Thứ năm, 21/11/2024 | 22:21
RSS

Ho ra máu tươi, cụ ông đi khám phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối

Thứ bảy, 11/07/2020, 10:01 (GMT+7)

Cụ ông bỗng dưng xuất hiện tình trạng ho ra máu đỏ tươi, số lượng ít, 1-2 lần/ngày. Kết quả đến khám tại bệnh viện cho thấy ông mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ di căn hạch, giai đoạn cuối.

Sự kiện:
Bệnh ung thư

Ho ra máu tươi, cụ ông đi khám phát hiện căn bệnh nguy hiểm chết người

Ho ra máu tươi là dấu hiệu điển hình của bệnh ung thư phổi. Ảnh minh họa

Theo nguồn tin trên Dân trí, PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, BV Bạch Mai vừa qua đã chia sẻ về ca bệnh mắc thư phổi sau 6 năm điều trị hiện bệnh ổn định tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu - Bệnh viện Bạch Mai.

Đó là trường hợp bệnh nhân Đỗ Hiển V., 73 tuổi ở Ba Đình, Hà Nội vẫn sốt tốt sau 6 năm điều trị ung thư phổi. Đến nay, sau 6 năm sức khỏe của ông V ổn định, không phát hiện bất thường khi siêu âm ổ bụng, xạ hình xương, xét nghiệm các chất chỉ điểm u trong máu ở ngưỡng bình thường. Bệnh nhân đang tiếp tục duy trì uống thuốc hóa chất uống và theo dõi sức khỏe định kỳ tại bệnh viện.

Trước đó, tháng 11/2014, ông V. bỗng dưng xuất hiện tình trạng ho ra máu đỏ tươi, số lượng ít, 1-2 lần/ngày. Dù không ho liên tục, không đau ngực, không khó thở, không sốt, không gầy sút cân nhưng lo ngại, ông đã đến Bệnh viện Bạch Mai khám. Kết quả chụp cắt lớp vi tính lồng ngực phát hiện hình ảnh u phổi trái 4,7x2,9 cm. 

Ông được sinh thiết khối u phổi làm xét nghiệm mô bệnh học, với kết quả là ung thư biểu mô tế bào vảy không sừng hóa. Các bác sĩ Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) xác nhận ông mắc ung thư phổi không tế bào nhỏ di căn hạch, giai đoạn IV, trên nền bệnh đái tháo đường, rối loạn mỡ máu.

Theo PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân được điều trị hóa chất, đồng thời tiêm insulin dưới da hàng ngày để điều trị bệnh đái tháo đường, điều trị hạ mỡ máu, kết hợp điều trị nâng cao thể trạng. 

Sau một năm, ông không ho, không khó thở, không đau ngực. Chất chỉ điểm u trở về bình thường CEA: 3,35 ng/mL, Cyfra 21-1: 1 ng/mL. Kết quả chụp cắt lớp vi tính lồng ngực cho thấy tổn thương phổi phải là các dải xơ, vài nốt mờ rải rác phổi phải, trái. Ông được điều trị duy trì bằng thuốc hóa chất dạng uống.

Sau 3 năm, sức khỏe bệnh nhân ổn định. Trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính lồng ngực không phát hiện tổn thương khối u. Đến tháng 4/2018, kết quả chụp PET/CT phát hiện hình ảnh đám mờ xơ nhu mô phổi trái, nốt mờ nhỏ thùy trên phổi phải, hạch thượng đòn phải và hạch trước carina. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị duy trì bằng thuốc hóa chất dạng uống. 

Ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới trong nhiều thập kỷ qua. Đây là bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới trên toàn thế giới (chiếm 16,7% tổng số ung thư ở nam giới). Tùy thuộc vào loại mô bệnh học, giai đoạn bệnh, thể trạng người bệnh mà có các phương pháp điều trị khác nhau như phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị đích, miễn dịch.

Đây là bệnh lý ác tính, ngay cả khi phát hiện sớm tỷ lệ sống sau 5 năm cũng không cao như nhiều bệnh ung thư khác. Tại Việt Nam cũng có rất ít bệnh nhân ung thư phổi sống được 5-6 năm. Với những trường hợp bị ung thư phổi di căn, thời gian sống chỉ được 3-6 tháng do ung thư phổi tiến triển nhanh.

Theo GS.TS Mai TRọng Khoa, nguyên phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bệnh gồm 2 nhóm khác nhau về điều trị và tiên lượng bệnh. Ung thư phổi tế bào nhỏ chiếm 15-20% và ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm 80-85%.

Bác sĩ khuyến cáo, để phòng bệnh ung thư phổi, điều quan trọng là không được hút thuốc lá, đồng thời có chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, làm việc hợp lý. Ngoài ra, cần thăm khám sức khỏe định kỳ, đặc biệt khi có các triệu chứng ho kéo dài, đau ngực… phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. 

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN