Thứ bảy, 27/04/2024 | 01:23
RSS

Làm gì để ngăn chặn, đẩy lùi hiểm họa ma túy học đường?

Thứ sáu, 28/05/2021, 19:23 (GMT+7)

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Kế hoạch số 455/KH-BGDĐT “Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021” nhằm ngăn chặn, đẩy lùi hiểm họa ma túy học đường.

“Lá chắn thép” bảo vệ các em học sinh trước sự cám dỗ của ma túy

Ngày 10/5, Bộ giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành kế hoạch số 455/KH-BGDĐT “Triển khai thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao trong Chương trình công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2021” (Kế hoạch 455). Kế hoạch do Thứ trưởng Ngô Thị Minh ký được gửi đến các Sở GD&ĐT, kèm Công văn 1898/BGDĐT-GDCTHSSV.

Với mục đích triển khai hiệu quả các nội dung công việc được giao tại Chương trình công tác năm 2021 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm và kỹ năng phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm, tệ nạn xã hội cho giáo viên, phụ huynh và học sinh, sinh viên.

Kế hoạch 455 có 09 nhiệm vụ, mỗi nhiệm vụ đều quy định cụ thể, chi tiết như: “Tổ chức các chương trình tuyên truyền, tập huấn công tác phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm và tệ nạn xã hội cho học sinh, sinh viên, cán bộ Đoàn, Đội của nhà trường trên toàn quốc”.

“Triển khai bộ tài liệu Kỹ năng phòng chống ma túy và tổ chức tập huấn cho giáo viên, phụ huynh, học sinh. Nghiên cứu xây dựng bộ tài liệu Kỹ năng phòng chống ma túy dành cho học sinh”.

Theo số liệu thống kê gần đây cũng đã giống lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của ma túy với giới trẻ và học sinh sinh viên. Thông tin công bố của Bộ Công an cho biết, trong số hơn 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của cả nước, dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%, nếu tính đến độ tuổi 35 thì tỷ lệ này thậm chí lên đến 76%.

Trong tổng số những người sử dụng trái phép chất ma túy, có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 tuổi đến 25 tuổi. Đặc biệt ngày nay với sự xuất hiện ngày càng phổ biến, đa dạng về chủng loại, giá thành ngày càng rẻ, dễ cất giấu, sử dụng, tính độc hại cao của ma túy tổng hợp, nhiều em 13-14 tuổi đã sử dụng ma túy.

Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an cho rằng, hiện nay tình trạng học sinh, sinh viên sử dụng, nghiện ma túy gia tăng vì tội phạm ma túy đủ độ tinh ranh để biết học sinh, sinh viên đang ở độ tuổi hình thành nhân cách, dễ bị kích động, lôi kéo, rủ rê.

Để ngăn chặn ma túy học đường, đầu tiên phải nhận thức và nhận diện đúng, đầy đủ về ma túy. Lực lượng công an đang tăng cường triệt xóa các đường dây, tụ điểm buôn bán, tổ chức, sử dụng ma túy, không để ma túy sản xuất trong nước, đồng thời quan tâm quản lý người nghiện ma túy, người sử dụng ma túy, cũng như chỉ đạo toàn lực lượng vào cuộc cùng cấp ủy, chính quyền, địa phương, nhà trường ngăn chặn ma túy học đường, Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) chia sẻ thêm.

Mặt khác, để ngăn chặn và đẩy lùi tệ nạn ma túy học đường, Đại tá Vũ Văn Hậu cho biết: “Lực lượng công an đã, đang và sẽ sát cánh với Bộ GD&ĐT, các hệ thống giáo dục từ công tác tuyên truyền pháp luật đến các giải pháp trong phòng ngừa cũng như thường xuyên kiểm tra, rà soát và triển khai các biện pháp nghiệp vụ phát hiện, đấu tranh, xử lý các vi phạm về sử dụng trái phép chất ma túy trong khu vực trường học…

Gia đình, nhà trường phải trở thành pháo đài ngăn chặn ma túy, học sinh, sinh viên, giáo viên phải là những người nhận diện đúng, nhận thức đầy đủ và tự có sức đề kháng, không bị cám dỗ về ma túy và đặc biệt vai trò của phụ huynh là rất quan trọng”.

