Thứ tư, 17/04/2024 | 04:21
RSS

Nguyên nhân khiến những đứa trẻ rơi vào “vòng xoáy” ma túy

Thứ ba, 22/06/2021, 06:24 (GMT+7)

Gia đình và nhà trường là hai yếu tố tác động trực tiếp và có ảnh hưởng lớn đến các em độ tuổi thanh thiếu niên. Do đó, có thể nói rằng sự lơ là trong giáo dục từ phía gia đình và nhà trường là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc lạm dụng ma túy tuổi vị thành niên.

Theo liệu từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy năm 2020, trong số 234.620 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, có trên 70% số người nghiện dưới 30 tuổi, trong đó có khoảng 5% tổng số người sử dụng ma túy ở tuổi vị thành niên (dưới 18 tuổi) và khoảng 50% là trẻ em (dưới 16 tuổi). Những con số đáng buồn này cho thấy, tỷ lệ thanh thiếu niên nghiện ma túy ngày càng gia tăng; số học sinh sinh viên tìm đến ma túy ngày càng nhiều.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ thanh thiếu niên nghiện ma túy ngày càng gia tăng, trong đó có sự lơ là từ phía gia đình và nhà trường. Trước hết là gia đình, đây là nơi đứa trẻ sinh ra và lớn lên, do đó môi trường cuộc sống gia đình có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành và phát triển tâm lý cũng như nhân cách của trẻ. Không khí gia đình rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến quá trình tiếp cận và trở thành đối tượng nghiện của thanh thiếu niên.

Nguyên nhân khiến những đứa trẻ rơi vào vòng xoáy ma túy

Ảnh minh họa

Những đứa trẻ mà cha mẹ có mối qua hệ phúc tạp như: ly thân, ly hôn... có xu hướng nghiện khá cao. Hoặc những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả mà nuông chiều thái quá để cho con cái có điều kiện giao du, chơi bời quá trớn cũng rất dễ bị mắc nghiện. Sự buông lỏng quản lý, ít quan tâm đến con cái hay nuông chiều thái quá, gia đình không hạnh phúc là một trong những nguyên nhân chính khiến con cái tiếp cận với ma tuý.

Đặc biệt nguy hại là một số gia đình do sĩ diện hay do nuông chiều con cái nên không dám thừa nhận với cộng đồng là con mình đã bị nghiện, không dám đưa con cái đi điều trị ở các cơ sở cai nghiện và chịu áp lực thường xuyên phải cung cấp tiền để con mua chất gây nghiện dẫn đến việc ngày càng nghiện nặng hơn.

Trong gia đình bố mẹ không quan tâm đến con cái hoặc nuông chiều thái quá dẫn đến sự quản lý con cái bị buông lỏng thì với sự nhạy cảm của thanh thiếu niên những tật xấu rất dễ xâm nhập. Đầu tiên là mải chơi, đua đòi, lười học, học kém, bỏ học dẫn đến bị lôi kéo nghiện ma tuý. Đa số đối tượng thanh thiếu niên nghiện đều thất học, hoặc có trình độ học vấn thấp, phần lớn trong số họ mới có trình độ tiểu học, số ít đang học dở trung học cơ sở, hoặc đang học đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp.

Nhiều người trong số đó không được đào tạo về nghề nghiệp, bởi vậy cơ hội để tham gia vào quá trình phát triển xã hội là rất nhỏ. Không nghề nghiệp, hoặc nghề nghiệp không ổn định, có địa vị thấp trong xã hội, thu nhập thấp và không ổn định, không kiếm đủ tiền cho cuộc sống độc lập của mình, vì thế họ có cảm giác thua thiệt về tâm lý, dễ sinh chán chường, bất mãn và sinh ra nghiện ngập.

Bên cạnh đó, những trẻ trong độ tuổi học sinh Trung học phổ thông rất dễ bị lôi kéo vào con đường nghiện ma tuý. Nguyên nhân là vì các em không có ''sân chơi'' lành mạnh, nếu muốn giải trí các em phải tìm đến các địa điểm tự do mà ở đó lại có nhiều kẻ xấu không từ một thủ đoạn nào để lôi kéo các em sa ngã đi vào con đường nghiện ma tuý.

Nguyên nhân khiến những đứa trẻ rơi vào vòng xoáy ma túy

Ảnh minh họa

Ngoài gia đình và nhà trường, thanh thiếu niên còn chịu ảnh hưởng lớn của môi trường bạn bè, hoặc cũng có thể là do chính bản thân người nghiện. Trên thực tế, không ít các bậc phụ huynh có con nghiện ma tuý cho rằng: Con cái của họ có thể đã bị bạn bè hay kẻ buôn bán ma tuý ép dùng ma tuý. Tuy nhiên, bản thân những thanh niên nghiện ma túy lại nói rằng, họ sử dụng ma tuý vì  muốn giải sầu, muốn có cảm giác dễ chịu, muốn quên đi những rắc rối của mình và thư giãn.

Có thể nói, hiện nay chúng ta đang phải sống trong một môi trường xã hội đầy rẫy những cám dỗ của tệ nạn xã hội: các ổ nhóm và tụ điểm buôn bán ma túy vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi, người nghiện vẫn có thể tìm mua ma túy tương đối dễ dàng.

Bên cạnh đó, mặt trái cơ chế thị trường luôn là mảnh đất cho các loại tệ nạn xã hội phát triển, đặc biệt là tệ nạn ma túy. Mà những mặt trái này tác động đầu tiên vào tầng lớp thanh, thiếu niên có lối sống thực dụng, thích ăn chơi, hưởng thụ nhưng không chịu lao động.

Ai cũng biết những tác hại nặng nề mà tệ nạn ma túy để lại, nhưng để phòng chống, đánh phá nó là cả một quá trình cố gắng. Để làm tốt công tác tuyên truyền Luật phòng, chống ma túy và góp phần làm giảm số lượng người nghiện ma túy, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức về tác hại của các loại ma túy, đồng thời đề cao tinh thần cảnh giác trước các thủ đoạn của tội phạm ma túy.

N.H
Theo Giáo dục & Thời đại