Không ít bậc phụ huynh đã rất bối rối và “đau đầu” khi con em mình bước vào tuổi dậy thì. Từ một đứa trẻ phụ thuộc hoàn toàn vào bố mẹ, ở tuổi dậy thì trẻ thể hiện tính tự chủ trong suy nghĩ và hành động.
Trẻ bắt đầu hình thành tính tự lập, tách khỏi cha mẹ, ít tham gia các hoạt động cùng cha mẹ, miễn cưỡng chấp nhận lời khuyên của cha mẹ. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Minh Loan – Phụ trách khoa sức khỏe Vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương), ở giai đoạn từ 14 đến 16 tuổi những mâu thuẫn của trẻ với cha mẹ ngày càng gay gắt.
Còn từ 17 đến 19 tuổi, lúc này trẻ có ý thức trở lại những giá trị lời khuyên của cha mẹ, tôn trọng hiểu biết hơn với những kinh nghiệm của cha mẹ truyền thụ lại.
Thay đổi dễ nhận thấy nhất ở tuổi dậy thì đó là việc phát triển về hình thể và kéo theo đó là những thay đổi về tâm sinh lý. Trẻ dễ rơi vào trạng thái lo lắng, buồn rầu về những nhược điểm của cơ thể hoặc hay so sánh mình với những bạn cùng trang lứa…
Trẻ cũng bắt đầu mở rộng quan hệ xã hội chơi theo nhóm bạn và chịu ảnh hưởng của nhóm bạn cùng chơi. Thay đổi cần chú ý nhất trong quan hệ bạn bè đó là giai đoạn từ 14 đến 16 tuổi trẻ bắt đầu chơi với những nhóm bạn khác giới, bắt đầu có quan hệ lãng mạn, hẹn hò và thử nghiệm tình dục.
Tuổi này, trẻ cũng bắt đầu thay đổi về nhận thức. Đây là giai đoạn tích lũy nhanh và mạnh các kinh nghiệm, kỹ năng sống và khả năng tư duy, phân tích những tình huống ngày một phát triển. Ví dụ như khả năng nhận thức được cảm xúc của bản thân với những người khác, chỉ số thông minh và sáng tạo tăng nhanh trong giai đoạn từ 14 đến 16 tuổi. Đặc biệt đề cao giá trị bản thân nên dễ dẫn đến hành vi, nguy cơ tự tử, trầm cảm, nghiện thuốc…
Với tất cả những thay đổi về mặt tâm lý trên, bác sĩ Minh Loan cho rằng ở giai đoạn này mỗi người mẹ ngoài trách nhiệm chăm sóc, bảo ban…thì cần là một người bạn của con, nắm bắt thay đổi về tâm lý của con từ đó để chia sẻ, đồng cảm và hướng những suy nghĩ của con sao cho tích cực nhất.
Có rất nhiều bậc cha mẹ do mải làm ăn và ít quan tâm đến con, đặc biệt là những đứa trẻ đang ở tuổi mới lớn. Có những phụ huynh lại chủ quan với những thay đổi tâm tính và luôn nghĩ rằng, tuổi dậy thì nó “ương ương dở dở” như vậy.
Khi thấy con tỏ ra lập dị và khó hiểu, con có biểu hiện thích tự cô lập và sợ sự ồn ào, muốn lẩn tránh người khác, dễ cáu gắt… vẫn nghĩ rằng đó là tâm lý của tuổi mới lớn. Điều rất đáng lo ngại, chính đây cũng là biểu hiện của người nghiện ma túy.
Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” do Viện PSD biên soạn đã cơ bản hoàn thiện
Cách đây ít năm, một vụ án giết người cướp xe taxi khiến dư luận xã hội rúng động xảy ra tại tỉnh Hòa Bình. Hung thủ gây án là Bùi Văn Hiền (sinh năm 1999) Bùi Văn An (SN 1997). Đây là 2 đối tượng nghiện ma túy. Chúng thực hiện hành vi tội ác để cướp tài sản, lấy tiền tiêu xài.
Trong vụ án này, đối tượng Bùi Văn Hiền ở thời điểm đó chưa đến 20 tuổi. Hoàn cảnh gia đình Hiền khá khó khăn. Bố mất, mẹ và anh trai phải tha phương làm ăn. Bà Bùi Thị Phợt, mẹ Hiền khi nghe tin con bị bắt không biết vì chuyện gì, đã bỏ công việc phụ hồ tận Bắc Ninh về quê. Về đến nhà, bà đổ gục khi biết con là nghi phạm giết người.
Người mẹ khốn khổ nói rằng, con bà vốn dĩ ngoan, nhưng chơi với bạn xấu rồi nghiện lúc nào không hay. “Nuôi con đến tầm này rồi mà vẫn không lường trước được việc con hư nhanh đến thế. Cô khổ lắm cháu à”, bà Phớt nghẹn ngào chia sẻ với PV. Cũng theo bà Phợt, bà cũng thấy con đổi khác nhưng… không ngờ con nghiện ma túy. “Thấy nó hay ngáp ngủ, suốt ngày đi chơi, tóc tai bù xù, tôi hỏi thì cháu cứ lảng tránh”, người mẹ nghèo chia sẻ.
Cũng như gia đình bà Phợt, anh Bùi Xuân Trường và chị Bùi Thị Nguyệt – mẹ nghi phạm Bùi Văn An cũng rất sốc khi biết con gây tội ác. Theo anh Trường, con trai anh từng là đứa nhút nhát, ngoan ngoãn. Đến khi anh sốc nặng khi phát hiện đứa “con ngoan” đang sự dụng ma túy. Dù biết con đã sa chân vào con đường nghiện ngập nhưng anh cũng không thể tưởng tượng con lại dám gây ra tội ác tày trời.
Trong câu chuyện của 2 gia đình bà Phợt và anh Trường đều có một điểm giống nhau là họ đều nghĩ con mình là những đứa trẻ ngoan hiền. Khi thấy con có những biểu hiện thay đổi đã chủ quan bỏ qua để rồi hậu quả đau lòng ập đến thì ai cũng sốc, đau lòng nhưng đã quá muộn màng.
Từ vụ việc cụ thể trên có thể thấy, “lỗ hổng” nhận thức về ma túy đã và đang trực tiếp hoặc gián tiếp đẩy những người trẻ, trong đó có các em học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường sa chân vào tệ nạn ma túy. Nhiều phụ huynh vì thiếu kiến thức về ma túy và những kỹ năng liên quan đến việc hỗ trợ con/em mình phòng, chống ma túy cũng chưa thực sự hiệu quả.
Hiểu rõ điều này, Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) đã phát triển và biên soạn Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy”. Bộ tài liệu gồm 4 cuốn, trong đó có 1 cuốn dành riêng cho các bậc phụ huynh. Mỗi cuốn sách đều trang bị cho người đọc những kiến thức cơ bản và kỹ năng xử lý các tình huống nguy cơ liên quan đến ma túy
Đến nay, Bộ tài liệu về cơ bản đã hoàn thiện và được Bộ giáo dục và Đào tạo thẩm định. Bộ tài liệu được kỳ vọng như một bước ngoặt mới trong công tác phòng, chống ma túy; nâng cao nhận thức về phòng, chống ma túy cho cộng đồng.