Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:19
RSS

Vì sao ma túy làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS?

Thứ hai, 21/06/2021, 09:15 (GMT+7)

Những năm gần đây, số lượng người phải sống chung với HIV/AIDS ngày càng tăng cao, trong đó nguy cơ lây nhiễm chính căn bệnh này nhiều nhất đến từ việc lạm dụng ma túy và chất gây nghiện.

Vì sao ma túy làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS

Ảnh minh họa

Theo ước tính ở Việt Nam có khoảng 65% người nhiễm HIV/ AIDS là người nghiện ma túy. Ngoài ra, số liệu của Bộ Y Tế cũng cho biết, hiện cả nước có hơn 197.000 người nhiễm HIV, trong đó năm 2011 có hơn 14.000 người xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV và hầu hết ở lứa tuổi khá trẻ, từ 20-39 tuổi chiếm 82%, lây truyền qua đường máu (46,7%) và lây qua đường tình dục là (41,4%). Tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm nghiện chích ma túy vẫn là mối nguy cho cả cộng đồng.

Ở nước ta đã có nhiều nghiên cứu về mối quan hệ giữa nghiện ma túy và HIV. Người nghiện có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS cao hơn người bình thường. Vậy nguyên nhân là do đâu?

Trên thực tế, lúc mới sử dụng ma túy, đặc biệt là các loại ma túy tổng hợp, người nghiện thường bị kích thích tình dục rất nhiều. Một khi phê thuốc, người nghiện sẽ không kiểm soát được hành vi, họ tìm mọi cách để thỏa mãn nhu cầu mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ (kể cả quan hệ với gái mại dâm), điều này rất dễ lây nhiễm HIV nếu bạn tình bị HIV. Đồng thời họ dễ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như: lậu, giang mai...

Mặt khác, đối tượng nghiện ma túy thường dùng chung kim tiêm mà không khử trùng, hoặc không đảm bảo yêu cầu vệ sinh, nên họ rất dễ bị nhiễm HIV từ người này sang người khác qua đường máu. Sau mỗi lần sử dụng, máu của người dùng trước còn đọng trên bơm kim đi thẳng vào mạch máu của người sau, người tiêm sau sẽ bị lây nhiễm nếu người chích trước nhiễm HIV. Một người nghiện tâm sự: “Đến lúc lên cơn thèm thì bất chấp hết, ai vớ được cái bơm nào là chích cái đó, chích cho nhanh để thỏa mãn cơn thèm”.

Ngoài ra, “dân buôn chợ đen” cũng có thể đóng gói lại ống tiêm đã qua sử dụng và bán chúng như ống tiêm vô trùng. Việc dùng những loại ống tiêm này rất có thể khiến người sử dụng có nguy cơ nhiễm HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu khác. Vì lý do này, những người tiêm các loại thuốc nên lấy ống tiêm vô trùng từ các nguồn đáng tin cậy như các nhà thuốc hoặc các chương trình đổi bơm kim tiêm.

Nhiều người nghĩ hút hoặc hít ma túy thôi thì sẽ không sợ bị lây nhiễm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những người nghiện ma túy phải tăng liều dùng thì mới có cảm giác phê; vì thế mà sau khi hút, hít sẽ chuyển sang chích là điều đương nhiên.

Hơn nữa, lạm dụng ma túy và nghiện thuốc cũng làm các triệu chứng HIV trầm trọng thêm, ví dụ như gây tổn thương tế bào thần kinh nhiều hơn và làm suy giảm nhận thức. Ngoài ra, uống rượu hoặc sử dụng các loại thuốc khác có thể ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của bạn và làm tăng tốc độ tiến triển của bệnh.

Vì sao ma túy làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS

Ảnh minh họa

Qua những phân tích ở trên, có thể thấy được mối liên hệ mật thiết giữa nghiện ma túy và nhiễm HIV. Vì vậy, để giảm thiểu tỷ lệ người nhiễm HIV thì điều cấp thiết nhất hiện nay là giảm thiểu số người sử dụng ma túy.

Tại Việt Nam, Cục phòng chống HIV/AIDS đã chính thức được Bộ Y tế giao làm đầu mối điều trị lạm dụng ma túy tổng hợp. Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS Hoàng Đình Cảnh cho biết: Đây là lĩnh vực khá mới ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới

Việc can thiệp ma túy tổng hợp là vấn đề cực kỳ phức tạp vì kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới. Các loại ma túy tổng hợp mới hàng năm ra đời ngày một nhiều, can thiệp chủ yếu hiện nay là tâm lý xã hội và hành vi. Chưa có thuốc nào chứng minh hiệu quả trong việc điều trị HIV/AIDS. 

Để giảm thiểu tỷ lệ người nhiễm HIV thì điều cấp thiết nhất hiện nay là giảm thiểu số người sử dụng ma túy. Xã hội và gia đình cần có sự phối hợp nhằm giáo dục nâng cao nhận thức của giới trẻ về các tác hại của ma túy và cách phòng chống hiệu quả.

N.H
Theo Giáo dục & Thời đại