Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:17
RSS

Làm rõ văn bản "phối hợp thí điểm thử ma túy cho học sinh" của Bộ GDĐT

Thứ bảy, 29/05/2021, 08:31 (GMT+7)

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có văn bản hướng dẫn làm rõ hơn về nội hàm một số nhiệm vụ trong Kế hoạch 455, trong đó có việc làm rõ cụm từ "phối hợp thí điểm thử ma túy cho học sinh, sinh viên".

Những giờ qua, có nhiều luồng dư luận trái chiều liên quan đến kế hoạch số 455/KH-BGDĐT "Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021" của Bộ GDĐT. Kế hoạch do Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh ký ban hành ngày 10.5.2021.

Mục đích của kế hoạch là nhằm triển khai hiệu quả các nội dung công việc được giao tại Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.

Kế hoạch 455 gồm 9 nhiệm vụ liên quan đến công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm…

Hiện nay, đang có nhiều luồng dư luận về vấn đề câu chữ liên quan đến nhiệm vụ số 4 và nhiệm vụ số 8 của kế hoạch 455.

Làm rõ văn bản phối hợp thí điểm thử ma túy cho học sinh của Bộ GDĐT

Ảnh chụp Kế hoạch 455 của Bộ GDĐT. Phần nhiệm vụ số 4 và số 8 đang nhận ý kiến trái chiều từ dư luận.

Cụ thể, nhiệm vụ 4 yêu cầu "Phối hợp thí điểm tại một số địa phương về thử ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển các phương tiện giao thông".

Nhiệm vụ 8 yêu cầu: "Xây dựng, triển khai kế hoạch dự phòng nghiện ma túy cho thanh niên, thiếu niên và học sinh, sinh viên".

Nhiều ý kiến thắc mắc về cụm từ “thử ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh…”, hay “kế hoạch dự phòng nghiện ma túy cho thanh niên, thiếu niên” và cho rằng câu chữ trong văn bản như vậy có thể gây hiểu lầm, khó hiểu cho người tiếp nhận.

Liên quan đến nội dung này, Thứ trưởng Bộ GDĐT Ngô Thị Minh cho biết, hiện Bộ đang rà soát nội dung trong kế hoạch số 455/KH-BGDĐT.

Bộ GDĐT đã có văn bản số 2043/BGDĐT-GDCTHSSV về việc hướng dẫn làm rõ hơn về nội hàm một số nhiệm vụ trong Kế hoạch 455.

Theo đó, nhiệm vụ số 4, cụm từ "thử ma túy" được hiểu là "xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể".

Nhiệm vụ số 8 "dự phòng nghiện ma túy" được hiểu là "hoạt động phòng ngừa nghiện ma túy".

Làm rõ việc dùng từ “thử ma túy”

Theo tìm hiểu của phóng viên Lao Động, các cụm từ “thử ma túy", "dự phòng nghiện ma túy" xuất hiện trong phần phụ lục gửi kèm văn bản số 1477/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ, ban hành ngày 9.3.2021 về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Văn bản được gửi đến các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.

Tại văn bản này, ở phần phụ lục có nhiệm vụ cụ thể giao cho từng bộ ngành, các cơ quan phối hợp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm trong thời gian tới.

Trong đó, tại nhiệm vụ số 55 giao Bộ GDĐT, có nêu rõ: “Phối hợp thí điểm tại một số địa phương thử ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông” (Xem đầy đủ văn bản TẠI ĐÂY).

Tại nhiệm vụ số 59, phụ lục văn bản nêu: “Xây dựng, triển khai kế hoạch dự phòng nghiện ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên”. Nhiệm vụ này được giao cho Bộ GDĐT phối hợp với T.Ư Đoàn TNCS HCM, Bộ LĐTBXH, Đại học Y Hà Nội thực hiện.

Làm rõ văn bản phối hợp thí điểm thử ma túy cho học sinh của Bộ GDĐT

Trích phụ lục gửi kèm văn bản số 1477/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ.

Sau khi được giao nhiệm vụ, Bộ GDĐT và các bộ, ngành liên quan đã phối hợp, ban hành kế hoạch để triển khai các nội dung được nêu ở trên.

PV Báo Lao Động cũng liên hệ với các chuyên gia thuộc Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm để làm rõ nội hàm các từ ngữ mà dư luận đang có thắc mắc. Và các chuyên gia công tác trong lĩnh vực liên quan đều khẳng định việc dùng những từ ngữ trong các văn bản trên là không sai.

"Thử ma túy là kiểu sàng lọc ma túy trong trường học, được thực hiện theo các cách như dùng que test thử, hoặc xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể. Còn kế hoạch dự phòng nghiện ma túy là hoạt động sàng lọc, truyền thông về tác hại ma túy, để phòng ngừa nghiện ma túy. Đây là những thuật ngữ mà những người hoạt động trong các lĩnh vực, công tác phòng, chống tệ nạn ma túy vẫn hay sử dụng"- một đại diện bên Bộ Y tế, là thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cho biết.

Bích Hà
Theo Lao động