Thứ sáu, 13/09/2024 | 17:29
RSS

Ăn dặm bằng cháo lươn, bé trai 8 tháng tuổi suýt mất mạng

Chủ nhật, 12/07/2020, 13:58 (GMT+7)

Bé trai nhập viện trong tình trạng khò khè 10 ngày, điều trị nội khoa không giảm. Người nhà cháu bé cho biết, bé tập ăn dặm từ 6 tháng tuổi và thỉnh thoảng có ăn cháo lươn.

Sự kiện:
Hóc dị vật

Ăn dặm bằng cháo lươn, bé trai 8 tháng tuổi suýt mất mạng

Mảnh xương được lấy ra từ ổ áp xe của cháu bé. Ảnh: VTV News

Tối ngày 11/7, theo nguồn tin từ VTV News, bác sĩ Nguyễn Hiền, khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM) cho biết vừa qua khoa Hô hấp 1 của Bệnh viện đã kịp thời phẫu thuật cứu một trường hợp bệnh nhi bị hóc dị vật rất nguy hiểm.

Cụ thể, bệnh nhi là cháu N.T.L. (8 tháng tuổi, ngụ Tiền Giang) nhập viện trong tình trạng khò khè 10 ngày, điều trị nội khoa không giảm. Qua khai thác bệnh sử bệnh nhi, người nhà cháu bé cho biết, bé L. tập ăn dặm từ 6 tháng tuổi và thỉnh thoảng có ăn cháo lươn.

Tại bệnh viện, qua phim X-Quang ghi nhận bóng tim to hơn bình thường. Bệnh nhi tiếp tục được chụp CTScan ngực kiểm tra, trên phim CTScan cho thấy bệnh nhi có khối áp xe lớn kéo dài từ vùng cổ - thành sau họng đến hết trung thất sau, có dị vật cản quang bên trong, ngay phía sau tim, nằm cạnh các mạch máu lớn và thực quản.

Dị vật cản quang bên trong nằm ngay phía sau tim, cạnh các mạch máu lớn và thực quản, có thể ảnh hưởng tính mạng bé bất cứ lúc nào. Trước tình hình này, các bác sĩ khoa Hô hấp 1 hội chẩn với bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp quyết định phẫu thuật nội soi lồng ngực khẩn cho cháu bé.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện khối áp xe phía sau trung thất chứa nhiều mủ đục, hút sạch mủ phát hiện 2 mảnh xương nằm trong ổ áp xe. Các bác sĩ đã tiến hành rửa sạch mủ, lấy dị vật và dẫn lưu trung thất. Hiện tại, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, tình trạng bệnh dần ổn định.

TS.BS Trần Thanh Trí, Trưởng Khoa Ngoai tổng hợp cho biết, trưởng ekip mổ cho biết, trường hợp bệnh nhi trên là do mảnh xương đâm thủng, xuyên qua thực quản vào trung thất tạo thành ổ áp xe, đe doạ tính mạng. Rất may được cứu chữa kịp thời nếu không hậu quả khó lường.

Hóc dị vật là một tai nạn thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là ở người già và trẻ nhỏ. Các bác sĩ khuyến cáo, tất cả mọi người cần ăn uống cẩn thận, không vừa ăn vừa nói chuyện. 

Đối với trẻ nhỏ thì cha mẹ nên chuẩn bị thức ăn cho các bé chu đáo, loại bỏ tối đa những thứ có thể khiến bé bị hóc khi ăn (xương cá, râu tôm…) . Trong trường hợp bị hóc dị vật người dân cần đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để được xử lý kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN