Thứ sáu, 26/04/2024 | 00:26
RSS

Tuyên Quang: Sáng tạo tuyên truyền phòng chống Covid -19 bằng tiếng dân tộc

Thứ năm, 23/04/2020, 11:31 (GMT+7)

Xuất phát từ thực tế có 16 dân tộc anh em trên địa bàn nên Công an huyện Lâm Bình, Tuyên Quang đã sáng tạo ra việc tuyên truyền phòng chống dịch bằng tiếng dân tộc, giúp đồng bào nắm bắt thông tin hiểu quả cao nhất.

 Tuyên Quang: Sáng tạo tuyên truyền phòng dịch Covid -19 bằng tiếng dân tộc

Công an huyện Lâm Bình phát tờ rơi cho người dân đi đường.

Cập nhật tình hình dịch bệnh đến từng thôn bản 

Chiều nào cũng vậy, cứ khoảng 3 giờ chiều, bà con lại nghe tiếng loa quen thuộc cùng giọng đọc diễn cảm, ấm áp, rõ ràng vừa bằng tiếng phổ thông, vừa bằng tiếng các dân tộc Tày, Mông, Dao phát ra từ những chiếc xe ô tô và xe máy tuyên truyền lưu động về dịch Covid -19 của Công an huyện Lâm Bình (huyện vùng núi cao của tỉnh Tuyên Quang) đồng loạt vang lên ở khắp 8 xã với 70 thôn, bản nằm trên địa bàn huyện. 

Ròng rã gần 3 tháng nghe tiếng loa tuyên truyền về dịch bệnh bằng tiếng dân tộc mình, người dân ở Lâm Bình đã hiểu được sựu nguy hiểm của dịch Covid -19 nên ai cũng có ý thức phòng chống dịch rất cao.

Bà Triệu Thị Lý, dân tộc Dao, thôn Nà Chúc, xã Hồng Quang, là người cao tuổi nên khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông của bà cũng hạn chế. “Hàng ngày tôi vẫn xem ti vi về tình hình dịch bệnh, nhưng tôi chỉ hiểu một chút ít về dịch bệnh thôi, vì tiếng phổ thông tôi nghe không rõ lắm, không hiểu nhiều.

Từ khi được nghe qua loa truyền thanh của công an huyện, những thông tin của dịch bệnh bằng tiếng dân tộc Dao của tôi. Tôi đã hiểu và nhắc nhở con cháu mình tự giác phòng chống dịch bệnh, đeo khẩu trang khi ra đường và rửa tay sạch, giữ vệ sinh người và nhà cửa sạch hơn”, bà Triệu Thị Lý vừa cõng cháu ra sân chơi, vừa ngóng tiếng loa tuyên truyền dịch bệnh của công anhuyện để nắm thêm tin tức mới về dịch Covid -19, bà cười bày tỏ niềm vui bằng chút ít vốn tiếng Kinh pha lẫn tiếng dân tộc Dao của mình.

Cũng nhờ có những chuyến xe loa truyền thanh lưu động của Công an địa phương, nên ông Chẩu Văn Binh, thôn Nà Co, xã Xuân Lập đã chủ động hoãn đám cưới của con gái để cùng địa phương phòng, chống dịch. Ông Binh chia sẻ: “Lúc đầu nhiều người trong gia đình tôi phản đối việc hoãn đám cưới của các con,vìcả nhà chúng tôi đều nghĩ mình ở tận vùng sâu, vùng xa, cách Thành phố đến trăm cây số thì dịch bệnh còn lâu mới lây lan tới.

Tuyên Quang: Sáng tạo tuyên truyền phòng dịch Covid -19 bằng tiếng dân tộc

Đội hình xuất phát với loa tuyên truyền dịch bệnh của công an huyện.

Nhưng hàng ngày được nghe tuyên truyền qua hệ thống phát thanh của công an huyện có phát bằng tiếng dân tộc Tày của tôi, tôi đã nghe ra mức độ nguy hiểm, nên vận động cả nhà nhất trí cùng việc hoãn đám cưới của con gái lại, để cùng cả nước chống bệnh dịch trước đã”.

