Thứ sáu, 22/11/2024 | 02:04
RSS

Nuốt khó khi ăn, người đàn ông phát hiện hai căn bệnh nguy hiểm

Thứ sáu, 10/07/2020, 12:03 (GMT+7)

Hai tháng gần đây, bệnh nhân xuất hiện tình trạng nuốt khó. Các triệu chứng tăng nặng kèm theo mệt mỏi khi gắng sức.

Sự kiện:
ung thư

Theo nguồn tin từ Zing và VTV News, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương (Hà Nội) cho biết vừa qua bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân là ông Trần Anh Đ. (66 tuổi, Nam Định) mắc hai căn bệnh cực kỳ nguy hiểm.

Bệnh án của ông Đ. cho thấy, hai tháng gần đây, bệnh nhân xuất hiện tình trạng nuốt khó. Các triệu chứng tăng nặng kèm theo mệt mỏi khi gắng sức. Do đó, ông Đ. đã đến bệnh viện khám.

Tại bệnh viện, sau khi thăm khám lâm sàng và làm các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán bị ung thư amidan. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt amidan kết hợp nạo vét hạch. 

Tuy nhiên, trong quá trình làm xét nghiệm đánh giá trước mổ, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị hẹp khít van động mạch chủ, nên chỉ định chuyển tuyến sang Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai để can thiệp.

GS.TS Nguyễn Lân Việt, Nguyên viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, chủ trì buổi hội chẩn và thống nhất hướng xử trí thay van động mạch chủ cho bệnh nhân. Việc này nhằm cải thiện các bệnh lý tim mạch, đảm bảo cho bệnh nhân đủ sức khỏe để tiếp tục cuộc đại phẫu thứ 2 là cắt amidan trái và nạo vét hạch cổ nhóm I, II, III.

Đối với bệnh lý hẹp khít động mạch chủ, sau khi bàn bạc và thống nhất, gia đình bệnh nhân Đ. quyết định phương án thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVI). 

Nuốt khó khi ăn, người đàn ông phát hiện hai căn bệnh nguy hiểm chết người

Bệnh nhân Đ. tỉnh táo sau phẫu thuật. Ảnh: Zing

PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia, trưởng kíp phẫu thuật, cho biết điều đặc biệt trong ca can thiệp này là bệnh nhân bị ung thư amidan. Vì vậy, để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho bệnh nhân, kíp can thiệp quyết định gây tê tại chỗ kết hợp an thần thay vì gây mê như thường lệ.

Theo PGS Hùng, đây là ca TAVI đầu tiên tại bệnh viện được áp dụng dưới sự hỗ trợ của gây tê tại chỗ. Lợi thế là giúp giảm thời gian tiến hành thủ thuật, nguy cơ phải dùng thuốc vận mạch trong quá trình tiến hành thay van, người bệnh hồi tỉnh ngay, tránh những biến chứng của việc thở máy xâm nhập,...

Sau khi thay van động mạch chủ qua ống thông, bệnh nhân đã tỉnh táo, tiếp xúc được. Một tuần sau đó, bệnh nhân có thể tiến hành phẫu thuật amidan theo chỉ định của chuyên khoa Tai Mũi Họng.

Các bác sĩ cho biết hẹp van động mạch chủ do thoái hoá van là bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là mệt, giảm khả năng gắng sức, đau ngực, khó thở. Hẹp van động mạch chủ khi đã biểu hiện triệu chứng thường có tiên lượng nặng nề, với tỷ lệ tử vong trong 2 năm lên tới 50%.

Chính vì vậy, khi xuất hiện những dấu hiệu đáng lo, bác sĩ khuyến cáo mọi người cần đến ngay các cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN