Tin tức trong ngày 20/7, rạng sáng ngày 19/7, chính quyền địa phương tỉnh An Huy đã phải dùng thuốc nổ để phá một con đập trên sông Trừ nhằm giảm áp lực từ mưa lũ. Thành phố Phụ Dương, tỉnh An Huy sáng sớm nay 20/7 cũng đã nâng cấp cảnh báo phòng chống lũ lên cấp độ 1 (cấp cao nhất) khi mực nước ở một số đập tại đây dâng cao, như mực nước ở đập Vương Gia đạt mức 29,17m, cách mực nước đảm bảo an toàn 0,13m.
Chính quyền địa phương tỉnh An Huy đã phải dùng thuốc nổ để phá một con đập trên sông Trừ
Chính quyền thành phố cảnh báo, mưa lớn sẽ tiếp tục kép dài từ nay đến ngày 23/7, do đó tình hình phòng chống lũ tại đây là vô cùng nghiêm trọng. Trước các diễn biến phức tạp của tình hình lũ lụt tại Trung Quốc ngày 19/7, Ủy ban thủy lợi sông trường giang tiếp tục đưa ra cảnh báo màu cam về lũ lụt đối với nhiều khu vực ở trung và hạ lưu sông.
Theo thống kê, mưa lũ từ đầu tháng 7 đến nay đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng đối với nhiều địa phương của Trung Quốc khiến ảnh hưởng tới đời sống của 24 triệu người, 31 người chết và mất tích. Nếu tính từ đầu năm đến nay, mưa lũ đã gây ảnh hưởng tới đời sống của khoảng 40 triệu người dân Trung Quốc, hơn 141 người chết và mất tích, với thiệt hại kinh tế vượt qua con số 12 tỷ USD.
Geoffrey Onyeama ngày 19/7 xác nhận, ông đã bị nhiễm Covid-19 sau lần xét nghiệm thứ 4, trở thành quan chức chính phủ đầu tiên của nước này dương tính với virus SARS-CoV-2.
Ngoại trưởng Geoffrey Onyeama là quan chức chính phủ đầu tiên của nước Nigeria dương tính với virus SARS-CoV-2
Hiện ông Onyeama, 64 tuổi, đã được cách ly và điều trị ở 1 cơ sở y tế. Thời gian qua, Ngoại trưởng Nigeria đã đóng 1 vai trò quan trọng trong việc hồi hương công dân nước này bị mắc kẹt ở nước ngoài vì Covid-19 về nước.
Tính đến nay, Nigeria đã ghi nhận hơn 36.000 người mắc Covid-19; trong có có 778 người tử vong. Chính phủ nước này hiện đã nới lỏng nhiều biện pháp phòng bệnh.
Trước các dấu hiệu cho thấy virus đang tăng tốc lây lan trở lại ở nhiều nơi, Chính phủ Pháp chính thức áp dụng quy định bắt buộc người dân phải mang khẩu trang ở hầu hết các địa điểm công cộng khép kín kể từ ngày thứ Hai, 20/7, sớm hơn 10 ngày so với dự kiến. Theo thông báo của Bộ Y tế Pháp, kể từ ngày này, người dân từ 11 tuổi trở lên, khi có mặt tại các địa điểm công cộng trong không gian kín phải mang khẩu trang, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt 135 EUR (tương đương hơn 3,5 triệu đồng).
Quy định này được áp dụng thêm với hầu hết các cửa hàng, trung tâm thương mại, các khu chợ có mái che, các ngân hàng, bưu điện, các cơ quan đón tiếp người dân. Trong khi đó, việc mang khẩu trang đã là bắt buộc từ trước ở rất nhiều địa điểm như các rạp chiếu phim, bảo tàng. Thậm chí trong các quán bar, nhà hàng, khi di chuyển, khách hoặc nhân viên phục vụ cũng buộc phải mang khẩu trang.
Chính phủ Pháp chính thức áp dụng quy định bắt buộc người dân phải mang khẩu trang
Trong bài trả lời phỏng vấn nhân ngày Quốc khánh Pháp 14/7 vừa qua, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận các dấu hiệu cho thấy dịch Covid-19 có thể đang bùng phát trở lại và thông báo chủ trương buộc người dân phải mang khẩu trang ở nơi công cộng khép kín kể từ ngày 1/8, trong nỗ lực kìm chế đà lây lan của virus SARS-CoV-2.
Vấn đề được quan tâm liên quan tới quy định này là liệu nước Pháp có đủ khẩu trang để người dân sử dụng hay không. Đầu tháng 7, bà Agnès Pannier-Runacher, Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực Công nghiệp trong Bộ Kinh tế và Tài chính nước này đã khẳng định, nước Pháp hiện có khả năng sản xuất 500 triệu khẩu trang mỗi tuần. Ngoài ra, các doanh nghiệp nước này buộc phải có trữ lượng khẩu trang đủ cho nhân viên sử dụng trong vòng 10 tuần nếu như dịch bệnh bùng phát trở lại.