Thứ sáu, 22/11/2024 | 04:43
RSS

Siết thi đánh giá năng lực ngoại ngữ

Thứ sáu, 04/12/2020, 14:36 (GMT+7)

Bộ GDĐT vừa công bố Dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Nhiều quy định được đánh giá là siết chặt hơn nữa chất lượng của văn bằng, chứng chỉ này trong bối cảnh niềm tin vào giá trị thực chất của những tấm giấy thông hành

Siết thi đánh giá năng lực ngoại ngữ

Ảnh minh họa

Mở rộng đơn vị tổ chức thi

Theo Dự thảo, đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ được mở rộng hơn, không chỉ gồm đơn vị sự nghiệp được giao nhiệm vụ tổ chức thi như quy định hiện hành mà các trường đại học (ĐH) cũng được phép tổ chức nếu đã đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo trình độ ĐH đối với chương trình đào tạo ngành ngoại ngữ đúng với ngoại ngữ tổ chức thi.

Trung tâm ngoại ngữ do chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc giám đốc sở GDĐT (nếu được chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền) quyết định thành lập, các trường cao đẳng sư phạm có đào tạo ngành ngoại ngữ: được tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo các định dạng đề thi từ bậc 1 đến bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (dành cho học sinh phổ thông).

Theo Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT, hiện có 14 đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ sáu bậc dùng cho Việt Nam (Tiếng Anh) theo quy định tại Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT.

Theo đó, đơn vị phải có bộ phận độc lập thực hiện chức năng đánh giá năng lực ngoại ngữ;  có đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chấm thi, cán bộ ra đề thi, cán bộ phân tích dữ liệu thi, cán bộ hỗ trợ, kỹ thuật viên, đáp ứng các yêu cầu về số lượng, trình độ để tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ; có ít nhất 20 cán bộ chấm thi nói và viết đối với tiếng Anh, 10 cán bộ chấm thi nói và viết đối với mỗi ngoại ngữ khác (nếu có)...

Ngoài việc đảm bảo được các điều kiện, đơn vị sẽ phải lập đề án tổ chức thi để gửi Bộ GDĐT thẩm định, kiểm tra và công khai đề án này lên website của trường để xã hội giám sát.

Bày tỏ quan điểm ủng hộ việc dự thảo bổ sung thêm những quy định để siết chặt hơn số lượng các đơn vị được phép tổ chức thi, cấp chứng chỉ, GS. TS Phạm Tất Dong- Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng đây là việc làm cần thiết để đảm bảo chất lượng của chứng chỉ này phản ánh đúng thực lực của các cá nhân sở hữu nó.

“Trong tình hình nhan nhản bằng cấp giả, những bằng cấp thật được cấp ra phải đảm bảo đúng người, đúng chất lượng thì mới khiến xã hội tin tưởng. Nhưng cần hơn nữa là việc sử dụng, vận dụng ngoại ngữ này trong thực tế công việc chuyên môn như thế nào bởi dù bằng cấp cao đến đâu mà khi cần trao đổi với đồng nghiệp nước ngoài chẳng hạn, lại không nói được thì cũng bỏ đi”, GS Dong nhấn mạnh.

Tăng cường giám sát

Tại Dự thảo mới, các đơn vị đủ điều kiện tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam sẽ được công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ. Nếu đơn vị tổ chức thi sai phạm và bị đình chỉ tổ chức thi thì hết thời hạn đình chỉ sẽ phải làm lại đề án khác, trình Bộ xem xét thẩm định.

Liên quan đến vấn đề này, GS Phạm Tất Dong cho rằng quy định nên làm chặt chẽ vấn đề này, chẳng hạn quy định thời hạn tối thiểu đơn vị đó phải chờ để có thể tiếp tục được phê duyệt đề án tổ chức thi bởi “một lần bất tín, vạn sự bất tin”.

Một lần xảy ra sai phạm thì không chỉ chịu trách nhiệm ở lần đó mà còn phải chịu hệ lụy lâu dài hơn chứ nếu vừa bị phát hiện sai phạm năm nay song năm sau lại vẽ ra đề án hay để được phê duyệt rồi lại vi phạm thì sẽ đánh mất niềm tin của xã hội.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT), 14 đơn vị hiện đang được cấp phép đều đã được các trường, sở GDĐT trên cả nước kiểm tra, thẩm định lại theo chỉ đạo của Bộ GDĐT. Tuy nhiên, danh sách này sẽ có thể thay đổi nếu Bộ GDĐT tổ chức thanh tra, phát hiện đơn vị nào vi phạm thì đơn vị đó sẽ bị dừng hoạt động để khắc phục.

Như vậy, công tác thanh kiểm tra của Bộ và các cơ quan chức năng cũng như toàn xã hội cần được tăng cường hơn nữa để tránh những sự việc xảy ra vài năm rồi, đến khi có đơn thư tố giác hoặc bị truyền thông phanh phui thì mới lật lại.

Đơn cử như vụ việc cấp bằng giả văn bằng 2 ngoại ngữ của Trường ĐH Đông Đô, đã có tới 55 cá nhân sử dụng bằng giả đó vào các mục đích khác nhau… Nếu được phát hiện, ngăn chặn sớm thì những hành vi giả mạo, trái pháp luật sẽ không còn đất sống…

Theo dự thảo sửa đổi, các yêu cầu về việc thi và tổ chức thi sẽ được nâng cao hơn so với quy định hiện hành như yêu cầu ngân hàng câu hỏi phải tăng gấp đôi số lượng, từ 2022 sẽ thi hoàn toàn trên máy tính, đơn vị tổ chức thi chịu hoàn toàn trách nhiệm...

Thu Hương
Theo Đại đoàn Kết