (Thanh Hóa), trạm Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội) thì kiến nghị giữ nguyên vị trí đặt trạm.

Về phương án với 6 trạm BOT đặt trên tuyến chính hoàn vốn cho dự án đầu tư nâng cấp tuyến chính và xây dựng tuyến tránh (trạm Nam Cầu Giẽ, trạm Bến Thủy, trạm Quán Hàu, trạm Trảng Bom, trạm tuyến tránh TP Sóc Trăng, trạm Cai Lậy), Bộ GTVT cho biết hiện 5/6 trạm đã giảm giá cho các phương tiện, tình hình thu giá ổn định.

Riêng trạm BOT Cai Lậy, hiện đang tạm dừng thu. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ đã tập trung nghiên cứu 2 phương án xử lý: thứ nhất, giữ nguyên vị trí trạm như hiện nay, thực hiện giảm giá chung cho tất cả các phương tiện và mở rộng tối đa phạm vi giảm giá cho người dân quanh trạm. Thứ hai, xây dựng thêm 1 trạm ở trên tuyến tránh, thu trên cả 2 trạm, phương tiện đi trên tuyến nào, doanh thu sẽ hoàn vốn cho tuyến đó.

"Trên cơ sở 2 phương án nêu trên, bộ và UBND tỉnh Tiền Giang sẽ thống nhất với các bộ, ngành rà soát, lựa chọn phương án triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng" - Bộ GTVT cho hay.

Đối với 6 trạm BOT thu trên cả tuyến QL và cao tốc khi đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc và cải tạo QL song hành thuộc 4 dự án (QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình, QL3 Thái Nguyên - Chợ Mới, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), Bộ GTVT cho biết dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp cải tạo QL3 (1 trạm trên QL3 và 1 trạm trên tuyến cao tốc), trước mắt cho phép nhà đầu tư thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên tuyến cao tốc. Trên cơ sở số liệu doanh thu thực tế trong 3 tháng sẽ tính toán các phương án xử lý, thống nhất với UBND tỉnh Thái Nguyên để báo cáo Thủ tướng.

Đối với 3 dự án còn lại (QL6, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), theo tính toán, nếu bỏ trạm trên các tuyến QL, phương án tài chính các dự án sẽ không khả thi, nhà nước phải bố trí ngân sách để bù phần thiếu hụt lên đến khoảng 21.000 tỉ đồng (riêng QL5 khoảng 16.000 tỉ đồng). "Trong điều kiện ngân sách nhà nước khó khăn như hiện nay, phương án này không khả thi, kiến nghị tiếp tục thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ tại các trạm này" - Bộ GTVT cho biết.

Riêng 2 trạm La Sơn - Túy Loan và Nam Hải Vân (cách trạm Bắc Hải Vân khoảng 12 km) thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn dự án đầu tư xây dựng hầm Đèo Cả (hạng mục hầm Hải Vân), bộ sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng không lập trạm La Sơn - Túy Loan, nhà nước bố trí nguồn vốn để hỗ trợ nếu cần; gộp trạm Nam Hải Vân thu chung với trạm Bắc Hải Vân do cự ly quá gần.


Xem thêm: CSGT bị thu phí 100K khi đi qua BOT cấp bản

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN