Trao đổi với báo VTC News, ông Phạm Văn Lào (Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Đắk Lắk) vừa xác nhận tại địa phương đã có một trường hợp trẻ tử vong do bệnh tay chân miệng Bệnh nhi tử vong là cháu Êban Lý My A. (25 tháng tuổi, trú thị trấn Krông Kma, huyện Krông Bông).
Theo thông tin ban đầu, ngày 12/11, gia đình phát hiện cháu Êban Lý My A. có biểu hiện sốt cao liên tục, nổi mụn nước ở lòng bàn tay, chân nên đã ra hiệu thuốc, tự mua thuốc để về chữa trị. Tuy nhiên, bệnh không thuyên giảm.
3 ngày sau, cháu bé được đưa lên bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk chữa trị. Bác sĩ chẩn đoán cháu mắc bệnh tay chân miệng phân độ 2B, nhóm 1. Qua 1 ngày chữa trị tại bệnh viện, cháu A. trở bệnh nặng độ 4, nằm li bì, môi tím, da tái nhợt, nhịp thở không đều.
Thậm chí, bệnh nhi còn có cơn ngừng thở ngắn, trương lực cơ giảm. Ngay sau đó, cháu bé được đưa xuống bệnh viện TP.HCM để điều trị. Tuy nhiên, vì bệnh chuyển biến xấu nên nạn nhân đã tử vong trên đường đi.
Bác sĩ Lào thông tin thêm, sau khi phát hiện vụ việc, Viện vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên đã xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của cháu Êban Lý Mỹ A., kết quả dương tính với Enterovirus 71 (EV71). Đây là chủng virus gây ra đến 80% các biến chứng nặng ở trẻ bị bệnh tay chân miệng.
"Chúng tôi đã phối hợp các cơ quan chức năng liên quan xuống kiểm tra trường của cháu Êban Lý Mỹ A., thăm khám học sinh tại đây. Đồng thời, chỉ đạo phun thuốc khử trùng tại trường và nơi sinh sống của nạn nhân", bác sĩ Lào nói.
Trước tình hình bệnh tay chân miệng diễn biến nghiêm trọng như vậy, phụ huynh cần biết cách nhận biết dấu hiệu và cách chăm sóc trẻ khi bị bệnh. Bệnh tay chân miệng ở trẻ em có nhiều dầu hiệu nhận biết rõ ràng.
Triệu chứng ban đầu là trẻ sốt, loét miệng, nổi hồng ban có bóng nước ở bàn tay, bàn chân, gối hoặc mông. Khi bệnh nặng hơn, trẻ sốt cao, quấy khóc liên tục, khó ngủ hoặc ngủ li bì, giật mình, hốt hoảng, chới với, run giật tay chân, co giật, nôn ói nhiều, bỏ bú, yếu liệt tay chân, da nổi bông.
Khi thấy trẻ có những dấu hiệu sốt hay nổi bóng nước ở bàn tay bàn chân, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay. Nếu trẻ được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng, cần cách ly trẻ ngay và thông báo cho địa phương để có biện pháp khử khuẩn môi trường xung quanh, hạn chế tối đa khả năng lây lan bệnh tạo nên ổ dịch.
Nếu trẻ đang đi học, ngoài địa phương, cha mẹ còn cần thông báo cho trường học để nhà trường cũng có biện pháp vệ sinh, khử khuẩn trường lớp kịp thời, thậm chí cho học sinh nghỉ học tạm thời nếu có nhiều trẻ bị biến chứng nặng, đồng nghĩa với việc phát hiện một ổ dịch ngay tại trường.
Trong mọi trường hợp, cần tuân thủ yêu cầu của bác sĩ. Nếu bác sĩ xác định bệnh ở thể nhẹ thì cho bé về nhà theo dõi và nhất thiết phải tái khám theo lịch hẹn. Nếu bác sĩ cân nhắc thấy cần nhập viện, hãy nhập viện ngay để trẻ được theo dõi trong môi trường bệnh viện.
Dù được về nhà cũng phải theo dõi trẻ và khám lại ngay nếu có dấu hiệu trở nặng. Đặc biệt theo dõi giấc ngủ và cơn giật mình ở trẻ, nếu có. Đây là hai dấu hiệu quan trọng cho thấy trẻ bị biến chứng nặng.
Khi trẻ bệnh, phải có chế độ chăm sóc hợp lý. Không nên kiêng tắm, ngược lại phải giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, tắm trong phòng kín gió với xà phòng sát khuẩn (sữa tắm có thể không đủ khả năng diệt khuẩn). Nên vệ sinh răng lưỡi cho trẻ hằng ngày. Với trẻ lớn, cho trẻ súc miệng bằng nước muối.
Về dinh dưỡng, cho trẻ ăn đầy đủ 4 nhóm chất, uống sữa, ăn cháo bình thường, tăng cường uống nước hoa quả để bổ sung vitamin cho trẻ, báo VnExpress cho hay.