Kế hoạch 455 –  Quyết tâm đẩy lùi hiểm họa ma túy học đường

Trong những năm gần đây, công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống tệ nạn ma túy đã được quan tâm, triển khai đồng bộ ở các cấp học, trình độ đào tạo, đa dạng về hình thức thông tin, tuyên truyền và trở thành phong trào thường xuyên, liên tục ở hầu hết các địa phương, đơn vị.

Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các sở giáo dục và đào tạo và hệ thống các trường học tổ chức các hoạt động thi sáng tác ca khúc về đề tài phòng, chống ma túy; thi văn nghệ với chủ đề phòng, chống tệ nạn ma túy; cắm trại, lồng ghép hoạt động phòng, chống ma tuý với các hoạt động văn nghệ, thể thao tạo được sân chơi lành mạnh, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia.

Đồng thời, chỉ đạo việc lồng ghép nội dung phòng, chống ma túy vào các chương trình học tập, sinh hoạt chính khoá, ngoại khóa với sự tham gia tích cực của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong nhà trường. Các hoạt động này đã góp phần tích cực trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn sự phát triển của tệ nạn ma túy trong học sinh, sinh viên toàn ngành.

Mặc cho nhà trường và các cơ sở giáo dục đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống ma túy nhưng trên thực tế kết quả đạt được chưa thực sự mang tính bền vững, tình hình tệ nạn ma tuý trong học đường vẫn đang ngày càng diễn biến phức tạp và luôn có xu hướng tăng về mức độ và số lượng vụ vi phạm.

Thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thiếu hiệu quả đã được chỉ ra. Cụ thể, ở một số nhà trường việc quản lí, tổ chức phòng chống ma tuý trong trường học chưa được đầu tư chiều sâu. Bộ máy kiêm nhiệm chưa đủ mạnh để duy trì cập nhật, xử lý các nguồn thông tin trong học sinh, sinh viên, cán bộ, giáo viên liên quan đến ma tuý. Chưa phát huy tốt vai trò chủ động của học sinh, sinh viên tham gia phòng chống ma tuý trong trường học và cộng đồng.

Mặc khác, một số trường thiếu các biện pháp kiên quyết về việc làm trong sạch môi trường, không còn nguy cơ về ma túy; công tác tuyên truyền ở nhà trường và cơ sở giáo dục còn chưa phù hợp. Thậm chí tình trạng giáo viên nghiện và phạm tội ma túy trong một số trường ở vùng cao, miền núi tăng nhanh…

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai Tháng hành động phòng chống ma túy năm 2021 ngày 27/5/2021, với những giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống ma túy (PCMT).

Điểm mới trong chỉ đạo PCMT của Thủ tướng Chính phủ năm nay là đặc biệt quan tâm đến công tác phòng ngừa ma túy đối với tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên: "Tổ chức các hoạt động tuyên truyền PCMT, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, nghiên cứu lồng ghép, tích hợp nội dung PCMT vào chương trình và hoạt động của các cấp học".

Chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ, cùng kế hoạch số 455/KH-BGDĐT vừa được ban hành với những quy định rất chi tiết, cụ thể từ phân công nhiệm vụ, cách thức thực hiện, thời gian cụ thể…, đây được xem như là “cú đấm” đánh trực diện vào hiểm họa ma túy khi nó đã và đang xâm nhập vào học đường. Kế hoạch số 455/KH-BGDĐT nếu được triển khai hiệu quả, đó cũng sẽ là tấm khiên hữu hiệu để “bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy”.

PV
Theo Giadinh.net