Dòng status đau đớn
Mấy ngày gần đây trên Facebook của Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Việt Hương – Cán bộ Khoa Nhi, Bệnh viện K Trung ương (nick Hương Phạm) có đăng tải một đoạn status với nội dung bày tỏ niềm cảm phục với một bệnh nhân ung thư xương đã điều trị 5 năm với nội dung "xin hiến tạng để cứu những mảnh đời khốn khổ".
Nội dung status có đoạn: "Từ sáng đến chiều trong lòng không thôi ngẫm nghĩ. Bệnh nhân ung thư xương của mình đã điều trị cách đây hơn 5 năm, ổn định bệnh được gần 5 năm thì tái phát, di căn nhiều vị trí.
Lần này dường như hóa chất không còn giúp được cô ấy nhiều nữa. Cô ấy đã bình tĩnh chuẩn bị cho chuyến đi xa của mình với nghĩa cử cao đẹp - hiến mô tạng. Mình đã thấy cuộc đời này còn tươi đẹp lắm và mình thì quá bé nhỏ”.
Và trên dòng trạng thái này, bác sĩ Việt Hương cũng đăng ảnh đoạn "chát" với nữ bệnh nhân ấy. Nhờ bác sĩ Hương tư vấn cách thức xin hiến tạng, bệnh nhân ấy đã thật thà chia sẻ: "Cháu không chịu nổi nữa, chỉ muốn hiến tạng cho các em nhỏ để cháu được đi sớm hơn".
Ngay sau khi dòng trạng thái này đăng tải đã thu hút được hàng nghìn lượt comment bày tỏ niềm cảm thông, sự xúc động cũng như sự khâm phục về tấm lòng cao cả của một người phụ nữ đang ở tuổi 28 đang mang trong mình trọng bệnh.
Những lượt chia sẻ tăng nhanh chóng với lời chúc tốt đẹp dành cho bệnh nhân có tấm lòng Bồ Tát này.
“Rất cảm phục tấm lòng cao cả của bệnh nhân! Cầu trời cho cô ấy phép màu để có thể khỏe lại!” hay “Bạn ấy sẽ còn sống mãi chị ạ”… là những dòng comment được nhiều người gửi đến nhân vật và cũng là bệnh nhân của bác sĩ Hương.
Bệnh nhân ung thư có nghĩa cử cao đẹp trên là chị Hoàng Thị Vân ở Thọ Xuân, Thanh Hóa Năm nay chị Vân mới 28 tuổi nhưng đã gồng mình chống chọi tử thần ung thư suốt 5 năm dòng.
Dòng status của bác sĩ Hương trên trang cá nhân. Ảnh: Facebook
Nụ cười không tắt
Chúng tôi tiếp xúc với chị trong một ngày đầy nắng. Trái ngược với hình dung của chúng tôi, trên khuôn mặt hốc hác của người đàn bà đang khổ sở chống chọi với bạo bệnh ấy lại luôn chứa chan những ánh nhìn lạc quan, yêu đời.
“Tôi biết mình bị bệnh từ năm 2012. Lúc đầu tôi cũng sốc lắm, cũng đau khổ như bao người nhưng sau 1 tuần tôi đã nghĩ khác. Tôi bị bệnh, gia đình cũng đủ đau đớn rồi. Tôi không muốn để người thân ngày ngày thấy tôi kêu gào, than thở, khóc lóc nữa. Tôi muốn mọi người nhìn thấy tôi cười.
Từ lúc ấy, tôi cười nhiều hơn, cười để xua tan đi sự đau đớn, cười để xua tan đi cảm giác bất hạnh của bản thân”, chị Vân chia sẻ.
Sống lúc nào thì tốt lúc ấy và sẽ không là gánh nặng cho gia đình, ấy là suy nghĩ của chị Vân, người đang mang trong mình trọng bệnh. "Tôi muốn ra đi thật thanh thản, muốn để mọi người tin rằng tôi được giải thoát", chị Vân điềm nhiên tâm sự.
Theo chị Vân, điều khiến chị day dứt nhất là hai đứa con đẹp như tranh vẽ. Không chỉ chị mà ngay cả mẹ chị cũng chung nỗi day dứt này. Hàng ngày, nhìn con phải nhận những mũi morphine tiêm vào người để giảm bớt sự đau đớn, mẹ chị lại gạt nước mắt. Bà thương con gái một thì thương hai đứa trẻ mười. Bà lo sau này con mình không còn nữa thì hai đứa cháu sẽ sống ra sao?
Chị Vân bảo, trước đây, bởi đau đớn chị đã định tìm đến cái chết. Nhưng rồi, nhìn thấy hai đứa nhỏ, chị lại từ bỏ ý định dại dột ấy. Chị muốn nhìn chúng lớn thêm.
Nói về nỗi đau đớn do bạo bệnh gây ra, chị Vân cho biết, những cơn đau ấy với chị là vô cùng khủng khiếp. Chúng ập đến chẳng báo trước và mỗi lần chúng "vội đến và chậm dãi đi" thì chị thấy thân thể mình mềm nhũn ra, các khớp xương như vỡ vụn.
Chị Vân hạnh phúc bên cô con gái lớn xinh xắn. Ảnh: FBNV
Hiến thân thể mình để giúp người khác… thôi cảnh bi thương
Nhắc tới ý định muốn hiến nội tạng, bằng giọng nói lạc quan nhưng ẩn chứa những nỗi sầu muộn, chị chia sẻ rằng ý nghĩ này không phải mới xuất hiện gần đây mà chị đã ấp ủ từ lâu, ngay từ khi biết mình mắc bệnh.
“Một lần xem chương trình trái tim cho em, nhìn thấy nhiều mảnh đời cơ cực, thấy những đứa bé còn nhỏ mà phải oằn mình ra chống chọi với bệnh tật, cũng là mẹ nên tôi thấy thương và xót lắm!”, chị Vân xúc động chia sẻ.
Bởi niềm xúc động ấy mà chị đã đi đến một quyết định khó tin nhưng đầy nhân bản, tình người. Chị muốn hiến tạng, hiến tất cả những thứ còn có thể dùng trong cơ thể mình.
"Biết đâu nhờ một bộ phận trong cơ thể mình mà giúp một đứa bé sống khỏe mạnh, một mảnh đời cơ cực sẽ được đoàn tụ với gia đình, được nhìn thấy ánh sáng và tương lai mới", chị Vân tâm sự.
Trong suốt thời gian trò chuyện với chúng tôi, chị Vân phải nghỉ ngơi giữa chừng vì bị cơn đau hành hạ. Chị bảo, số phận đã không mỉm cười với mình nhưng dù thế nào thì cũng không được khóc dù có bi thương, đau đớn đến đâu đi chăng nữa.
Động lực để chị trụ vững và lạc quan chính lại đến chính từ những bệnh nhân cùng điều trị ung thư như chị. Chị Vân kể, suốt 5 năm qua, chị nằm viện nhiều hơn ở nhà.
Ở viện, tận thấy nhiều cảnh ngộ bi thương nên chị càng quyết tâm hơn trong việc "xin hiến những bộ phận trên cơ thể mình để cứu người".
Chị tâm sự, nhiều "cảnh khổ" ở viện đã ám ảnh, khiến chị dù có chết cũng chẳng thể nào quên. "Đó là đứa trẻ mới 2 tuổi đã bị ung thư xương, lúc mới vào nó còn quấy khóc nhưng lâu dần dường như nhận ra một điều gì đó nó chỉ nằm im, đưa đôi mắt xinh đẹp của mình nhìn mọi người xung quanh như một cách để cảm nhận cuộc sống.
Đó là câu hỏi của đứa trẻ 12 tuổi khi đến viện trị bệnh đã ngây ngô hỏi mẹ: “Sao những người ở đây xấu xí thế mẹ? Có phải rồi con cũng biến thành như thế không?”.
Rồi vào một ngày khác khi có người trong phòng mất, đứa trẻ ngây ngô ấy đã đưa đôi mắt trong veo hỏi cô y tá khi đến phòng tiêm thuốc: “Có phải cháu cũng chết không cô?”.
Những "kỷ niệm" còn đau đớn hơn cả sự hành hạ của bạo bệnh ấy đã thôi thúc, khiến chị quyết tâm hơn với tâm nguyện hiến mô tạng của mình".