Đưa nhiều tình huống chống dịch trong gia đình, xã hội vào kịch bản để tuyên truyền

Là đơn vị được giao nhiệm vụ dịch các văn bản, thông tin về dịch bệnh covid-19 sang tiếng dân tộc thiểu số, lãnh đạo công an huyện đã chỉ đạo thành lập đội dịch gồm 6 người, đảm nhiệm việc tiếp nhận thông tin từ Trung ương, Chính phủ, Bộ y tế và của tỉnh để biên tập các tin tức, dịch sang tiếng các dân tộc Tày, Mông, Dao và ghi âm mỗi ngày để kịp tuyên truyền đến bà con. Các bản tin về dịch Covid đều được biên tập ngắn gọn, dễ hiểu. 

Thượng úy Giàng A Thế, cán bộ Đội An ninh, Công an huyện Lâm Bình cho biết, khi được giao nhiệm vụ dịch văn bản, thông tin sang tiếng dân tộc Mông, anh đã dành hầu hết thời gian, kể cả buổi tối để hoàn thành sớm công việc. Sau khi dịch xong, anh ghi âm bản dịch để kịp cùng đồng đội lên đường tuyên truyền bằng loa truyền thanh lưu động.

Thượng tá Quan Đức Đội, Phó trưởng Công an huyện Lâm Bình cho biết: “Ngày nào cũng vậy, đội tuyên truyền phải xuất phát từ đơn vị lúc 3 giờ chiều. Gồm cả xe ô tô và xe máy có gắn loa, để nơi nào đường thôn xóm nhỏ, ô tô không vào được thì các xe máy vẫn tiến hành tuyên truyền. 
Anh em chiến sỹ cứ đi dọc tuyến đến các xã, thôn, bản cũng mất khoảng 7 – 8 giờ đồng hồ mỗi ngày. Khi bà con cơm nước xong, đội mới hoàn thành nhiệm vụ để trở về nhà. Bởi đội tuyên truyền phải đi rất chậm, để tuyên truyền bản tin về dịch bệnh đến từng ngõ ngách của thôn, bản. 

Trước đây, khi tuyên truyền bằng tiếng phổ thông thì bà con ít nghe hơn, nhưng nay thì hầu như ai cũng nghe được khi có bản tuyên truyền bằng tiếng dân tộc của họ”. Thượng tá Đội cũng chia sẻ: Hồi đầu chưa có bản tin được dịch sang tiếng dân tộc, bà con vẫn hay đi làm nương, ra đường khá đông và khâu phòng chống dịch, vệ sinh cá nhân hạn chế. Nhất là bà con vẫn nghĩ tỉnh Tuyên Quang chưa có trường hợp nào mắc Covid -19, nên rất chủ quan. Nhưng sau khi nghe đội tuyên truyền lưu động hàng ngày, bà con đã biết sợ dịch, đã thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Chính phủ, cách ly xã hội tại địa phương tốt.

“Ngoài việc dịch các bản tin về Covid-19 ra tiếng dân tộc, đội tuyên truyền của chúng tôi còn sáng tạo cách truyền thông dịch bệnh bằng kịch bản. Nghĩa là có người viết kịch bản về các tình huống xảy ra trong việc phòng, chống dịch Covid-19, như đối thoại giữa 2 vợ chồng, giữa cha mẹ, con cái trong gia đình về không tích trữ xăng dầu và thu gom lương thực trong nhà mùa dịch; về việc người dân vẫn ra khỏi nhà đi nương rẫy, đi làm đồng, đối đáp về hoãn cưới, giản tiện tổ chức ma chay, giỗ chạp trong gia đình…. Sau đó anh em trong đội đóng kịch, ghi âm lại rất sôi nổi, vui vẻ, hài hước, đầy tình người mà lại ngắn gọn, giúp bà con dễ hiểu vấn đề phòng dịch hơn”, Trung tá Đội hào hứng cho biết thêm.   

Ngoài việc tuyên truyền trên loa phát thanh, tuyên truyền lưu động, các bản dịch đã được in thành 4.000 bản tờ rơi để phát cho cán bộ thôn, bản trong những lúc đi tuyên truyền,để người dân nhằm chủ động trong việc phòng, chống dịch. 

Cùng với đó, 6 điểm chốt trực tại các điểm giáp ranh các tỉnh, huyện khác cũng được công an huyện tham gia chốt chặn và tuyên truyền dịch sâu rộng đến từng người dân. Với sự chủ động và sáng tạo trong các hình thức tuyên truyền, nhận thức của người dân ở các thôn bản trên địa bàn huyện đã được nâng lên rõ rệt. Đây cũng là dịp để cán bộ công an địa bàn trau dồi kiến thức về tiếng dân tộc, tạo mối quan hệ mật thiết, gắn bó gần gũi với bà con dân bản, góp phần hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, xã hội được giao.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN