Thứ bảy, 20/04/2024 | 05:46
RSS

Hé lộ lãi “khủng” của Cường Thuận IDICO từ những dự án BOT “tai tiếng”

Thứ sáu, 01/06/2018, 13:08 (GMT+7)

Dù nhiều dự án BOT do Công ty Cường Thuận IDICO đầu tư như dự án BOT tuyến tránh Biên Hòa - Đồng Nai hay dự án BOT Quốc lộ 91 đều vướng phải những “lùm xùm”. Song trong năm 2017, những dự án này đã mang về cho Cường Thuận tổng cộng 473 tỷ đồng doanh thu và 316 tỷ đồng lãi ròng.


Cường Thuận IDICO hiện là chủ đầu tư của nhiều dự án BOT ở khu vực phía Nam (Ảnh minh họa)

18 năm, tăng vốn gấp gần 140 lần

Công ty CP Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO (CTI) tiền thân là Công ty TNHH Cường Thuận được thành lập năm 2000 với số vốn ban đầu chỉ hơn 4,6 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất cấu kiện bê tông.

Ngày 19.9.2007, công ty đã chính thức chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần với số vốn điều lệ đăng ký 104,6 tỷ đồng.

Tới năm 2016, Cường Thuận đã tăng vốn điều lệ lên gần 430 tỷ đồng. 1 năm sau, năm 2017, tổng tài sản của Cường Thuận đã đạt 4.302 tỷ đồng, vốn điều lệ gần 630 tỷ đồng.

Hé lộ lãi khủng của Cường Thuận IDICO từ những dự án BOT tai tiếng
Nợ phải trả của Cường Thuận IDICO

Tuy nhiên, trong cơ cấu tài sản của Cường Thuận IDICO (CTI) tới cuối năm 2017, không khó để nhận ra vấn đề khi tiền và các khoản tương đương tiền của Cường Thuận dù tăng khoảng 7,1% từ 253,8 tỷ đồng lên 271,02 tỷ đồng song khoản mục tiền lại giảm khoảng 8,2% từ 82,1 tỷ đồng xuống 75,3 tỷ đồng.

Đáng chú ý, các khoản phải thu ngắn hạn của Cường Thuận lại tăng đột biến 63,3%. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn khách hàng tăng từ 53,2 tỷ đồng lên 93,6 tỷ đồng, tương đương 75,9%. Còn khoản mục trả trước cho người bán ngắn hạn cũng tăng khoảng 77% từ 35,3 tỷ đồng lên 62,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, tại ngày 31.12.2017, trong khi tài sản ngắn hạn của công ty chỉ đạt 678,7 tỷ đồng thì nợ ngắn hạn của Cường Thuận đã là 688,4 tỷ đồng. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm tới 54%. Tuy nhiên, số chênh lệch giữa hai khoản mục nêu trên đã được rút ngắn đáng kể nếu so sánh với thời điểm cuối năm 2016, khi tài sản ngắn hạn của Cường Thuận mới chỉ đạt khoảng 468 tỷ đồng thì nợ ngắn hạn của công ty này đã lên tới 612,6 tỷ đồng, gấp 1,3 lần.

Thế chấp nguồn thu từ BOT để vay hàng nghìn tỷ

Trước đó, theo báo cáo tài chính kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 của Cường Thuận IDICO, lợi nhuận sau thuế trong kỳ của công ty đạt 76 tỷ đồng, tăng 18 tỷ đồng, tương ứng 31% so với 6 tháng đầu năm 2016.

Về giá trị tương đó, con số 31% cho thấy tốc độ tăng khá nhanh. Tuy nhiên, xét về giá trị tuyệt đối, 76 tỷ đồng là con số khá khiêm tốn so với vốn điều lệ 630 tỷ đồng vào thời điểm đó của Cường Thuận. Khoản lợi nhuận này chỉ bằng 74,5% chi phí lãi vay mà Cường Thuận IDICO phải chi trả trong 6 tháng đầu năm 2017.

Cụ thể, chi phí lãi Cường Thuận IDICO phải trả trong 6 tháng đầu năm 2017 là 102,4 tỷ đồng, tăng 26,3 tỷ đồng, tương ứng 34,6% so với 6 tháng đầu năm 2016. Khoản chi phí này đến từ khoản nợ khổng lồ của công ty.

Hé lộ lãi khủng của Cường Thuận IDICO từ những dự án BOT tai tiếng
Không ít dự án của Cường Thuận được mang đi thế chấp để vay vốn (Ảnh minh họa)

Tại thời điểm cuối quý 2 năm 2017, nợ phải trả của công ty là 2.953,6 tỷ đồng, cao gần gấp 5 lần vốn góp chủ sở hữu. Trong đó, tổng nợ vay và thuê tài chính đạt 2.590 tỷ đồng, chiếm 87,7% tổng nợ phải trả của Cường Thuận IDICO.

Để vay được số tiền khổng lồ như vậy, Cường Thuận IDICO đã phải thế chấp nhiều tài sản. Để giải ngân được khoản vay 215,2 tỷ đồng từ ngân hàng Công Thương Nhơn Trạch, công ty phải thế chấp quyền thu phí phát sinh từ từ Hợp đồng BOT - tuyến tránh Quốc lộ 1A, nguồn thu phát sinh từ phần bàn giao lại cho địa phương thuộc dự án đầu tư Khu tái định cư xã Bình Minh, huyện Trảng Bom và phần bàn giao lại cho thành phố thuộc Khu tái định cư tại xã Phước Tân, thành phố Biên Hòa.

Công ty cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang, công ty con của Cường Thuận IDICO cũng vay ngân hàng Công Thương Nhơn Trạch 15,2 tỷ đồng với lãi suất 9%/năm. Để có được khoản vay này, công ty thế chấp quyền thu phí, máy móc thiết bị và tài sản hình thành từ khoản vay này.

Lợi nhuận “khủng” từ những dự án BOT “tai tiếng”

Trong chiến lược phát triển của Cường Thuận, BOT tiếp tục là một mảng quan trọng. Doanh nghiệp này hiện đang triển khai dự án BOT Nút giao 319 và Cao tốc TP. HCM - Long Thành có tổng mức đầu tư 700 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2018, cùng một vài dự án BOT, BT nhỏ khác.

Theo báo cáo tài chính của Cường Thuận IDICO, tổng doanh thu trong năm 2017 của công ty đạt 1.100 tỷ đồng, tăng 8,4% so với năm 2016. Cộng thêm giá vốn hàng bán giảm giúp Cường Thuận IDICO ghi nhận lãi sau thuế 158,3 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ, trong đó quý IV ghi nhận mức tăng mạnh nhất, lên tới 87%.

Hé lộ lãi khủng của Cường Thuận IDICO từ những dự án BOT tai tiếng
Doanh thu của Cường Thuận IDICO từ một số dự án BOT

Trong đó, doanh thu từ các dự án BOT tiếp tục dóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của Cường Thuận IDICO.

Năm 2017, việc trạm BOT Biên Hoà bị phản đối gay gắt và phải tạm thời đóng trạm, sau đó giảm phí khiến Cường Thuận IDICO chỉ thu về 257,7 tỷ đồng doanh thu, giảm 12% so với năm 2016.

Bù lại, BOT Quốc lộ 91 và BOT Tỉnh lộ 16 lại ghi nhận mức tăng trưởng mạnh, với doanh thu tăng lần lượt từ 66 tỷ đồng lên 157 tỷ đồng, 53 tỷ đồng lên 58,3 tỷ đồng.

Tổng cộng, 3 dự án BOT mang về cho Cường Thuận IDICO 473 tỷ đồng doanh thu và 316 tỷ đồng lãi ròng trong năm 2017. Tỷ suất lãi trên doanh thu mảng BOT của Cường Thuận khá cao, lên tới 67%.

Hé lộ lãi khủng của Cường Thuận IDICO từ những dự án BOT tai tiếng
Hiệu quả đầu tư kinh doanh của Cường Thuận IDICO năm 2017

Song hành cùng doanh thu khủng, các dự án BOT do Cường Thuận IDICO làm chủ đầu tư cũng để lại nhiều “lùm xùm”.

Dự án BOT đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 91 của Liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Cường Thuận IDICO và Tổng Công ty Cổ phần phát triển khu công nghiệp là nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án là Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ – An Giang mới đây đã bị Kiểm toán Nhà nước xác định lại thời gian thu phí hoàn vốn giảm từ 23 năm 5 tháng 8 ngày xuống còn 19 năm 0 tháng 5 ngày, giảm tương ứng 4 năm 5 tháng 3 ngày so với phương án tài chính ban đầu.

Ngoài ra, KTNN kiến nghị giảm quyết toán chi phí GPMB, tái định cư tổng số tiền hơn 52,1 tỷ đồng, trong đó: Chi phí bồi thường, GPMB hơn 20,6 tỷ đồng; chi phí bồi thường di dời công trình HTKT hơn 23,5 tỷ đồng; chi phí bồi thường và tái định cư hơn 6,1 tỷ đồng; chi phí đo đạc lập bản đồ địa chính hơn 1,9 tỷ đồng.

Ngoài giảm quyết toán chi phí GPMB, đối với doanh nghiệp dự án (Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ - An Giang), KTNN kiến nghị xử lý tài chính giảm quyết toán chi phí đầu tư thực hiện số tiền hơn 44,8 tỷ đồng bao gồm: Chi phí xây dựng gần 33,7 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án gần 1,3 tỷ đồng; chi phí tư vấn gần 0,45 tỷ đồng và các chi phí khác hơn 9,35 tỷ đồng.

Hé lộ lãi khủng của Cường Thuận IDICO từ những dự án BOT tai tiếng
Ở thời điểm tháng 5.2017, bà Võ Minh Thùy, con gái Thượng tá Võ Đình Thường là cổ một cổ đông của Cường Thuận IDICO với số cổ phần nắm giữ là 615.400 cổ phần

Một dự án BOT khác của Cường Thuận là BOT tuyến tránh Biên Hòa - Đồng Nai cũng từng gây ra nhiều bức xúc khi vào tháng 10.2017, nhiều tài xế đã dùng tiền lẻ mua vé qua trạm để phản ứng vì cho rằng trạm đặt sai chỗ, dẫn tới trạm này phải ngưng hoạt động.

Ngay sau đó, Thượng tá Võ Đình Thường (Phó Phòng CSGT Đường bộ, Đường sắt, PC67, Công an tỉnh Đồng Nai) đã ký giấy mời một số tài xế dùng tiền lẻ trả phí BOT Biên Hòa - Đồng Nai lên làm việc.

Cũng liên quan tới sự việc này, bà Võ Minh Thùy, con gái Thượng tá Võ Đình Thường ở thời điểm tháng 5.2017 là cổ một cổ đông của Cường Thuận IDICO với số cổ phần nắm giữ là 615.400 cổ phần, chiếm 0,98% tỷ lệ sở hữu công ty.


Xem thêm: CSGT bị thu phí 100K khi đi qua BOT cấp bản

Hoàng Nhật
Theo báo Dân việt