Thống kê gần đây cho thấy, trong số hơn 235.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của cả nước, dưới 16 tuổi chiếm 0,1%, từ 16 đến dưới 30 tuổi chiếm 48%, nếu tính đến độ tuổi 35 thì tỷ lệ này thậm chí lên đến 76%. Trong số những người sử dụng trái phép chất ma túy, có khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu tiên có độ tuổi từ 15 tuổi đến 25 tuổi. Đặc biệt ngày nay với sự xuất hiện ngày càng phổ biến, đa dạng về chủng loại, giá thành ngày càng rẻ, dễ cất giấu, sử dụng, tính độc hại cao của ma túy tổng hợp, nhiều em 13-14 tuổi đã sử dụng ma túy.
Sự thiếu quan tâm, buông lỏng giáo dục của gia đình là một trong những nguyên nhân chính khiến một số bộ phận thanh thiếu niên không tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, dễ bị bạn bè lôi kéo, rủ rê, ham vui dẫn tới sa ngã vào con đường ma tuý.
Ảnh minh họa
Muốn con em mình không sa chân vào ma túy, trước tiên cha mẹ phải làm gương tốt cho con trong lối sống, cách ứng xử. Một khi gia đình hoà thuận sẽ tạo cho con em họ ổn định về mặt tâm lý, hình thành nhân cách tốt. Cha mẹ cũng cần quan tâm đến đời tư của con em mình, định hướng cho các em các mối quan hệ để các em có thể lường trước được mọi vấn đề, nhất là đối với các em đang tuổi vị thành niên.
Thực tế có rất nhiều gia đình coi nhẹ việc quản lý, giáo dục con cái. Thậm chí né tránh trách nhiệm khi con sa ngã, có gia đình lại quá nuông chiều, khi phát hiện con mình nghiện ma tuý chỉ một mực tìm cách bao che, dung túng.
Với thực trạng đáng báo động của ma túy, đặc biệt là ma túy học đường trong thời điểm này, việc giáo dục, phòng chống ma túy đã không còn là nhiệm vụ của riêng ai mà đã trở thành mục tiêu của các cơ quan nhà nước, các bộ ngành, các gia đình và mỗi người. Cùng với những tác hại nguy hiểm mà ma túy gây ra, giờ đây bất kỳ ai cũng có thể trở thành đối tượng mà chúng nhắm đến. Đặc biệt là những đứa trẻ trong độ tuổi vị thành niên, dễ bị tổn thương và ảnh hưởng bởi thế giới xung quanh. Bởi vậy, hơn bao giờ hết, gia đình và nhà trường cần cùng nhau phối hợp trong việc bảo vệ và giáo dục con em trước những hiểm họa mà ma túy gây ra.
Gia đình phải thường xuyên quan tâm giáo dục con, em. Cha mẹ thương con nhưng không được nuông chiều con quá mức, ngược lại cũng không nên quá khắt khe, mắng chửi, đánh đập, sỉ nhục con cái. Phải quan tâm, giúp đỡ, dìu dắt con em trong những khó khăn, vướng mắc của cuộc sống. Tạo môi trường gần gũi giữa cha mẹ và con cái, quan tâm, giám sát chặt chẽ giờ giấc học tập, vui chơi, quan hệ bạn bè của con em mình. Nên mềm mỏng nhưng cương quyết khuyên bảo con em mình tránh xa đám bạn xấu.
Ảnh minh họa
Khi phát hiện con em mình nghiện ma túy, cha mẹ phải bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân, giải thích tác hại của ma túy cũng như khuyên nhủ con em mình không nên tiếp tục sử dụng ma túy. Đồng thời phải báo cáo, trao đổi với chính quyền địa phương để được giúp đỡ, hướng dẫn tổ chức cai nghiện cho con em mình, không nên bao che, giấu giếm.
Thiết nghĩ, phòng, chống ma túy từ gia đình là trách nhiệm của mọi thành viên trong gia đình. Nhận thức đúng vai trò và hỗ trợ cách làm đúng để phòng, chống ma túy từ gia đình, chúng ta sẽ có những tổ ấm, môi trường trong lành cho thanh thiếu niên. Gia đình cần giáo dục cho con cái hiểu sâu sắc tác hại do ma tuý gây ra và cần phối hợp với nhà trường, tổ chức đoàn thể có những biện pháp quản lý hợp lý.