Thứ bảy, 04/05/2024 | 15:45
RSS

Công khai thu - chi BOT không khó nhưng 'xin chờ tới cuối năm'

Thứ hai, 04/06/2018, 14:59 (GMT+7)

Đầu giờ chiều nay, 4/6 Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội. Ông Thể cho biết công khai thu - chi BOT không khó nhưng 'xin chờ tới cuối năm'.

ông Nguyễn Văn Thể khẳng định Công khai thu - chi BOT không khó nhưng xin chờ tới cuối năm
Ông Nguyễn Văn Thể: Công khai thu - chi BOT không khó nhưng 'xin chờ tới cuối năm'. Ảnh TTO

Trong phiên chiều nay 4/6 khi trả lời câu hỏi về "phí chồng phí" liên quan đến dự án BOT, ông Nguyễn Văn Thể cho rằng, trách nhiệm Nhà nước là cung cấp hệ thống hạ tầng, nhưng ngân sách không đủ phát triển, nâng cấp mở rộng hệ thống đường bộ nên Nhà nước kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao, Vnexpress đưa tin.

"Nhà nước đặt hàng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công. Khi doanh nghiệp bỏ tiền ra kinh doanh thì được hưởng chính sách", ông Thể nói.

Người dân nộp phí Quỹ bảo trì đường bộ và Quỹ này có trách nhiệm đảm bảo giao thông cho đường quốc gia, địa phương; các nhà đầu tư thì có trách nhiệm sửa chữa đường BOT, nếu không đảm bảo chất lượng thì Bộ Giao thông sẽ yêu cầu dừng, không cho thu phí.

Đại biểu Phùng Văn Hùng nêu chất vấn vì sao chi phí dành cho phát triển đường sắt quá thấp? Bộ trưởng Giao thông Nguyễn Văn Thể khẳng định không có phân biệt đối xử trong phát triển đường sắt với các loại hình giao thông khác.

"Đường sắt hay đường bộ đều quan tâm như nhau, nhưng dự án đường sắt kinh phí cao, để hình thành một đoạn tuyến cần kinh phí lớn. Chúng tôi sẽ chọn những đoạn tuyến tốt đề đầu tư và đưa ra giải pháp cùng địa phương quản lý hành lang giao thông", ông nêu.

Phần trả lời này không nhận được sự đồng tình của đại biểu. Ông Phùng Văn Hùng "truy" tiếp, thời gian qua đầu tư cho đường sắt chỉ chiếm 2-3% trong tổng đầu tư của ngành, "Bộ trưởng cần giải thích nguyên nhân đầu tư cho đường sắt thấp?".

Bộ trưởng Thể nói thêm, nhiều năm qua lãnh đạo ngành giao thông trăn trở cố gắng duy trì đường sắt hiện nay và phát triển, xây dựng dự án mới. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành giao thông, nếu không thông qua dự án đường sắt tốc độ cao thì cũng khó giải quyết căn cơ bài toán của đường sắt Việt Nam  

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Phước Lộc đề nghị Bộ trưởng Giao thông minh bạch thu - chi trong khai thác BOT. 

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói "hiện Bộ phải tập trung quyết toán công trình. Sau quyết toán sẽ có thiết kế đồng bộ, thời gian thu phí chuẩn, đảm bảo giám sát chặt chẽ. Quyết toán xong sẽ công khai". Hiện Bộ đang đề nghị chính quyền địa phương khẩn trương hoàn thành quyết toán các dự án đã làm xong.

Ông Thể cũng cho rằng, khi triển khai hệ thống thu phí tự động năm 2019 thì số thu của các trạm BOT sẽ được minh bạch.

Tuy nhiên, đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương băn khoăn về phần trả lời của Bộ trưởng Thể. Bà đặt câu hỏi "Bộ trưởng cho hay vì sao chưa quyết toán? Lâu nay dựa vào đâu xác định giá thu phí? Phải chăng đang áng chừng mức thu? Khi nào việc quyết toán được hoàn tất?".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải thích, một dự án đầu tư thấp nhất 15 năm, cao nhất 20 năm. Dự án đã đầu tư, nghiệm thu chỉ còn khâu quyết toán, do đó toàn bộ quyết toán của nhà đầu tư trình lên có thể không chính xác 100% song "không thể dừng thu phí do họ đã đầu tư toàn bộ, nếu không sẽ phát sinh lãi đầu tư".

"Chúng ta đã ký hợp đồng ban đầu, nên tích cực quyết toán thì sau khi xong sẽ điều chỉnh lại hợp đồng chính thức. Hiện nay các trạm BOT vẫn nằm trong thời gian thu phí và Bộ linh động để nhà đầu tư thu phí", ông Thể nói và không quên khẳng định "quyết tâm đẩy nhanh quyết toán các trạm BOT trong thời gian nhanh nhất".

Vẫn chưa hài lòng, bà Đàng Thị Mỹ Hương hỏi tiếp: có khó khăn gì không Bộ Giao thông không công khai mức thu, chi mỗi ngày của các trạm BOT trên bảng điện tử?

Cho hay việc công khai này không hề khó, song Bộ trưởng Thể mong cử tri, người dân chờ đợi thêm tới cuối năm khi hệ thống thu phí tự động được đưa vào sử dụng tại một số trạm trên Quốc lộ 1, lúc đó các con số thu - chi sẽ "không thể ai can thiệp".

Trước đó, sáng 4/6, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 bắt đầu phiên chất vấn, trả lời chất vấn với phần mở đầu của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. Đây là lần đầu tiên ông Thể đăng đàn trả lời chất vấn trong vai trò tư lệnh ngành giao thông vận tải.

Trong sáng nay, có 30 đại biểu chất vấn, 20 lượt đại biểu tranh luận, còn 28 đại biểu đăng ký. Trong thời gian từ 8h30-11h30, các đại biểu Quốc hội đã đặt nhiều câu hỏi với người đứng đầu ngành Giao thông vận tải về các nhóm vấn đề liên quan đến dự án BOT, trong đó, có vấn đề đấu thầu, thu phí, giá, kết quả kiểm toán…, các vấn đề về đầu tư công trình giao thông, vấn đề đường sắt…

Theo Tuổi trẻ, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TP.HCM) hỏi về chất lượng ngành đường sắt hiện nay quá tải, nhiều tai nạn xảy ra? 

Hiện có một số vụ tai nạn giao thông theo bộ trưởng Thể, thì là do có quá nhiều đường giao cắt và những đường giao cắt này luôn tiềm ẩn tai nạn.

"Có biển cảnh báo tuy nhiên dù có cảnh báo thì ý thức chấp hành của người dân chưa nghiêm nên vẫn có nhiều tai nạn xảy ra, đây là nguyên nhân của các vụ việc gần đây", ông Thể nói.

Về lâu dài, bộ trưởng Thể nói rằng đã cam kết với các địa phương về việc tăng cường trách nhiệm, trong đó tập trung tự động hoá các điểm giao cắt, quy trách nhiệm cụ thể. Hiện Bộ cũng đã làm tờ trình để năm 2019 trình Quốc hội cho ý kiến về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhắc lại là tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội đã đồng ý dùng 15.000 tỉ đồng trong giai đoạn trung hạn 2016-2020 để bổ sung đầu tư cho giao thông, trong đó có 7.000 tỉ cho đường sắt.

"Đề nghị bộ trưởng về triển khai", Chủ tịch Quốc hội nói.


Xem thêm: Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Nhiều trạm BOT sai vị trí, mong cử tri thông cảm. 

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN