Thứ sáu, 19/04/2024 | 15:36
RSS

Cô gái Quảng Ninh suýt thủng mũi sau khi 'dao kéo' tại spa

Thứ sáu, 10/07/2020, 09:58 (GMT+7)

Khoảng 1 tháng sau khi nâng mũi, cô thấy mũi bỗng dưng sưng nề, đau nhức nhiều nên đến bệnh viện kiểm tra. Kết quả bệnh nhân được chẩn đoán áp xe vùng sống mũi và tiền đình mũi sau phẫu thuật nâng mũi.

Theo nguồn tin trên VTV New, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí (Quảng Ninh) cho biết vừa qua đã tiếp nhận một nữ bệnh nhân 19 tuổi ở thị xã Đông Triều bị nhiễm trùng mũi sau phẫu thuật nâng mũi bằng phương pháp đặt sụn silicon tại spa.

Bệnh nhân cho hay, khoảng 1 tháng sau khi nâng mũi, cô thấy mũi bỗng dưng sưng nề, đau nhức nhiều nên đến bệnh viện kiểm tra. Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy: Sống mũi, cánh mũi bệnh nhân sưng nề, chính giữa mũi ấn mềm lõm, ấn đau, có dịch. Bệnh nhân được chẩn đoán áp xe vùng sống mũi và tiền đình mũi sau phẫu thuật nâng mũi.

Cô gái 19 tuổi suýt mất mũi sau sau phẫu thuật nâng mũi bằng phương pháp đặt sụn silicon tại spa

Mũi của cô gái sưng nề sau phẫu thuật nâng mũi tại spa. Ảnh: VTV

Các bác sĩ đã tiến hành rút sụn silicon, bơm rửa vệ sinh hốc mũi hàng ngày. Sau theo dõi điều trị 7 ngày, tình trạng bệnh nhân đã ổn định, tránh được biến chứng nguy hiểm đó là nguy cơ thủng vách ngăn mũi.

Theo bác sĩ Uông Hồng Hợp, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí, tình trạng sưng và nhiễm trùng của bệnh nhân có thể do quá trình nâng mũi không đảm bảo vô khuẩn, hoặc kỹ năng của người được phép hành nghề chưa vững vàng.

Chia sẻ với Dân trí, Ths.BS Nguyễn Đình Minh, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình-Thẩm Mỹ và Hàm mặt, Bệnh viện E (Hà Nội) cho biết, phẫu thuật nâng mũi là phẫu thuật thường quy trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. 

Cách hay sử dụng nhất là phẫu thuật nâng sống mũi, đầu mũi bằng sụn silicon nhân tạo. Các bác sĩ sẽ bóc tách khéo léo khoang đặt sụn mũi ở ngay sát xương chính mũi. Do có chất liệu nhân tạo nên phẫu thuật đặt sống mũi có tỷ lệ nhiễm trùng nhất định, đặc biệt là được thực hiện tại các môi trường không đảm bảo vô trùng hoặc bản thân sụn mũi không được tiệt trùng đảm bảo.

Theo BS Minh, khi khoang đặt mũi bị nhiễm trùng, người bệnh sẽ thấy hiện tượng sưng, đỏ vùng gốc mũi hoặc trụ mũi, đau vùng nhiễm trùng, đau tự nhiên hoặc khi ấn nhẹ. Ngoài ra có thể chảy dịch vàng trong hoặc đục qua đường mổ, nếu nặng hơn thì đục lỗ ra vùng giữa sống mũi. Khi đã đục lỗ có thể tái đi tái lại nhiều lần, thoát mủ ra lại đỡ một thời gian. 

Với những trường hợp  bị nhiễm trùng như trên, hiếm trường hợp sử dụng kháng sinh có thể khỏi hẳn do nhiễm trùng vào khoang đặt chất liệu rất dai dẳng và tái phát nhiều lần. Do đó, các bác sĩ sẽ phẫu thuật tháo chất liệu là giải pháp tối ưu để điều trị nhiễm trùng, sau khi tháo 2-3 ngày mũi sẽ về bình thường. Nếu muốn nâng mũi lại, bệnh nhân có thể cân nhắc làm sau 1 năm, BS Minh cho biết.

Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ nếu có nhu cầu làm đẹp cần lựa chọn cơ sở được cấp phép của Bộ Y tế và phẫu thuật viên phải có giấy phép hành nghề về lĩnh vực thẩm mỹ để tránh những hậu quả khôn lường đến sức khoẻ bản thân.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN