Tin tức trong ngày 1/8: Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh ban hành Văn bản số 20/BCH thông báo về việc tạm ngừng cấp phép tàu từ 0h ngày 2/8.
Neo đậu tàu thuyền tránh trú bão. (Nguồn: TTXVN)
Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Ninh, hồi 10h ngày 1/8, vị trí trung tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,1 độ Vĩ Bắc 110,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/h), giật cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 10h ngày 2/8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc 106,2 độ Kinh Đông, trên vùng biển các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Sức gió mạnh nhất gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Vùng nguy hiểm trên biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên: Phía Đông kinh tuyến 106,0 độ Kinh Đông phía Bắc vĩ tuyến 16,0 độ Vĩ Bắc.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trưa 1/8, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 2 có tên quốc tế là Sinlaku.
Hồi 13h, vị trí tâm bão ở khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc; 109,5 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách bờ biển các tỉnh Thái Bình-Nghệ An khoảng 450km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới (từ 13h ngày 1/8 đến 13h ngày 2/8), bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Đến 13h ngày 2/8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, ngay trên vùng bờ biển các tỉnh Bắc Trung Bộ và Nam đồng bằng Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/h), giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): Phía Bắc vĩ tuyến 16,0 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 115,0 độ Kinh Đông.
Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trên khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật và lốc xoáy. Trên đất liền các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ có khả năng cao xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.